Phải thoát khỏi “văn hóa dấu đỏ” để hội nhập thế giới văn minh

Trần Quí Thanh

Nguồn hình:  Báo TBKTSG

—–

Những cải cách gần đây liên quan trực tiếp đến đời sống của doanh nghiệp rất đáng được ghi nhận, xu hướng tiến bộ ngày càng gia tăng, nhưng vẫn còn quá nhiều việc cần thay đổi để hoạt động của doanh nghiệp có hiệu quả hơn.

Một trong những việc tui xin mạnh dạn đề xuất là nên bỏ con dấu, vì những lẽ sau:

Nhiều nước trên thế giới không sử dụng con dấu doanh nghiệp, chỉ căn cứ vào chữ ký được đăng ký của người đại diện theo pháp luật, đủ để đảm bảo tư cách pháp lý của các chủ thể doanh nghiệp trong các giao dịch thương mại dân sự. Việt Nam hội nhập thế giới, nên cải cách để phù hợp với tập quán thương mại thế giới.

Con dấu không đảm bảo an toàn như chúng ta tưởng, trên thực tế có nhiều vụ giả con dấu. Điển hình như vụ án Huyền Như, tổng cộng có 8 con dấu giả được sử dụng để thực hiện chiếm đoạt 4.000 tỉ đồng.

Phụ thuộc vào con dấu, trong tranh chấp thường bị các bên lợi dụng, gây áp  lực. Ngay cả khi bên thắng kiện, cũng bó tay vì bên thua kiện giữ con dấu. Muốn bên thua kiện trả lại con dấu, mất rất nhiều thời gian, phải cậy đến nhiều cơ quan hỗ trợ. Các vụ kiện của Trường Đại học Hùng Vương và nhiều đơn vị khác đã thể hiện điều này.

Việc bắt buộc sử dụng con dấu là thêm rất nhiều thủ tục cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, giao dịch. Từ quy định có con dấu dẫn đến rất nhiều thủ tục xin – cho. Thuế, hải quan và nhiều cơ quan quản lý khác, trong lúc đúng ra chỉ cần chữ ký của người đại diện theo pháp luật đã được đăng ký là xong.

Bắt buộc có con dấu, xã hội phải tốn kém hàng tỉ đồng cho việc khắc con dấu. Mỗi lần bị mất con dấu hay bị phá hoại, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, tiền bạc để xin cấp lại con dấu.

Muốn bỏ con dấu trước hết là thay đổi nhận thức của những người quản lý, công chức nhà nước. Đừng xem con dấu là “công cụ pháp lý” như chúng ta từng lầm tưởng, mà phải hiểu đó chỉ là một biểu tượng mang tính quy ước trong giao dịch và được pháp luật xác nhận. Vậy thì chữ ký được đăng ký và xác nhận mang tính pháp lý là đủ.

Thứ hai là chính cộng đồng cũng phải thoát khỏi “văn hóa dấu đỏ”. Chính vì tập quán sử dụng dấu đỏ từ trước đến nay, cho nên dân mình cầm tờ giấy phải có con dấu đỏ choét mới yên tâm.

Tại sao trên thế giới, doanh nghiệp, tập đoàn xuyên quốc gia, chỉ một chữ ký là xong mà Việt Nam ta chuyện gì cũng đòi con dấu?

Các nước văn minh làm được thì Việt Nam cũng phải làm được. Đó mới là hội nhập, mới là theo kịp kỷ nguyên bốn chấm không.

 

Sài Gòn ngày 08/04/2019

TQT

Đọc thêm bài, Link: Con dấu doanh nghiệp: Đã đến lúc bỏ hẳn chưa?

(https://www.thesaigontimes.vn/286704/con-dau-doanh-nghiep-da-den-luc-bo-han-chua-.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *