Trần Quí Thanh
—–
Kính gửi bác Dr Thanh
Thưa bác, blog của bác rất có ích cho lớp trẻ, từ lối sống đến sự lập nghiệp ạ. Cảm ơn bác rất nhiều và mong bác tiếp tục trả lời chúng cháu thật nhiều hơn nữa.
Chúng cháu hỏi câu này cứ băn khoăn mãi không biết có đánh đố bác không nhưng chúng cháu không biết hỏi thế nào khác, mong bác thông cảm chia sẻ, là: Những rủi ro căn bản mà các startup phải đương đầu và vấn đề mấu chốt nhứt để đương đầu với các rủi ro đó.
Kính mong bác trả lời ạ.
Kính chúc bác vui khoẻ
Hồ Lợi Hà (Sài Gòn): holoiha_1999sg@gmail.com
——
Hồ Lợi Hà mến!
Như bác từng chia sẻ ở các bài viết trước, 90% start up thất bại. Con số này không phải của bác, mà là thống kê của các cơ quan chuyên môn. Và đương nhiên các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích, rút ra được các kết luận về nguyên nhân thất bại của start up.
Nguyên nhân thì có nhiều, mỗi doanh nghiệp có những vấn đề riêng và nếu không giải quyết tốt thì từ vấn đề nhỏ có thể thành thất bại lớn. Tương tự như một lỗ rò nhỏ nhưng không trám kịp thì có thể làm đắm con tàu lớn.
Rủi ro thứ nhất không ai khác mà là chính cháu cùng các cộng sự start up của cháu. Con người khởi nghiệp quyết định mọi thành bại của doanh nghiệp khởi nghiệp. Cháu và các cộng sự là những người giỏi, có quyết tâm, đoàn kết, gắn bó và chăm chỉ làm việc thì chuyện khó mấy cũng vượt qua được, cũng giải quyết được. Không ít start up thất bại vì nội bộ lủng củng, xung đột. Suốt ngày chỉ lo giải quyết chuyện nội bộ thì còn thời gian đâu để đối phó với những rủi ro khác trên thương trường.
Khi thấy được con người là một rủi ro thì đã thấy được cách đề phòng, ngăn chặn rủi ro này. Bản thân cháu phải nỗ lực làm việc, học hỏi, kết nối, truyền cảm hứng với cộng sự. Chọn được nhân tài về bên mình thì thành công đã có được một nửa rồi đó.
Đã khởi nghiệp đương nhiên phải từ một sản phẩm, và chính sản phẩm là rủi ro. Có không ít start up không đánh giá đúng sản phẩm của mình, tô vẽ cho nó quá nhiều thứ từ sự tưởng tượng của mình, trong lúc bản thân sản phẩm đó không phải là hàng chất lượng cao thì sẽ thất bại.
Sản phẩm đó có mới không, có lạ không, có khác biệt với các sản phẩm khác trên thị trường không? Hãy trả lời cho được nhưng câu hỏi đó từ nghiên cứu khách quan, không phải từ ý chí áp đặt của người tạo ra sản phẩm.
Tiếp theo là trả lời câu hỏi về giá cả. Chất lượng cao không có nghĩa là giá cao, đẩy giá lên trên trên trời bán cho ai. Ở đây phải là tính toán để cho ra một giá phù hợp, cạnh tranh được với các sản phẩm khác.
Để tránh được rủi ro, cháu giải quyết cho được các câu hỏi trên nhé.
Cuối cùng là thị trường. Đã buôn bán kinh doanh thì phải nghiên cứu thị trường. Thị trường ở đây phải hiểu là khu vực tiêu thụ, đối tượng tiêu thụ. Có nhưng sản phẩm đánh vào thị trường vùng miền đúng thì doanh số tăng nhanh, ngược lại thì ế ẩm.
Bác nói lòng vòng chút nhé, đoàn biểu diễn cải lương, vọng cổ mà ra bắc làm nghề thì chết chắc, cũng giống như hát chèo hay xẩm mà về miền Tây diễn thì chẳng ai xem.
Sản phẩm vật chất cũng như sản phẩm văn hóa, phải có đối tượng tiêu dùng phù hợp và vấn đề là tìm ra được đối tượng đó.
Vậy nhe cháu, chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)