T.Minh/ Báo DNSG
—–
Dịch Covid-19 trở lại lần hai khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục khó khăn. Theo ước tính, 31% doanh nghiệp dự kiến sẽ phục hồi trong 1-3 tháng tới, trong khi 29% công ty khác có mất nhiều thời gian hơn từ 3-6 tháng. 8% công ty cho biết sẽ không trở lại bình thường sớm cho đến năm sau.
Trong thời gian này, người quản lý được đề cao bởi tinh thần hợp tác, giải quyết vấn đề và khả năng thích ứng (58%). Tiếp đó là sự đồng cảm và hỗ trợ tốt (51%), và giữ cho nhân viên gắn bó với các giá trị và văn hóa của công ty (46%).
Ông Andree Mangels – Tổng giám đốc Adecco Việt Nam cho biết: ”Trong khi hầu hết công ty đều tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của Chính phủ để tăng cường vệ sinh và khử trùng nơi làm việc và cho phép làm việc linh hoạt, vẫn còn số ít công ty hỗ trợ nhân viên của họ về mặt tinh thần. Chỉ 24% các công ty đã mở một cuộc khảo sát nội bộ để hiểu nhân viên đang nghĩ gì và cảm thấy thế nào, 21% phát động các chương trình cải thiện sức khỏe tinh thần nhân viên và 12% có hoạt động công nhận đóng góp của nhân viên trong những thời điểm khó khăn này.
Trong tình thế một số thành phố quay trở lại giãn cách xã hội và làm việc từ xa, đây là cơ hội để các nhà quản lý cân nhắc lại phương pháp lãnh đạo của mình. Chỉ số EQ cao hiện là tiêu chuẩn cho các nhà lãnh đạo trong giai đoạn căng thẳng này. Tôi khuyên bạn nên đầu tư thời gian vào việc lắng nghe nhân viên sâu sắc, hạn chế việc phán xét và đưa ra mệnh lệnh. Thúc đẩy văn hóa cảm thông và quan tâm sẽ giúp giữ cho mọi người có động lực để gắn kết và làm việc hiệu quả hơn.
Trong khi đó, theo tư vấn của bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh – Giám đốc Văn phòng TP.HCM, Adecco Việt Nam, nhu cầu có được các kỹ năng mới và vấn đề làm việc linh hoạt nổi lên trong đại dịch. Không chỉ là đào tạo lại và nâng cao trình độ, mà việc bố trí lại nhân viên có thể trở thành một xu hướng sắp tới trong thời đại bình thường mới. Khi thị trường đang thay đổi nhanh chóng, cấu trúc công ty hiện tại sớm muộn sẽ bị lỗi thời. Các công ty có thể nghĩ cách bố trí lại nhân viên hiện có để lấp đầy các công việc mới. Doanh nghiệp có thể thiết lập “quy tắc 60”, nghĩa là những người có thể chuyển đổi phải đạt hơn một nửa yêu cầu của vị trí mới. Những bài kiểm tra thêm nên được thực hiện để đánh giá năng lực tiềm ẩn của nhân viên, sau đó các nhà quản lý có thể phác thảo lộ trình đào tạo cá nhân trong khoảng thời gian quy định. Chiến lược này sẽ giúp tránh được chi phí liên quan đến sự dư thừa và phải tuyển dụng bên ngoài khi dịch bệnh được kiểm soát một lần nữa.
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link bài: Quản trị..
(https://doanhnhansaigon.vn/