Cuộc đàm phán để thâu tóm hàng năm ròng của Coca-Cola đối với Tân Hiệp Phát đã kết thúc trong thất bại vì không đạt được tầm nhìn chung, nhưng ông Trần Quí Thanh vẫn mở cửa chờ đối tác chiến lược ngoại.
Trong bài viết có tên ‘How to Invest In Vietnam’s Explosive Growth’ (tạm dịch:Làm thế nào để đầu tư vào sự tăng trưởng bùng nổ của Việt Nam) đăng trên trang tài chính The Street, ông Trần Quí Thanh – người sáng lập và là CEO của Tân Hiệp Phát đã chia sẻ nhiều chi tiết xung quanh cuộc đàm phán thâu tóm của Coca-Cola.
Với khoảng 100 dòng sản phẩm đang bán ở 16 thị trường từ Sudan, Malpes đến các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Tân Hiệp Phát có thể được coi là một công ty toàn cầu.
Nhưng thực tế, 90% doanh số của nhà sản xuất nước giải khát số 1 Việt Nam vẫn đến từ thị trường nội địa. 10% doanh số từ thị trường quốc tế chưa phải là con số thuyết phục, nếu so với những tham vọng doanh thu ‘tỷ đô’ của gia đình nhà Dr. Thanh.
Mặc dù đang chiếm lĩnh vị trí số 1 tuyệt đối trong ngành trà đóng chai uống liền tại Việt Nam, những câu chuyện truyền miệng về việc bán vốn, bị thâu tóm… vẫn là đề tài nóng khi nhắc đến cái tên Tân Hiệp Phát.
Tiết lộ trên The Street, ông Trần Quí Thanh bất ngờ nói rằng ông đã từng xem xét việc niêm yết công ty trên sàn chứng khoán Tp.HCM (HOSE), nhưng cuối cùng đã không chọn phương án này vì lo ngại việc này sẽ khiến công ty chú trọng quá nhiều vào lợi nhuận ngắn hạn.
“Sự đầu tư và rủi ro cao mà chúng tôi đang thực hiện phù hợp hơn với một công ty gia đình”, Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát và là con gái lớn của ông Thanh chia sẻ. “(Là công ty gia đình – ND), chúng tôi có thể độc lập đưa ra các quyết định. Đây là lúc tập trung đầu tư vào chất lượng sản phẩm, cho tương lai của hoạt động kinh doanh, chứ không phải là lợi nhuận ngắn hạn”.
Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát có vẻ vẫn đang tìm kiếm một đối tác ngoại, và đã theo đuổi điều này trong nhiều năm qua.
Trần Uyên Phương cho biết cô, em gái (bà Trần Ngọc Bích) và bố đã gặp ‘nhiều, quá nhiều’ các nhà đầu tư để tìm kiếm hướng đi tương lai của công ty. Nhưng hầu hết đơn giản chỉ muốn đầu tư vốn và tạo ra lợi nhuận.
“Những gì chúng tôi cần là một đề xuất cụ thể để giúp chúng tôi đạt được tầm nhìn của mình,” Trần Uyên Phương nói.
Tầm nhìn mà phó tướng của Tân Hiệp Phát nhắc tới chính là việc tăng doanh thu lên mức 1 tỷ USD/năm, gấp đôi tỷ lệ hiện tại, trong vòng 4 đến 5 năm tới.
Qua đó, ông Trần Quí Thanh tin rằng sẽ giúp giá trị của công ty đạt mốc 5 tỷ USD.
Để đạt được cột mốc này, ngoài thị trường nội địa đang có nhiều tiềm năng tăng trưởng, sự đồng hành của một đối tác ngoại có thể giúp Tân Hiệp Phát mở rộng thị trường ra ngoài biên giới Việt Nam nhiều hơn so với tỷ lệ 10% hiện nay.
“Nếu chúng tôi đang tìm kiếm các nhà đầu tư bên ngoài, thì không phải là vì lý do về vốn”, ông Trần Quí Thanh nhấn mạnh. “Đó là bởi vì chúng tôi muốn một quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau và tạo ra một doanh nghiệp mạnh hơn, có sự quản trị tốt hơn, và xuất khẩu các sản phẩm”.
Nhắc lại cuộc đàm phán không có kết quả với ông lớn Coca-Cola năm 2011, lần đầu tiên ông chủ Tân Hiệp Phát tiết lộ lý do từ chối và ‘những điều khoản không thể chấp nhận được’.
Đó là việc Coca-Cola yêu cầu Tân Hiệp Phát không được xuất khẩu hoặc phát triển thêm các dòng sản phẩm mới. Lúc này, Tân Hiệp Phát đã mở ra một ngành hàng mới cho thị trường nước giải khát Việt Nam với 2 dòng sản phẩm được địa phương hóa là Trà xanh Không độ và Trà thảo mộc Dr Thanh.
Theo đánh giá của ông Thanh, yêu cầu này của Coca-Cola giống với nỗ lực để đóng cửa một đối thủ hơn là đầu tư vào tương lai của nó.
“Họ giành được thị phần từ việc thâu tóm các công ty trong nước và sẽ ngừng đầu tư vào thương hiệu của các công ty này. Nhờ đó, họ loại được các đối thủ cạnh tranh”, ông Thanh nói.
Sau một năm đàm phán không có kết quả, cả hai bên đã quyết định dừng lại.
Không có tiết lộ nào về con số mà Coca-Cola đặt lên bàn đàm phán, nhưng theo Tân Hiệp Phát, công ty phát hiện ra rằng Coca-Cola đã định giá con cá lớn mà họ muốn mua có giá trị khoảng 2,5 tỷ USD.
THP là công ty nước giải khát lớn nhất Việt Nam, với doanh thu ước tính lên đến gần nửa tỷ USD.
Những thông tin về tài chính của công ty này khá ít ỏi trên thị trường, nhưng theo tiết lộ mới đây trên The Street: sau khi có phần chững lại năm 2016, năm 2017 vừa qua doanh thu của công ty đã bật tăng trở lại với mức tăng 20 – 30%.
Chưa rõ tín xác tính của con số này, song có một thống kê thị trường đáng chú ý: cuối năm 2016, 2 dòng sản phẩm Trà Xanh Không độ và Trà thảo mộc Dr Thanh đã chiếm lĩnh hơn 51% thị phần ngành trà uống liền Việt Nam.
Năm 2017, với việc điều chỉnh nhận diện từ ‘trà thảo mộc’ thành ‘trà thanh nhiệt’, riêng dòng sản phẩm Dr Thanh đã tăng trưởng doanh số 23% so với cùng kỳ 2016.
Theo The Street, tiềm năng của thị trường đồ uống Việt Nam còn rất lớn, khi dân số vẫn đang ở độ tuổi vàng, thu nhập tăng lên và lối sống đang thay đổi.
‘Xã hội đang chuyển từ văn hoá “nước nấu ăn,” nước uống chỉ đơn giản là đun sôi để trở nên an toàn, sang những sản phẩm “uống liền” đựng trong các chai hoặc lon nhựa, thủy tinh’, The Street dẫn nhận định của Tân Hiệp Phát về thị trường.
‘Khoảng 80% dân số Việt Nam vẫn uống “nước nấu ăn”, thông thường có nguồn gốc từ các con hồ, dòng suối và được đun sôi trước khi sử dụng. Chỉ có 20% thị trường là đồ uống uống liền. Vì vậy có tiềm năng rất lớn ở đó’, The Street dẫn lời bà Trần Ngọc Bích cho biết.