Trần Quí Thanh
—–
Theo dõi tình hình kinh tế đất nước nhiều năm qua, điều thấy rõ nhất là dân mình chủ yếu ăn vào đất, nhà nhà, người người đều kinh doanh bất động sản, tiền nhiều buôn to, lập công ty, tiền nhỏ thì mua vài lô đất, ít căn hộ để cho thuê hay lướt sóng.
Cứ thử hình dung, cũng chỉ chừng ấy tài nguyên đất, không làm ra thêm bất cứ của cải vật chất nào khác, chỉ sang tay từ người này sang chủ khác, ai cũng có tiền chênh lệnh, số tiền đó thu vào là có thật, nhưng thực chất về phát triển kinh tế của đất nước là ảo.
Một quốc gia phát triển phải dựa vào sản xuất ra của cải vật chất, không phải là buôn bán đất đai qua lại để móc túi nhau. Khi có người thu được lợi nhuận lớn từ buôn bán đất đai, đầu tư bất động sản, ắt phải có người khổ vì nó, đó là người nghèo hoặc có thu nhập trung bình. Giá đất bị thổi lên cao thì họ không thể có khả năng tài chính để mua được nhà ở.
Về phía quốc gia, khi giá bất động sản bị đẩy lên cao theo thị trường thì nhiều dự án hạ tầng của đất nước bị trì trệ hoặc chi phí rất cao do giá đền bù giải tỏa vượt lên giá trị thật của nó. Trên thực tế, nhiều dự án hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu kinh tế không triển khai nhanh được là do đền bù giải phóng mặt bằng quá lớn.
Từ chi phí đầu tư hạ tầng cao sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa. Điều này quá rõ, ví dụ như đầu tư xây dựng khu công nghiệp giá cao thì bắt buộc chủ đầu tư cho doanh nghiệp thuê đất hay nhà xưởng với giá cao.
Nhiều nước trên thế giới đã trả giá đắt khi không kiểm soát được thị trường bất động sản, để cho nó như con ngựa bất kham, cho nên về sau gánh chịu hậu quả, Nhật bản là một ví dụ điển hình nhất. Chính vì vậy, về sau Nhật Bản rút ra bài học, đó là siết chặt thị trường bất động sản, mở rộng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất ra của cải vật chất, hàng hóa.
Nhìn lại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có doanh nghiệp giàu to, nhưng rất ít doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, giàu lên bằng thực lực sản xuất, tạo ra sản phẩm cạnh tranh được với hàng hóa trong nước cũng như nhập khẩu từ nước ngoài.
Các nhà kinh tế học chỉ ra nhiều biện pháp để kiểm soát thị trường bất động sản, chống đầu cơ, thổi giá, riêng tui chỉ xin đưa ra hai biện pháp, đó là áp dụng chính sách thuế phù hợp đối với ngành nghề kinh doanh này. Tất nhiên, việc đưa ra mức thuế cụ thể phải cần đến các chuyên gia về lĩnh vực này. Thứ hai là tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt, còn dùng tiền mặt là còn nhiều lỗ hổng trong quản lý, trốn thuế và tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích, cá nhân tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.
Sài Gòn ngày 25/03/2019
TQT
Bài đọc thêm, Link: Sốt đất có thể để lại hậu quả to lớn
(https://www.thesaigontimes.vn/td/286439/sot-dat-co-the-de-lai-hau-qua-to-lon-.html?fbclid=IwAR2XpfMdhhZPNma-QtMRANXQjAIc94QxpYlWQXAJLPrfh8f9lqjQDKVNCxs)