Quốc Việt/ Báo Tuổi trẻ
—–
Những căn nhà xưởng, nhà ống, những cái ‘rọ tử thần’… Vẫn biết khó có thể phòng tránh tuyệt đối, nhưng hỏa hoạn cứ liên tục xảy ra gây thiệt hại nặng nề thì cần phải có câu trả lời xác đáng: tại sao và ai chịu trách nhiệm?
Ngọn lửa đã bùng lên ngay trong thành phố đông dân ở ngõ 1 Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, nhưng lại không thể cứu được những người tuyệt vọng tìm lối thoát trong lửa.
Không ai cầm lòng nổi khi cả gia đình gồm hai vợ chồng và hai con thơ mới 1 và 5 tuổi chết đau đớn trong biển lửa. Đêm định mệnh đó, người mẹ đưa hai con từ quê lên khám bệnh ở Hà Nội và ngủ lại nơi xưởng chồng làm việc…
Thời gian qua, liên tục xảy ra các thảm họa cháy làm chết nhiều người. Cách đây không lâu, dư luận đã sốc nặng với vụ hỏa hoạn cũng trong một xưởng sản xuất làm chết cả 8 công nhân trẻ ở Hoài Đức, Hà Nội.
Trước đó, một vụ cháy khác bùng lên trong quán karaoke ngay mặt phố Trần Thái Tông, Hà Nội làm chết đến 13 người…
Và đâu chỉ Hà Nội, nhiều tỉnh thành khác như TP.HCM, Hải Phòng, Đồng Nai, thậm chí cả miệt sông nước Cà Mau cũng từng xảy ra các vụ hỏa hoạn kinh hoàng làm chết nhiều người.
Tại sao như vậy? Báo chí đã viết nhiều, rất nhiều nhưng nỗi đau từ hỏa hoạn vẫn không hề ngừng lại, vẫn không ai biết sẽ xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu.
Chúng ta có lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp, có hệ thống chính quyền ở từng khu phố, có những quy định pháp luật hết sức chặt chẽ, nhưng cháy cứ cháy và người cứ chết!
Vẫn biết khó có thể phòng tránh tuyệt đối hỏa hoạn, nhưng nó cứ liên tục xảy ra và gây thiệt hại nặng nề như thế thì cần phải có câu trả lời xác đáng: tại sao và ai chịu trách nhiệm?
Sau vụ hỏa hoạn làm chết 8 người mới xảy ra ở Hà Nội, liệu có bao nhiêu “ông chủ, bà chủ” giật mình nhìn lại cơ xưởng của mình, nơi ăn chốn ở của người lao động tiềm ẩn hiểm nguy như thế nào?
Có phải do những cái “rọ tử thần” không có lối thoát đó mà bao nhiêu sinh mạng phải chết đau đớn? Sau những nỗi đau khủng khiếp này, những ai dám bảo đảm sẽ lo cho công nhân nơi ăn, nơi nghỉ tử tế, an toàn hơn?
Tuy nhiên, ngoài người chủ, trách nhiệm chính của lực lượng phòng cháy chữa cháy và chính quyền cơ sở còn đặc biệt quan trọng hơn.
Chắc chắn họ nhìn thấy rõ, hiểu rất rõ những địa chỉ tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn ở địa bàn mình quản lý. Nhưng họ sẽ làm gì để không lặp lại, hay ít nhất giảm thiểu được những nỗi đau không thể nào khắc phục này?
Người dân có quyền yêu cầu phải có lời cam kết và hành động hiệu quả, thay vì lời nói gió bay và mạng người cứ chết oan uổng!
NGUỒN: Theo Báo Tuổi trẻ online
Link bài: Nỗi đau hỏa hoạn
(https://tuoitre.vn/noi-dau-