—–
Chính phủ số, công dân số, ngân hàng số, doanh nghiệp số… thoạt nghe có vẻ thời thượng nhưng thực chất đã và đang hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, có thể nhìn thấy ngay từ chiếc điện thoại thông minh trên tay bạn.
“Kinh tế số” trên chiếc điện thoại thông minh
Nếu cách đây năm năm, mười năm, khi bạn bước ra khỏi nhà để bắt đầu một ngày làm việc mới, sờ tay vào túi và phát hiện ra mình quên ví tiền, bạn sẽ làm gì lúc đó? Có lẽ 9/10 người chúng ta sẽ cáu kỉnh quay về bởi không thể ra khỏi nhà mà không có một đồng xu nào trong túi.
Nhưng nếu là hôm nay, chúng ta ra khỏi nhà và phát hiện ra mình quên ví tiền, nhưng vẫn cầm theo smartphone (điện thoại thông minh), có lẽ không nhiều người sẽ phải quay về nhà nữa và nếu vẫn nhớ mang ví, nhưng quên điện thoại, chắc chắn sẽ nhiều người phải quay về. Bởi đơn giản, với một chiếc điện thoại thông minh và vài ứng dụng trong đó, như ví điện tử bạn đã không còn cần đến tiền nữa.
Những ứng dụng tiện ích cho cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta, từ gọi xe công nghệ; đặt phòng khách sạn; gọi chuyển phát đồ; “order” thức ăn hay những món hàng; thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền gas; đến theo dõi sức khỏe bản thân hàng ngày, hoặc đơn giản là qua camera để xem nhóc nhà bạn đang làm gì ở trường mầm non hay “video call” với một người thân ở quê xa… tất cả đều thu gọn trong chiếc điện thoại thông minh của bạn.
Nhìn rộng ra, những hoạt động kinh tế – phục vụ đời sống và sinh hoạt của người, từ thương mại điện tử; giao thông, du lịch, liên lạc, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế… đều đã và đang được số hóa, được kết nối qua Internet và trên những thiết bị có ứng dụng online.
Kinh tế số – xu thế số hóa và kết nối các hoạt động qua nền tảng Internet – tưởng xa xôi, nhưng thực chất đã xâm nhập rất sâu vào đời sống của mỗi người. Số hóa vì thế không phải là “ảo hóa” mà thực chất là ứng dụng công nghệ thông tin để những hoạt động trong đời thực vận hành theo mô thức mới, sáng tạo hơn, hiệu quả hơn.
Chính phủ số (một bước tiến xa hơn của chính phủ điện tử), công dân số, ngân hàng số, doanh nghiệp số… thoạt nghe có vẻ thời thượng nhưng thực chất, đã và đang hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, có thể nhìn thấy ngay từ chiếc điện thoại thông minh trên tay bạn.
Không phải là vấn đề của mọi quốc gia mà là vấn đề riêng của Việt Nam: hệ thống xử lý tranh chấp cho các hoạt động kinh doanh, thương mại, dân sự trên môi trường số. Hệ thống tư pháp vốn là điểm yếu cố hữu của Việt Nam và càng là vấn đề khi bước vào kỷ nguyên số. |
Các nước phát triển phương Tây – nơi khởi nguồn và là mảnh đất chính cho sự bùng nổ công nghệ tin học, đặc biệt trong thập niên 2000-2010 (Google, Amazon, Facebook, Apple đều đột khởi trong khoảng thời gian này) – tiếp tục nhận thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy kinh tế số.
Theo sau Mỹ, cái nôi của công nghệ, châu Âu tiếp bước với tầm nhìn và kế hoạch cho một “Single Digital Market” (tạm hiểu là một thị trường số thống nhất), Úc có “Digital Australia”, và Singapore nêu cao khẩu hiệu “Smart Nation” (quốc gia thông minh) lấy công nghệ làm cốt lõi… Digital Nation – quốc gia số – trở thành tầm nhìn và mục tiêu, để từ đó các chính phủ xây dựng các chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế, hòng không bị bỏ lại đằng sau trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên một thị trường toàn cầu.
Việt Nam và những vấn đề chính sách lớn cần giải quyết
Việt Nam, ở cấp độ Chính phủ, nhấn mạnh nhiều hơn đến “cách mạng công nghiệp 4.0” – dù rằng những yếu tố cốt lõi của 4.0 bao gồm công nghệ thông tin và số hóa. Tuy vậy, trên thực tế, như đã nói ở trên, tiến trình số ở khu vực doanh nghiệp, trong đời sống xã hội và giao dịch kinh tế, thương mại của người dân lại diễn ra ở tốc độ rất nhanh và khả quan.
Việt Nam, với thuận lợi là dân số trẻ, nhanh nhạy trong nắm bắt công nghệ, nằm trong tốp đầu các quốc gia có tốc độ tăng trưởng về số người dùng Internet, điện thoại thông minh, và sử dụng mạng xã hội. Chuyển đổi số, trong khi chưa cần đến một chiến lược ở cấp quốc gia và hành động của Chính phủ, thì thực chất khu vực tư nhân và người dân đã đi trước một bước.
Nhưng bên cạnh khía cạnh tích cực đó, ở cấp độ quốc gia, những vấn đề kinh tế – xã hội lớn của tiến trình số hóa đời sống đang ngày càng trở nên rõ hơn, vượt ra khỏi khả năng giải quyết của khu vực tư và cần đến bàn tay hành động của nhà nước. Và thực chất, không riêng gì Việt Nam, những vấn đề này cũng đã xuất hiện ở các quốc gia khác và trở thành bài toán chính sách chung ở cấp độ toàn cầu.
Bốn vấn đề nổi lên đã được nhận diện rõ ràng. Thứ nhất là bảo vệ quyền riêng tư trên môi trường Internet của người dân. Vụ việc Facebook, qua vụ bê bối Cambridge Analytica – khi dữ liệu cá nhân của khoảng 80 triệu tài khoản người dùng Mỹ bị khai thác trái phép bởi các bên thứ ba – là đỉnh điểm khiến thế giới phải giật mình nhìn lại về việc thông tin, dữ liệu cá nhân của mình đang được các doanh nghiệp quản lý và khai thác như thế nào. Tại Việt Nam, việc rò rỉ dữ liệu, mua bán và khai thác dữ liệu cá nhân cũng diễn ra phổ biến, trong đó các vụ việc nổi cộm liên quan đến cả những doanh nghiệp lớn.
Thứ hai là vấn đề tin giả, thông tin không chính xác và các phát ngôn cực đoan trên môi trường mạng xã hội. “Ngồi lê đôi mách” là thứ văn hóa nghìn năm của con người. Nhưng chuyện nói xấu, chuyện bịa đặt, trong môi trường “lũy tre làng” khi đưa lên mạng – vốn không biên giới, và tốc độ lan tỏa, chia sẻ nhanh như ánh sáng – trở thành vấn nạn không chỉ tổn hại lợi ích từng cá nhân, cộng đồng mà còn là toàn thể xã hội.
Ngay cả nước Mỹ cũng trở thành nạn nhân khi cuộc bầu cử tổng thống của họ cũng bị thông tin nhiễu trên mạng xã hội chi phối. Và ở Việt Nam, không chỉ Đảng, Nhà nước, không chỉ lãnh đạo bị tấn công bởi tin giả, thông tin gọi là “xấu, độc”, mỗi người dân, cộng đồng cũng đang hứng chịu các vấn đề tương tự.
Nhưng cân bằng như thế nào giữa phát triển kinh tế (mạng xã hội là một nền tảng cho kinh doanh) và nhu cầu bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân, và chia sẻ thông tin của người dùng; cân bằng thế nào giữa kiểm soát “phát ngôn cực đoan” và quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của người dân là bài toán không hề dễ giải và hiện chưa có câu trả lời.
Thứ ba là vấn đề kinh tế, trong đó tập trung vào quản lý, đặc biệt là vấn đề thu thuế thế nào với các hoạt động thương mại và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Internet là không biên giới, lãnh thổ và địa lý trở thành tương đối khi ngồi ở đâu doanh nghiệp cũng có thể làm việc, kinh doanh. Cản trở lưu thông thông tin và dữ liệu là cắt đường huyết mạch của kinh tế số. Nhưng thu thuế thế nào, đảm bảo quyền lợi cho người lao động thế nào khi Grab, Netflix, Airbnb không ở Việt Nam nhưng lại kinh doanh ở Việt Nam?
Và cuối cùng, vấn đề thứ tư, không phải là vấn đề của mọi quốc gia mà là vấn đề riêng của Việt Nam: hệ thống xử lý tranh chấp cho các hoạt động kinh doanh, thương mại, dân sự trên môi trường số. Hệ thống tư pháp vốn là điểm yếu cố hữu của Việt Nam và càng là vấn đề khi bước vào kỷ nguyên số. Bởi tốc độ và mức độ ảnh hưởng của tranh chấp nếu trong đời thực là 1 thì trên môi trường số sẽ lũy thừa lên n lần.
Không có một hệ thống tư pháp tốt để giải quyết tranh chấp, để bảo vệ công dân số thì coi chừng doanh nghiệp sẽ di cư sang một quốc gia có hệ thống tư pháp tốt hơn. Doanh nghiệp số thì biên giới tài phán cứng không còn ý nghĩa và đây không phải là cảnh báo suông, việc startup Việt chuộng sang “Sing” là minh chứng sống động.
Một quốc gia số, một nền kinh tế số chắc chắn sẽ là động lực lớn cho Việt Nam – điều đó không cần thảo luận quá nhiều nữa. Tuy nhiên, nhận diện và có được những giải pháp chính sách lớn mới là những vấn đề cần quan tâm. Một lần nữa xin nhắc lại “4.0” hãy còn xa vời, nhưng chuyển đổi số quốc gia và các vấn đề đặt ra nêu trên, thì đã hiển hiện trước mắt.
(*) Viện IPS