Trần Quí Thanh
Chào anh Trần Quí Thanh
Tình cờ đứa cháu chỉ cho blog của anh, tôi đọc rất thích anh ạ. Sự chia sẻ của anh đối với các doanh nhân, đặc biệt là các doanh nhân trẻ, rất có ích. Thành thật cảm phục anh.
Tôi vốn là doanh nhân nay đã nghỉ việc giao cho con cháu. Tuy vậy tôi không rời được môi trường doanh nghiệp tôi đã gắn bó hơn nửa thế kỉ. Vì vậy tôi cũng muốn được anh cho ý kiến về một vấn đề: các hoạt động kinh doanh sản xuất , nên hay không nên co cụm thời dịch Covid.
Rất mong được anh chỉ giáo
Chúc anh vui khoẻ
Trần Quốc Trường (Hà Nội): songvalamviec_12@gmail.com
—–
Anh Trần Quốc Trường mến!
Sau đại dịch COVID-19, tất cả các doanh nghiệp đều đối mặt với khó khăn, cần phải đưa ra các quyết định phù hợp, nếu không sẽ bị sa lầy.
Việc quyết định đầu tư mở rộng hay co cụm là thách thức đối với doanh nghiệp. Theo tui, không có câu trả lời chung cho tất cả các doanh nghiệp, mà tùy điều kiện của mỗi doanh nghiệp, tùy thực tế thị trường của từng ngành nghề để đưa ra chiến lược kinh doanh.
Trước hết, mỗi doanh nghiệp tự đánh giá, phân tích các nguồn lực của mình. Tài chính của doanh nghiệp có dồi dào hay đang túng bấn, nếu phải xoáy xở vay mượn để đắp đổi qua ngày thì không thể manh tay đầu tư.
Đối với doanh nghiệp thiếu vốn, việc làm ngay là cắt giảm nhân sự, tiết kiệm tối đa các khoản chi phí, ổn định lại sản xuất kinh doanh trong phạm vi hẹp. Chọn những dự án vay vốn để mở rộng, đầu tư dàn trải lúc này là thất sách.
Thứ hai, tùy theo lĩnh vực kinh doanh của từng doanh nghiệp để tính toán việc mở rộng hay co cụm. Kinh doanh có binh pháp của kinh doanh, và “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng” là căn bản của binh pháp.
Những hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ liên quan đến sinh hoạt, tiêu dùng trong nước thì tập trung đầu tư. Ví dụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn, bởi vì dịch đã kiểm soát được trong nước.
Nhưng cũng ngành nghề du lịch, vẫn chưa thể đầu tư mở rộng ra nước ngoài, vì châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác vẫn còn bị dịch bệnh hoành hành. Ở đây, mở rộng hay co cụm đã thấy rõ.
Tương tự, đối với các dự án liên quan đến các hạn chế do đại dịch COVID-19, thì không thể đầu tư mở rộng, dành nguồn lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh có thị trường cởi mở hơn.
Ví dụ như khi thị trường các nước nhập khẩu tôm và hải sản đang bị hạn chế do các quy định về phòng dịch, thì doanh nghiệp tính toán tối đa từng container sản phẩm, co cụm lúc này là chính xác.
Qua các điều nói trên, tui xin kết luận thế này: Mỗi doanh nghiệp đánh giá chính xác thực lực của mình, về tài chính, về nhân sự; phân tích về thị trường của ngành nghề mà doanh nghiệp đang kinh doanh; sau đó đưa ra quyết định đầu tư mở rộng hay co cụm.
Cám ơn anh đã ủng hộ trang web của tui.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)