Phó TGĐ Tân Hiệp Phát: ‘Sức sáng tạo của startup Việt còn thấp’

Giang Di Ling/ Báo Zing.vn
 
Khách mời tại buổi tọa đàm “Năm mới nói chuyện khởi nghiệp”.
 

Để thành công và cạnh tranh trên thị trường thế giới, doanh nghiệp Việt phải sáng tạo, đổi mới với “tư duy toàn cầu, hành động địa phương”.

Tại buổi tọa đàm “Năm mới nói chuyện khởi nghiệp” vừa qua, nhiều quan điểm, nhận định của các chuyên gia trở thành bài học quý với nhiều startup.

90% startup Việt thất bại

Tại buổi tọa đàm, tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định sự sáng tạo trong khởi nghiệp thể hiện dưới nhiều hình thức. Doanh nhân có thể tạo ra sản phẩm mới, tạo ra đột phá trong sản xuất, thay đổi trong quản trị doanh nghiệp hay phục vụ khách hàng.

Ông Nguyễn Duy Lân, tiến sĩ bảo mật từng làm việc cho Microsoft và đồng sáng lập công ty Veramine, nhận định startup phải biết cách tận dụng lợi thế của bản thân và địa phương. Ví dụ, người dân ở Bến Tre có thể dùng dừa – nguyên liệu phong phú ở đây, để khởi nghiệp.

Theo thống kê của tạp chí Echelon (Singapore), tạp chí trực tuyến lớn nhất về khởi nghiệp ở Đông Nam Á, Việt Nam có khoảng 3.000 startup, tăng gần gấp đôi so với năm 2015. Tuy nhiên, tỷ lệ thất bại trong số đó lên tới 90%.

Ông Võ Trí Thành tiếp tục đưa ra một con số, trong năm 2018, cứ 100 doanh nghiệp ra đời thì 45 doanh nghiệp ngừng hoạt động. “Đối với những startup đổi mới và sáng tạo, tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động còn cao hơn nhiều”, tiến sĩ Thành nói.

Ông Thành cho biết thêm, người khởi nghiệp nên coi thất bại là điều bình thường, tiền đề cho thành công trong tương lai. Điều quan trọng phải rút ra bài học kinh nghiệm từ thất bại và không thui chột ý chí phấn đấu.

Hiện nay, chỉ số về ý tưởng, định hướng mới trong khởi nghiệp ở mức khá thấp. Một nghiên cứu mới nhất, tỷ lệ sản phẩm mới chỉ đạt 4,8%, trong khi công nghệ mới chỉ đạt 4,2%, thị trường mới chỉ chiếm 2,2%.

hững sản phẩm mới đã đạt được thành công có thể kể đến trà thanh nhiệt Dr Thanh.
 

Theo báo cáo Chỉ số khởi nghiệp giai đoạn 2015-2016 của VCCI, chỉ số sáng tạo, đổi mới của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam chỉ chiếm vị trí 50 trong tổng số 60 nền kinh tế. Dù con số này còn thấp, ông Thành nhấn mạnh tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam rất cao.

“Việt Nam luôn nằm trong nhóm 10 quốc gia có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Nhiều chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài kể rằng họ thấy người dân Việt Nam nói về kinh doanh ở mọi nơi. Chúng ta có khát vọng lớn, quyết tâm cao, nhưng cách vận hành của phần lớn startup chưa bài bản và sáng tạo”, ông Thành nhận định.

“Tư duy toàn cầu, hành động địa phương”

Bên cạnh việc đồng ý với nhận định mức độ sáng tạo trong các mô hình khởi nghiệp ở Việt Nam còn thấp, theo bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp Việt cần tầm nhìn và tư duy toàn cầu để tạo đột phá. Khi rào cản biên giới không còn, doanh nghiệp không chỉ cần tận dụng những đặc tính toàn cầu hóa của mô hình kinh doanh, mà còn phải biết “địa phương hóa” mô hình.

Vươn ra toàn cầu và chinh phục người tiêu dùng quốc tế là con đường sống còn của các doanh nghiệp Việt.
 

“Các doanh nghiệp nên chinh phục cả thị trường trong nước và xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ ra thị trường quốc tế. Nếu không vươn ra thị trường toàn cầu, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ vào Việt Nam”, bà Phương nhấn mạnh.

Nói về quan điểm của doanh nhân Trần Uyên Phương, theo tiến sĩ Võ Trí Thành là biểu hiện sinh động của “tư duy toàn cầu, hành động địa phương”.

“Nếu doanh nghiệp địa phương kết hợp được tầm nhìn toàn cầu với lợi thế của một doanh nghiệp địa phương, họ có thể cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới”, tiến sĩ Thành khẳng định.

Câu chuyện tiếp cận thị trường nước ngoài của Tân Hiệp Phát là ví dụ sinh động khi suy ngẫm về tầm nhìn toàn cầu. Để chinh phục người tiêu dùng thế giới bằng chất lượng, Tân Hiệp Phát đã đầu tư công nghệ vô trùng Aseptic hiện đại từ năm 2006 để phát triển ra những thức uống mới, nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe, đảm bảo những tiêu chuẩn quốc tế khắt khe.

Doanh nhân Trần Uyên Phương chia sẻ tại hội thảo doanh nghiệp gia đình của chương trình INSEAD Singapore.

Mang các sản phẩm Việt tới thị trường nước ngoài cạnh tranh với các thương hiệu đa quốc đã có bề dày hàng trăm năm là việc rất khó khăn. Để đảm bảo thành công, bà Uyên Phương cho rằng các doanh nghiệp cần có đủ nội lực để cung cấp các sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng.

“Với công nghệ hiện đại và kinh nghiệm phát triển sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu người dùng, chúng tôi tự tin tiếp tục hướng tới thị trường khó tính – nơi yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt nhất về chất lượng sản phẩm như Mỹ, các nước phát triển vùng Trung Đông”, bà Uyên Phương nhấn mạnh.

Theo kinh nghiệm của Tân Hiệp Phát, khi gia nhập thị trường mới, việc tìm hiểu thị trường cùng những nhu cầu thực tế của người tiêu dùng để áp dụng chính sách phát triển lâu dài và phù hợp là chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa thị trường. Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp là vượt qua rào cản về văn hóa, sở thích, thị hiếu. Vốn, kinh nghiệm marketing và kỹ năng xây dựng thương hiệu cũng cần được chú trọng.

“Sự cạnh tranh không lành mạnh, ý định thâu tóm dần theo kiểu cá lớn nuốt cá bé, tiến tới xoá sổ các thương hiệu non trẻ trên thị trường để chiếm thế độc tôn là những rủi ro mà doanh nghiệp có thể đối mặt khi gia nhập thị trường mới”, bà Uyên Phương phát biểu.

 

NGUỒN:  Theo báo Zing.vn

Link bài: Phó TGĐ Tân Hiệp Phát….

(https://news.zing.vn/pho-tgd-tan-hiep-phat-suc-sang-tao-cua-startup-viet-con-thap-post919732.html?fbclid=IwAR3OmADwNBLnhMrIXUI57r6THLDiDU1LA8W1OJi6yN-TZSWCmBque_T38io)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *