Trần Quí Thanh
—–
Thưa bác Dr Thanh,
Cháu đã chuẩn bị lập công ty nhỏ cho riêng mình đã hai năm nay, hai năm nay cháu cũng đọc rất nhiều những lời khuyên của bác cho lớp trẻ khởi nghiệp. Có thể nói cháu đã tự tin hơn nhiều nhờ blog của bác. Ơn bác lắm lắm.
Tuy vậy cháu vẫn còn băn khoăn trước khi công ty của cháu được thành lập, có nghĩa cháu sắp phải làm CEO, một lãnh đạo. Cháu mạnh dạn viết thư này hỏi bác, dù cháu đã đọc rất nhiều, là những đức tính nào bảo đảm cho một lãnh đạo thành công. Cháu muốn hỏi những đức tính cơ bản nhất đó ạ.
Mong bác trả lời giúp cháu ạ. Cảm ơn bác nhiều.
Kính chúc bác vui khoẻ ạ.
Lê Minh Triều (Sài Gòn): lmtsaigonmoi1999@gmail.com
—–
Lê Minh Triều mến!
Có một điều chắc chắn, đó là không phải ai cũng làm lãnh đạo được, mà phải là người có tố chất làm lãnh đạo.
Hoặc, tuy không phải là người có tố chất lãnh đạo, thì phải là người có ý chí, chịu khó học hành, rèn luyện để có thể làm lãnh đạo.
Tố chất là cái ban đầu, như một loại năng khiếu, nhưng qua quá trình rèn luyện, cái cao hơn đó chính là phẩm chất của một nhà lãnh đạo. Cái mà cháu gọi là “đức tính cơ bản” đó.
Trước hết, một lãnh đạo tài năng chính là tập hợp được nhiều người tài chung quanh mình. Tìm được người giỏi hơn mình càng tốt. Làm lãnh đạo mà đố kị với người giỏi hơn mình thì chứng tỏ không có phẩm chất làm lãnh đạo. Xưa Lưu Bị “tam cố thảo lư” là đi tìm người tài hơn mình về để giúp mình.
Thứ hai, lãnh đạo là người biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến cá nhân. Làm lãnh đạo mà độc tài, bảo thủ, cho rằng chỉ mình là đúng, không thèm nghe lời góp ý của ai thì chắc chắn sẽ gặp thất bại.
Thứ ba là đối xử công bằng, công tâm với tất cả mọi người. Làm lãnh đạo thì không thể yêu người này, ghét người khác theo cảm tính, mà thể hiện cái tầm của người trên, xem xét mọi quan hệ bằng lý trí để có sự công bằng. Nhưng khi ứng xử, thì bằng tấm lòng bao dung, hòa ái với tất cả mọi người.
Tiếp theo là có tư duy đột phá, dám làm việc khác và việc lớn. Một CEO chỉ quanh quẩn với cái có sẵn và vui vẻ trong vùng an toàn đó thì không bao giờ dẫn dắt doanh nghiệp đi đến thành công. Khi dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình tức là dám chấp nhận rủi ro. Tất nhiên, tư duy đột phá khác với “liều mạng”.
Cuối cùng là có tầm nhìn chiến lược mà cha ông nói là “nhìn xa trông rộng”. Làm việc hôm nay, nhưng thấy trước ngày mai sẽ có những thay đổi, những khó khăn và thuận lợi gì, để đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp.
Chắc cháu đã đọc và biết những cuộc “tử nạn” của Kodak, Nokia, Ericsson…họ đã không thấy trước một cuộc cách mạng của công nghệ số ập đến, nên không xoay xở kịp.
Thế cháu nhé, cố gắng rèn luyện để đạt được những phẩm chất bác vừa nêu. Không có giới hạn cuối cùng của những phẩm chất đó, cho nên mỗi người tùy theo ngộ tính và thời gian, sẽ đạt đến những cảnh giới khác nhau.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)