Gọi vốn đúng lúc, không sớm cũng không muộn mới hiệu quả

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Báo Tuổi Trẻ

—–

Kính gửi bác Dr Thanh 

Thưa bác, 

Được biết bác vẫn hay trao đổi với các Startup để lập nghiệp cho tốt, chúng cháu mạnh dạn gửi thư tới bác để xin bác cho ý kiến về việc gọi vốn ạ. Người ta nói gọi vốn là cả một nghệ thuật, vậy nghệ thuật gọi vốn là thế nào ạ? 

Chúc bác muôn vàn sức khoẻ. 

Kính bác

Hà & Tu (Tp Vinh): lethituvinh2000@gmail.com

—–

Hà & Tu mến!

Khởi nghiệp đương nhiên là nói đến chuyện vốn. Đi bán một thúng hột vịt lộn cũng cần vốn, huống chi nói chuyện mở công ty sản xuất kinh doanh hay cung cấp dịch vụ.

Thực ra chẳng có cách gọi vốn nào là chuẩn mực, làm “kinh sách” cho start up, bởi vì mỗi ngành nghề kinh doanh có đặc thù khác nhau, có cách sử dụng vốn khác nhau.

Thêm nữa, không phải người nào khởi nghiệp cũng có điều kiện tài chính như nhau, tùy từng người để tính việc, tính vốn.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều lần khởi nghiệp, bác chia sẻ với hai cháu như vầy:

Đầu tiên là vét cho hết túi của mình, đặt lên bàn đếm xem được bao nhiêu. Kế đến là những cộng sự của mình, cũng vét cho hết túi, góp lại xem cả bọn có được bao nhiêu.

Nguồn vốn đầu tiên này chính là nguồn động lực tạo nên sức mạnh, đồng tiền là  huyết mạch, phải bảo vệ nó. Và đương nhiên, cùng với yếu tố tinh thần, thì số vốn của chính mình cũng là căn bản cho doanh nghiệp.

Kế đến là năn nỉ bố mẹ, xem có thể hỗ trợ cho mình được bao nhiêu. Rồi là bạn bè, người thân, những người ủng hộ, động viên, mong muốn mình khởi nghiệp thành công.

Đối với các nguồn vốn trên, huy động được càng nhiều càng tốt, và đó chính là căn bản cho một người khởi nghiệp. Có một cục bạc để khởi nghiệp mà không bị áp lực trả lãi vay là nhẹ nhàng rồi phải không?

Khi có được nguồn vốn căn bản này rồi, hãy tập trung để vạch lộ trình kinh doanh, càng tỉ mỉ, càng chi tiết càng tốt. Từ lộ trình này sẽ cho ra số tiền cần đầu tư, vào thời điểm nào, cần bao nhiêu, chi cho các khoản gì, hết sức rõ ràng. Người khởi nghiệp vẽ lộ trình hoạt động và đầu tư vốn chính xác, thì khả năng chủ động về đồng vốn càng cao.

Căn cứ vào từng giai đoạn hoạt động, so chiếu với nguồn vốn căn bản, xem thử được tới giai đoạn nào. Từ cái mốc sử dụng gần hết vốn căn bản, thì mới huy động nguồn vốn mới. Tất nhiên việc huy động phải chuẩn bị trước để chủ động, còn tới thời điểm sử dụng mới hợp đồng tài chính, tín dụng, hợp tác…Tránh tối đa gọi vốn sớm, ôm cục tiền nhưng sử dụng, khai thác không phù hợp là lãng phí.

Đối với ngành nghề kinh doanh có dòng tiền vào, thì lấy tiền vốn cũ bù vào cho hoạt động đầu tư mới, xoay vòng nhanh để tạo ra hiệu quả sử dụng đồng tiền cao.

Đối với ngành nghề chôn vốn, đầu tư dài hạn, thì chuẩn bị gọi vốn đợt tiếp theo, như cách thức của đợt trước. Vừa đủ, đúng thời điểm, không sớm không muộn trong gọi vốn.

Gọi vốn đúng lúc, hạn chế tối đa vay sớm để phải trả lãi. Và các cháu phải học thêm nghề quản trị vốn để tăng tính hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Hai chuyên môn này khác nhau nhưng bổ sung, gắn kết với nhau đem đến hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Chúc các cháu thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *