Phú Khánh / An Ninh Thủ Đô
– Phóng viên: Năm 2023 được dự đoán là sẽ có nhiều khó khăn, bà có lời khuyên gì cho các startup?
– Doanh nhân Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát: Đây cũng là bài toán trăn trở mà Tân Hiệp Phát đã cảm nhận từ năm 2022. Chúng tôi sớm nhìn thấy khó khăn và trải qua hết thách thức này đến thách thức khác. Ví dụ như ngay sau giai đoạn giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 và cho đến Tết 2022 là giai đoạn thực sự vất vả. Bởi sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, người tiêu dùng chỉ ở nhà, không có tương tác trực tiếp và đã thay đổi hành vi tiêu dùng. Bên cạnh đó, tâm lý nhân viên cũng có nhiều tác động bởi sự căng thẳng trong cuộc sống, những lo toan và có không ít chuyển dịch về công việc. Đến nay, những khó khăn đó vẫn hiển hiện và là bài toán chắc chắn phải đặc biệt quan tâm tìm lời giải lâu dài.
Năm 2023 được dự báo sẽ có không ít biến động, thay đổi, có thể ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế. Một trong những lời khuyên mà Tập đoàn Tân Hiệp Phát lấy làm kim chỉ nam cũng như kinh nghiệm cho các startup là chúng ta nên bước từng bước thận trọng. Như Dr. Trần Quý Thanh – Tổng Giám đốc, nhà sáng lập của Tân Hiệp Phát cũng đã có chia sẻ: “Đây là thời điểm lái xe trong sương mù”. Tất cả yếu tố bên ngoài đều là những dấu chấm hỏi và có quá nhiều những ẩn số. Hình ảnh “lái xe trong sương mù” là một trong những nội dung quan trọng về định hướng mà Tân Hiệp Phát luôn nhắc nhở tất cả các cán bộ quản lý cấp Giám đốc khối thuộc Tập đoàn. Vững tin nhưng thận trọng, chủ động có các giải pháp cho các tình huống xấu nhất có thể xảy ra kèm với sự kiên định, nỗ lực không ngừng nghỉ, tạo sự khác biệt của giá trị khởi nghiệp, hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai… là lời khuyên của tôi với các startup trong năm 2023.
– “Mỗi thất bại nếu chúng ta tìm ra bài học có giá trị và có thể thay đổi bản thân mình thì đó chính là niềm tin giúp ta đi vào tương lai thay vì nhìn về quá khứ để nuối tiếc” – đó là chia sẻ thú vị của bà trên trang mạng xã hội cá nhân. Bà chia sẻ về bài học này trong khởi nghiệp ra sao khi mà số lượng startup thành công ngày càng ít?
– Chặng đường 28 năm của Tân Hiệp Phát cũng khởi đầu từ startup. Câu chuyện hôm nay của Tân Hiệp Phát, các bài toán chúng tôi đã đi qua và phải có lời giải đã dạy cho tôi rất nhiều. Theo số liệu thống kê thì trong vòng 5 năm đầu, tỷ lệ thất bại của các startup là rất cao. Quan trọng là cần phải phân tích cặn kẽ tất cả các yếu tố liên quan. Một trong những điều rất quan trọng là nếu chúng ta thành công thì chúng ta có hiểu hết vấn đề, để lặp lại thành công lần nữa. Nếu thất bại, chúng ta có tìm được bài học đúng để không gặp thất bại nữa hay không? Thành công hay thất bại đều là bài học đáng giá. Nếu chưa học được bài học đó thì mỗi thất bại đều rất lãng phí. Chúng ta cần tìm ra bài học có giá trị để có thể thay đổi bản thân mình thì đó chính là niềm tin đi vào tương lai.
– Ông Trần Quí Thanh – người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát có đăng trên trang cá nhân bài viết của An ninh Thủ đô về buổi tọa đàm “Những nhà sáng tạo trẻ – Văn hóa kiến tạo tương lai” và chia sẻ quan điểm: Cần có cái nhìn khích lệ với các ý tưởng khởi nghiệp “điên rồ”… Bà đánh giá sao về việc này với các startup?
– Ý tưởng “điên rồ” muốn trở thành hiện thực thì phải qua một quá trình đánh giá các yếu tố khả thi dựa trên độ lớn, cũng như là nhu cầu thị trường. Tất cả những ý tưởng khởi nghiệp xuất phát từ nhu cầu, kể cả là dịch vụ hay sản phẩm, cho một nhóm đối tượng nhất định thì dù có “điên rồ” đều có thể biến việc phục vụ thành tiền. Đối với Tân Hiệp Phát, chúng tôi nghĩ không nhất thiết là chúng ta phải ra mắt và sở hữu một cái gì đó để gọi là startup. Nếu các bạn có những kỹ năng chuyên môn rất tốt thì hãy cùng tìm những người có những kỹ năng chuyên môn khác để tập hợp với nhau lại thành một nhóm làm việc chung. Và dựa trên đó để nhóm làm việc chung đưa ra những sản phẩm khác biệt, phục vụ nhu cầu cho một nhóm đối tượng khách hàng nhất định.
Hay nói cách khác, nếu chúng ta có những kỹ năng đặc biệt, có những nền tảng về chuyên môn, thì chúng ta có thể tham gia vào một tổ chức. Ở trong bất cứ một tổ chức nào, người lãnh đạo luôn luôn là một người startup, luôn mang tinh thần khởi nghiệp trong mình bởi họ phải quản lý tất cả nguồn lực bao gồm cả tài chính, con người, tài sản mà tổ chức giao cho họ. Với chúng tôi thì những startup có thể phát triển và khi nó có thể tồn tại độc lập thì nó có thể tách ra thành những trung tâm lợi nhuận…
– Xin cảm ơn bà đã có những chia sẻ bổ ích!