Quản trị nhân sự hiệu quả: Hãy cho nhân viên… chơi game

Khởi Vũ/ Báo DNSG

Ai cũng biết mỗi ngày ngồi tập trung học tiếng Anh một giờ, thì sau một năm sẽ cải thiện được trình độ, tự tin về khả năng giao tiếp của mình, nhưng trên thực tế không mấy ai làm được.

Còn ngồi vào máy chơi game hay lướt facebook thì mất vài giờ là chuyện nhỏ, thậm chí cả ngày, ngày này sang ngày khác.

Vì sao vậy, vì một bên là chơi, một bên là học.

Học mà còn mệt mỏi như vậy, thì làm còn mệt mỏi hơn nữa.

Cho nên, các nhà sư phạm đã cố gắng tối đa để tìm ra cách học như chơi. Gọi là “học mà chơi, chơi mà học” là vậy. Người ta soạn một clip dạy tiếng Anh như một trò chơi, để  trẻ em học rất vui, rất nhẹ nhàng, học mà giống như đang chơi vậy thôi.

Làm cũng vậy, con người ta không phải làm một ngày, mà cả đời, cho nên phải tìm cách để công việc bớt nhọc nhằn, đời người bớt thân phận. Nhân viên đến với công việc vui vẻ, phấn khởi không chỉ tạo nên sinh khí cho doanh nghiệp mà chắc chắn năng suất lao động sẽ cao hơn.

Chính vì vậy các chuyên gia quản lý mới đưa ra mô hình “làm mà chơi”, thuật ngữ là “gamification” (trò chơi hóa, game hóa). Có nghĩa là tổ chức công việc theo một hệ thống mới, bằng cách game hóa các công việc để người lao động thấy nhẹ nhàng hơn, thích thú hơn.

Chơi game có khi một mình, nhưng có những trò chơi cần đồng đội, có sự hỗ trợ, tương tác của cộng sự. Cho nên, gamification còn là môi trường để huấn luyện cách làm việc nhóm, đây là nhược điểm của số đông người Việt Nam và là điều mà các doanh nghiệp đang rất cần.

Gamification kết hợp với hoạt động teambuilding thường xuyên sẽ tạo ra một sinh khí mới cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng lao động và hiệu quả quản trị.

Các bạn hỏi tui về “game hóa”, xin giải thích đôi lời, và giới thiệu với các bạn bài viết dưới đây để tham khảo.

Trần Quí Thanh

—–

Vài năm gần đây, Gamification không chỉ trở thành từ khóa “hot” mà còn giữ vai trò quan trọng trong quản trị và đào tạo nhân sự. 

Gamification, hay “game hóa” là cách ứng dụng cơ chế, tính năng của game vào các lĩnh vực khác. Một số lĩnh vực có thể được game hóa là marketing, giáo dục, văn hóa doanh nghiệp, tuyển dụng và đào tạo, phát triển nhân sự… 

Khi được nhà quản trị ứng dụng khéo léo, sáng tạo, Gamification sẽ mang đến nhiều lợi ích, bởi khả năng khơi gợi cảm hứng và sự vui thích, cũng như tạo động lực. Một khảo sát từ Talent Ims cho thấy hiệu quả của Gamification, khi 79% nhân viên khẳng định họ có được động lực và mục đích tại nơi làm việc nhờ công việc được game hóa. Trong khi đó, 85% nói sẽ dành nhiều thời gian hơn cho phần mềm được game hóa và 97% nhân viên ở độ tuổi 45+ khẳng định game hóa cải thiện chất lượng công việc của họ.

Từ các số liệu trên, có thể thấy Gamification là công cụ đắc lực của nhà quản trị, giúp ích trong đào tạo nhân sự. Với Gamification, việc “học” sẽ được thay đổi thành “chơi”, giúp các hạng mục đào tạo khô khan trở nên bớt nhàm chán. Nhà quản trị có thể kiểm soát chất lượng đào tạo thông qua hệ thống nhiệm vụ và đánh giá đúng mức độ phát triển kỹ năng của học viên, nếu áp dụng hình thức game nhập vai (RPG).

Theo quan điểm truyền thống, hoạt động được dán nhãn “trò chơi” có thể không được xem trọng và bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp trong môi trường đào tạo nhân sự. Tuy nhiên, không thể phủ nhận các lợi ích mà trò chơi mang lại, trong đó điều quan trọng nhất là nó giúp thay đổi tâm lý của nhân viên, từ “phải làm” thành “muốn chơi”. Bản thân người từng chơi game sẽ hiểu cảm giác nỗ lực chinh phục một cấp độ để đi tiếp đã kích thích sự tham gia của họ như thế nào.

Hơn nữa, Gamification còn làm tăng sự gắn kết giữa nhân viên, vừa nâng cao tinh thần đồng đội, vừa cải thiện kỹ năng hợp tác, trong khi vẫn duy trì sự cạnh tranh lành mạnh. Ví dụ, nhà quản trị có thể xây dựng một “hệ thống nhiệm vụ” dành cho các nhóm nhân viên, với yêu cầu hoàn thành để tích lũy điểm thưởng và công khai bảng xếp hạng điểm tích lũy cho nhóm cùng cá nhân, đi kèm phần thưởng cụ thể cho từng cột mốc. 

Hệ thống được game hóa này sẽ giúp tăng cường sự cạnh tranh giữa các nhóm và giữa nhân viên với nhau, vì khi đã “vào cuộc chơi”, ai cũng muốn được xếp hạng cao nhất để nhận thưởng. Do đó, với hoạt động trên, nhân viên sẽ có động lực để tiến bộ và vì tất cả đều chơi chung, cũng như có bảng xếp hạng công khai nên yên tâm về tính công bằng. Thêm vào đó, trò chơi chung này cũng là cách để nhân sự mới có trải nghiệm tại tổ chức khi được sớm gắn kết với các thành viên khác.

NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn

Link bài: Quản trị….

 https://doanhnhansaigon.vn/goc-nha-quan-tri/quan-tri-nhan-su-hieu-qua-hay-cho-nhan-vien-choi-game-1105402.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *