Ô nhiễm tiếng ồn: điều bình thường mới?

Quỳnh Thư/ Báo TBKTSG

Ảnh: Medico
 

Sau khi Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo kiên quyết xử lý karaoke tra tấn, tui đã viết một bài ủng hộ, và phân tích về mặt pháp luật. Đó là, ý chí con người phải được thực thi bằng cơ sở pháp luật, nếu không, sẽ không thể bắt “tiếng ồn”.

Tui nói vầy, về tình trạng karaoke tra tấn, phải xử phạt thật nghiêm và thật nặng mới dẹp được. Nếu các quy định của pháp luật hiện nay chưa đủ để điều chỉnh hành vi này thì sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Nhưng không phải chỉ tiếng ồn karaoke, mà ô nhiễm tiếng ồn từ rất nhiều nguồn. Nếu các bạn để ý, có khi đi trên đường, chiếc ô tô đằng sau lưng bấm còi là mình chết khiếp. Có khi, chỉ chiếc xe máy, một cậu nhóc độ thêm còi đinh tai nhức óc, có ai xử phạt đâu.

Các bạn đi nước ngoài nhiều, chắc quan sát và thấy rõ, nhiều nước không có tiếng còi xe, mặc dù xe hơi dày đặc trên đường. Họ cứ đúng luật đi, cho dù kẹt xe cũng từ tốn mà đi, không ai bấm còi inh ỏi. Nhưng ở Việt Nam, xe hơi, xe máy bấm còi loạn xạ, ồn ào kinh khủng, nhưng cũng không ai xử phạt.

Còn nữa, hàng quán cũng mở nhạc, âm thanh hết công suất loa, đi ngang quán cũng phải bịt tai, nhưng có ai bị xử phạt đâu.

Chính vì pháp luật lỏng lẻo, nên ai muốn gây ô nhiễm tiếng ồn thì cứ làm. Bệnh thần kinh liên quan đến tiếng ồn rất nhiều, nhưng nạn nhân cũng không biết nguyên nhân từ đâu. Vì chính người dân cũng không biết mình phải được pháp luật bảo vệ trước tiếng ồn.

Một đất nước văn minh, tôn trọng và gìn giữ sức khỏe của con người, phải dẹp ba loại ô nhiễm: đó là không khí, màu sắc và tiếng ồn.

Trần Quí Thanh

——
 
Tuần qua, tờ New York Times đăng một bài báo nhan đề “Squealing Children and Noisy Neighbors? There’s a Map for That” (tạm dịch, “Trẻ em la hét và hàng xóm ồn ào? Đã có bản đồ ghi nhận điều này”) viết về một trang web bản đồ số tại Nhật Bản nhằm giúp người mua nhà xác định địa điểm có các gia đình với trẻ em hay gây ồn làm phiền hàng xóm.

Tờ báo dẫn lời người lập trang web cho biết mục đích của ông là nhằm nhắc chính các đương sự (dù không nêu tên) cũng như cơ quan công quyền liên quan phải lưu ý.

So với lúc ra đời năm năm trước, trang web nói trên cho đến nay đã gây được nhiều chú ý, cả ủng hộ lẫn chống đối. Nhưng dù công chúng ủng hộ hay chống đối, bản thân bản đồ số này cũng thể hiện thái độ khó chịu ngày càng tăng của một bộ phận người dân Nhật đối với tiếng ồn, ngay cả tiếng ồn từ trẻ em, một đối tượng thường dễ được “xí xóa”, “thông cảm” nhất.

Trở lại với TPHCM, tình cờ trong tuần qua vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn một lần nữa nổi lên như là một vấn đề nóng được chính quyền chú ý. Có lẽ do phải đối mặt với quá nhiều loại ô nhiễm khác, tiếng ồn trước đây thường ít được quan tâm hơn. Tuy nhiên, một khảo sát tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu sức khỏe và môi trường thực hiện cho thấy tác hại của ô nhiễm tiếng ồn đến sức khỏe con người chỉ đứng thứ hai sau bụi(1). Vấn nạn này đã được nêu lên rất nhiều lần không những bởi người dân, báo chí mà còn tại các buổi làm việc của chính quyền TPHCM.

Tuy nhiên, kết quả giải quyết dường như chẳng được bao nhiêu. Điều này đã được xác nhận bởi chính một số lãnh đạo thành phố. Chẳng hạn, tháng 7 năm ngoái, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM, cho rằng “cơ quan chức năng xử lý thiếu kiên quyết tình trạng loa kéo karaoke tra tấn người dân”(2).

Tại buổi họp thường niên với lãnh đạo 312 phường, xã, thị trấn tại TPHCM sáng thứ Sáu tuần trước, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu cơ quan chức năng thấy trách nhiệm của mình và tập trung xử lý tình trạng tiếng ồn karaoke tra tấn người dân(3). Chắc hẳn ông Phong đã không yên lòng trước một vấn nạn đang xảy ra hàng ngày trước mũi chính quyền tại nhiều nơi trong thành phố do ông quản lý. Phản hồi ý kiến của ông Phong, một số lãnh đạo sở ngành và các địa phương cho rằng họ đang thiếu công cụ để thực thi luật pháp về vấn đề này, đặc biệt là công cụ đo tiếng ồn.

Thực ra, ô nhiễm tiếng ồn không chỉ từ loa thùng karaoke tại các gia đình, hay các địa điểm dịch vụ, cửa hàng, quán ăn… mà còn từ các cơ sở sản xuất và nhiều nguồn ô nhiễm khác. Thủ phạm còn có thể là phương tiện vận tải như xe gắn còi quá lớn, xe lưu động quảng cáo sự kiện hay mô tô phân khối lớn nẹt pô đe dọa người đi đường,… Tuy thế, tất cả đều diễn ra như… một điều bình thường vì người vi phạm gần như không được xử lý.

Tại buổi họp hôm thứ Sáu tuần rồi, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng các cơ quan chức năng còn có ý kiến khác nhau về tiếng ồn do karaoke gây ra, thậm chí có chỗ còn xem rằng đây không thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Theo ông Hoan, Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề này ở cấp độ thành phố, cần rà soát các quy định liên quan để soạn thảo một cẩm nang hướng dẫn cơ sở thực hiện(4).

Lỗi trước hết dĩ nhiên thuộc về người vi phạm. Người vi phạm phải bị xử lý. Dụng cụ đo tiếng ồn hay “cẩm nang karaoke” cũng cần. Nhưng để phần nào hạn chế vấn nạn này hiện nay, trước hết, điều cơ bản là chính quyền sở tại phải ý thức và hoàn thành trách nhiệm của mình. Nếu chính quyền cơ sở thực thi quyền hạn của mình theo chức năng bằng cách trước hết là nhắc nhở nghiêm khắc, sau đó là kiên quyết xử lý nếu tái phạm, chắc chắn sẽ ngăn ngừa được rất nhiều vi phạm mà chưa cần đến máy đo độ ồn hay một quyển “cẩm nang karaoke” nào. Với những trường hợp chây ỳ, sẽ đến lượt máy đo giải quyết.

Trong bối cảnh chúng ta đang phải chấp nhận nhiều điều bình thường mới trong “năm Covid” thứ hai, không thể để cho ô nhiễm tiếng ồn, mà điển hình là karaoke loa thùng, lại trở thành một điều bình thường mới.

(1)https://hanoimoi.com.vn/ban-in/Doi-song/874900/o-nhiem-tieng-on—sat-nhan-giau-mat-

(2)https://vnexpress.net/nguoi-dan-tp-hcm-bi-loa-keo-karaoke-tra-tan-4127942.html

(3), (4)https://vnexpress.net/chu-tich-tp-hcm-yeu-cau-xu-ly-karaoke-tra-tan-nguoi-dan-4240600.html

 

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Ô nhiễm…

https://www.thesaigontimes.vn/314196/o-nhiem-tieng-on-dieu-binh-thuong-moi.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *