Lương Bằng/ Báo Vietnamnet
……………..
Bài viết khẳng định sự quyết tâm của Bộ công thương và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh, rất đáng trân trọng. Nhưng tui không thích cái tựa. Tui nghĩ việc Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh không phải là lấy đá ghè chân mình mà là tạo điều kiện tông thoáng không chỉ các doanh nghiệp mà cả Bộ công thương nữa. Việc cắt bỏ các điều kiện kinh doan vô lối và vô lý đó chính là lấy đá ghè chân quan liêu, chặn đường nhũng nhiễu.
Trần Quí Thanh
………………….
Người dân luôn mong rằng Bộ trưởng “lấy đá ghè chân mình” là để mở ra một con đường khác thông thoáng hơn, thuận lợi hơn cho DN, chứ không phải con đường nào khác.
Ngày 20/9, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ra quyết định sẽ cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh – được Bộ này nhấn mạnh là con số cắt giảm “lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương”. Sau khi cắt giảm, số điều kiện kinh doanh của Bộ này giảm còn 541.
Bao lâu nay, khi nhắc tới các điều kiện kinh doanh thì Bộ Công Thương luôn nằm trong top đầu với con số hàng nghìn, từ đó đã “đẻ” ra bao giấy phép con, giấy phép cháu gây khốn khó cho DN. Nó dường như đã trở thành ‘thành trì’ không dễ phá bỏ dù hô hào nhiều, quyết tâm cũng lắm. Mà như nhiều chuyên gia về cải cách môi trường kinh doanh miêu tả là: ‘cắt đầu này, lại mọc ra 2-3 đầu khác’.
Thế nên, dễ hiểu khi quyết định này của Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận được sự hưởng ứng của doanh nghiệp, những chuyên gia chính sách.
Nhìn lại quãng thời gian, từ khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ngồi lên “ghế nóng” ngành Công Thương, không ít lần ông đã có quyết định gây ấn tượng với giới chuyên gia và cả cộng đồng DN tương tự.
Giữa năm 2016, khi vừa nhậm chức, ông Trần Tuấn Anh đã “tuyên chiến” với những chiếc vòi bạch tuộc bán hàng đa cấp bất chính – vốn đã len lỏi đến tận từng làng quê, bòn rút tiền của nhiều gia đình.
Khi ấy, ông tâm sự rằng: “Trực tiếp tôi là bộ trưởng, rồi thứ trưởng và cục trưởng cục quản lý cạnh tranh nhận được nhiều cuộc điện thoại đe dọa, mua chuộc”.
Cuộc chiến ấy đã cắt bỏ được nhiều vòi bạch tuộc đa cấp, kể cả những con bạch tuộc khủng như Thiên Ngọc Minh Uy. Và sau đó, nhiều tập đoàn đa cấp cũng tự tan rã khi không còn cơ hội làm ăn bất chính.
Cũng trong năm ngoái, khi Bộ Công Thương bị DN kinh doanh gas, ô tô, gạo,… đồng loạt đứng lên “tố” là làm khó với các quy định mới. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vào cuộc và sau nhiều lần đối thoại, Bộ trưởng tuyên bố sẽ cắt bỏ thủ tục, đơn giản hóa cho DN.
Mới đây, ông Trần Tuấn Anh còn gây ‘chấn động’ khi tuyên bố cắt giảm, sắp xếp các Vụ, Cục, Viện để giảm sự cồng kềnh của bộ máy, từ 35 đầu mối xuống còn 28 đầu mối.
Thế nên, không ngẫu nhiên tư lệnh ngành Công Thương nổi lên như một “ngôi sao cải cách”. Đã có những kết quả bước đầu đầy hứng khởi nhưng từ tuyên bố, kế hoạch cho đến hành động là cả chặng đường dài. Như nhiều doanh nhân từng trải tâm sự: “Con đường dài nhất sợ rằng vẫn là từ lời nói đến hành động’.
Các quy định liên quan kinh doanh khí, xuất khẩu gạo, nhập ô tô,… 3 vấn đề lớn gây ồn ào ở Bộ Công Thương năm ngoái được kỳ vọng giải quyết. Thế nhưng, hơn 1 năm đã qua, những quy định trói tay DN này vẫn còn nằm ở dạng… dự thảo. Trong khi đó, hàng trăm doanh nghiệp hàng ngày vẫn mong ngóng những cam kết cắt giảm, tạo thuận lợi của Bộ Công Thương thành hiện thực.
Với kế hoạch cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh vừa mới đây, cả người trong cuộc và giới kinh doanh đều tư hiểu đó là một công cuộc đầy phức tạp, không phải ngày một ngày hai có thể làm được. Biết bao thông tư, nghị định sẽ phải sửa đổi, thay thế, bãi bỏ. Một khối lượng công việc khổng lồ vẫn đang chờ đời và đòi hỏi Bộ trưởng tiếp tục sát sao và quyết liệt giải quyết để hiện thực hóa quyết định của mình.
Còn nhớ, khi ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lập dự án Luật Đầu tư công, ông Vinh đã bị cho là “lấy đá ghè chân mình”.
Những việc ông Trần Tuấn Anh ở cương vị người đứng đầu ngành Công Thương đang làm cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là một quyết định dũng cảm như thế. Bởi, có thủ tục là có quyền và lợi đi kèm, là có sách nhiễu và tiêu cực xuất hiện như lời ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng phát biểu.
Bộ trưởng “lấy đá ghè chân mình” là để mở ra một con đường thông thoáng hơn, thuận lợi hơn cho DN. Đó là con đường đầy khó khăn nhưng là con đường duy nhất chứ không phải con đường nào khác để cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN phát triển, giải phóng nguồn lực cho phát triển đất nước. Chỉ mong, quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ đi liền với hành động và quyết liệt đi đến cùng để có kết quả như kỳ vọng của DN và người dân.
Bởi sau cùng, kết quả mới là thước đo rõ ràng và hiệu quả nhất tiếp sau những tuyên bố và phương án được kỳ vọng.
Theo báo Vietnamnet
Link bài: Quyết định lịch sử khi Bộ trưởng ‘lấy đá ghè chân mình’