Sai phạm tại các dự án đầu tư công gây thất thoát, lãng phí gần 32.000 tỉ đồng

Kinh tế Sài Gòn – Vân Phong

(KTSG Online) – Những sai phạm tại các dự án đầu tư công đã gây thất thoát, lãng phí 31.795 tỉ đồng, theo đoàn giám sát Quốc hội khoá XV.

Đoàn giám sát Quốc hội khóa XV vừa có báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Với lĩnh vực đầu tư công, đoàn giám sát đánh giá chất lượng chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn thấp, khảo sát, lập và phê duyệt dự án không hợp lý, xác định dự toán, tổng mức đầu tư còn nhiều sai sót, thiếu chính xác.

Điều này khiến hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, trong đó nhiều dự án phải điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Điều chỉnh chủ yếu là về vốn, tiến độ đầu tư, quy mô, tổng mức đầu tư.

Metro số 1_Minh Hoàng
Một số dự án của tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên chưa được khởi công khi các hiệp định vay vốn đã hết hạn. Ảnh minh hoạ: Minh Hoàng

Ngoài ra, số lượng dự án đầu tư công chậm tiến độ có xu hướng tăng dần qua các năm. Cụ thể, số dự án chậm tiến độ năm 2016 là 1.448, năm 2017 là 1.609, năm 2018 là 1.778, năm 2019 là 1.878, năm 2020 là 1.867, năm 2021 là 1.962, theo tổng hợp báo cáo không đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương.

Đáng lưu ý hầu hết các dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn, trọng điểm gồm dự án tuyến đường sắt thí điểm thành phố, đoạn Nhổn-ga Hà Nội; tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo; tuyến đường sắt số 1: Bến Thành – Suối Tiên; tuyến đường sắt số 2: Bến Thành – Tham Lương đều chậm tiến độ.

Nhiều dự án triển khai kéo dài, đầu tư không dứt điểm, kém hiệu quả. Điển hình là tỉnh Bình Dương với 55 dự án chậm tiến độ; 15 công trình, dự án phải tạm dừng sau khi được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; 225 lượt dự án được các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Trong đó có 109 lượt dự án phát hiện có sai phạm với tổng số tiền thực hiện không phù hợp được các cơ quan chức năng kiến nghị xử lý là 442 tỉ đồng.

Một số địa phương có dự án nhóm B nhưng kéo dài quá 5 năm, nhóm C quá 3 năm. Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa có dự án đê, kè biển xã Hải Châu (nhóm B) kéo dài 13 năm, tỉnh Long An có 17 dự án nhóm B bố trí vốn kéo dài 6-17 năm, 15 dự án nhóm C bố trí vốn kéo dài 4-9 năm.

Những vấn đề trên, theo đoàn giám sát, đã tồn tại kéo dài nhiều năm, chưa được khắc phục đáng kể, gây lãng phí lớn trong sử dụng vốn đầu tư công.

Lý do chậm tiến độ chủ yếu bởi công tác giải phóng mặt bằng, bố trí vốn không kịp thời, do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu.

Về công tác đấu thầu, quản lý, sử dụng vốn, tổ chức triển khai thực hiện dự án, đoàn giám sát cho biết có hàng trăm dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, gây thất thoát, lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư. Cụ thể, năm 2016 có 590 dự án, năm 2017 có 840 dự án, năm 2018 có 422 dự án, năm 2019 có 125 dự án, năm 2020 có 923 dự án, năm 2021 có 185 dự án.

Một số địa phương có số dự án phát hiện có thất thoát, lãng phí nhiều, gồm Bắc Giang có 196 dự án trong năm 2018 và 864 dự án trong năm 2020; Thanh Hóa có 52 dự án trong năm 2019, 19 dự án trong năm 2020, 90 dự án trong năm 2021; Phú Thọ có 111 dự án trong năm 2018; Quảng Ngãi có 58 dự án trong năm 2018; Lạng Sơn có 48 dự án trong năm 2021; Hà Tĩnh có 34 dự án trong năm 2020; Sơn La có 33 dự án trong năm 2019; Nghệ An có 20 dự án trong năm 2019.

Thậm chí, có rất nhiều dự án đầu tư công có sai phạm, phải xử lý hình sự trong số 1.086 trường hợp đã đưa ra xét xử gây thất thoát, lãng phí khoảng 31.795 tỉ đồng.

Lý giải nguyên nhân, đoàn giám sát cho rằng các dự án có thất thoát lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán.

Về việc giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài, đoàn giám sát đánh giá việc triển khai rất chậm, thời gian dự án kéo dài, phải gia hạn thực hiện dẫn tới không hoàn thành, đưa dự án vào khai thác đúng thời hạn dự kiến, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay.

Cụ thể, tỷ lệ giải ngân lũy kế đạt khoảng hơn 76% tổng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã ký kết tính tới năm 2021. Còn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, giải ngân vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ đạt 46%.

Đáng lưu ý, tỷ lệ giải ngân với các khoản vay từ nhóm sáu ngân hàng phát triển đã giảm từ mức 23,1% năm 2014 xuống còn 11,2% năm 2018. Mức này thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu của nhóm sáu ngân hàng này.

“Việc giải ngân chậm đã dẫn đến chậm trễ trong thực hiện các mục tiêu phát triển, không chỉ làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng tới thực hiện dự án, mà có thể dẫn tới tranh chấp hợp đồng với nhà thầu, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam cũng như quyết định đầu tư của các nhà tài trợ”, đoàn giám sát lưu ý.

Nguồn: https://thesaigontimes.vn/sai-pham-tai-cac-du-an-dau-tu-cong-gay-that-thoat-lang-phi-gan-32-000-ti-dong/

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *