Sao mãi chống dịch một mình?

Lê Uy Linh/ Báo TBKTSG
Nguồn hình: Internet

Chủ trương của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” áp dụng thống nhất trên cả nước đã được hơn một tháng. Nhìn lại một tháng qua, có thể thấy sự chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch này đã phần nào đạt được mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra – vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Trước đó, tình trạng quyết liệt truy vết, “bắt sạch” F0, cách ly tập trung không chỉ F0 mà cả F1, phong tỏa diện rộng, “ngăn sông cấm chợ”… đã dẫn đến nhiều xáo trộn đời sống xã hội, gãy đổ kinh tế tại rất nhiều địa phương trải dài từ Nam ra Bắc.

Để chấn chỉnh các biện pháp chống dịch cực đoan của các địa phương “mỗi nơi mỗi kiểu” này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, mà một trong những mục tiêu đáng chú ý của nghị quyết là “tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội”.

Với tư duy phòng chống dịch theo chiến lược mới, như nhiều chuyên gia nhận định, chúng ta đã chấp nhận là không thể nào “quét” sạch virus gây bệnh Covid-19 ra khỏi cộng đồng; thay vì cách ly tập trung tất cả F0, F1, bất kể triệu chứng nặng, nhẹ, chúng ta chấp nhận để F0, F1 nếu đủ điều kiện có thể cách ly tại nhà; chúng ta tập trung điều trị các bệnh nhân Covid chuyển nặng để đảm bảo không gây quá tải cho hệ thống y tế; nhanh chóng bao phủ vaccine cho toàn dân… Cùng với đó là đưa mọi hoạt động trong đời sống xã hội, kinh tế về lại bình thường, dù được hiểu là trạng thái “bình thường mới” – từ bỏ một số thói quen sinh hoạt cũ và hình thành các thói quen mới.

Bằng sự chuyển hướng nói trên, dù chỉ mới hơn một tháng nhưng thực tế cho thấy tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như sự hồi phục của kinh tế đang dần chuyển biến tốt hơn. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ vào cuối tuần trước, báo cáo của Bộ Y tế cho thấy trong hơn một tháng đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 128, “cả nước ghi nhận 105.543 ca bệnh Covid-19 cộng đồng. So với tháng trước đó, số ca cộng đồng cả nước tăng 2,9%, nhưng số ca tử vong giảm 46,3%; số đang điều trị tại bệnh viện giảm 25,3%; số ca nặng, nguy kịch giảm 40,8%”(1).

Việc số ca nhiễm tăng lên là điều có thể hiểu được, bởi như đã nói, chúng ta không thể nào chấm dứt được mầm bệnh tồn tại trong cộng đồng. Vấn đề quan trọng được các chuyên gia đồng tình là sự điều chỉnh trong chiến lược phòng chống dịch này đã góp phần kéo giảm số bệnh nhân tử vong vì Covid, dưỡng sức cho hệ thống y tế để tập trung điều trị số ca F0 chuyển nặng, hơn là cứ mải miết truy lùng F0, gom họ lại một nơi để rồi “không biết làm gì”, chưa kể đã dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo.

Ngay tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo vừa nêu, Thủ tướng cũng đã đánh giá “nhìn chung chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc”. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng “bước đầu đạt mục tiêu đề ra. Các hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục rất rõ trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… Thị trường lao động từng bước hồi phục và khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng lao động…”(1).

Những thành công bước đầu trong kiểm soát dịch bệnh và dần hồi phục kinh tế ấy có lẽ còn khả quan hơn nữa nếu như tất cả các địa phương đều có sự đồng lòng và thống nhất với định hướng mà Chính phủ đề ra.

Nhưng thực tế đã không được như vậy. Từ khi Nghị quyết 128 được ban hành và cả cho đến lúc này, qua báo chí phản ánh cho thấy có những địa phương dường như vẫn kiên trì với đường lối chống dịch riêng của địa phương mình. Có địa phương quy định người vào địa phương này dứt khoát phải có xét nghiệm âm tính có hiệu lực trong vòng 72 giờ, bất kể người dân đến từ vùng 1 hoặc 2 (xanh – vàng) – mà điều này là hoàn toàn trái với Nghị quyết 128. Có địa phương dù người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi Covid nhưng nếu đến từ những tỉnh, thành có số ca mắc cao như TPHCM sẽ phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày. Có địa phương vẫn quyết cách ly tập trung F1 dù có những người đủ điều kiện để cách ly tại nhà v.v.

Để đời sống xã hội cũng như các hoạt động kinh tế trở lại bình thường, dù là bình thường mới, có lẽ điều đầu tiên là người dân phải được đi lại thuận tiện, dễ dàng, từ đó mới có thể giải quyết được các nhu cầu sinh hoạt, lao động, mua bán, làm ăn… Nếu các địa phương vẫn bằng cách này cách nọ thêm thắt, cải biến những quy định chung của Chính phủ thành quy định riêng của mình thì nhu cầu sinh hoạt, làm ăn của người dân, doanh nghiệp tiếp tục ách tắc như đã từng. Thử hỏi một đơn vị muốn mở lại tour du lịch mà đến địa phương nào cũng bị cách ly 7 ngày thì du khách nào dám đi? Tương tự, một doanh nhân muốn đi công tác ngắn ngày nhưng vì quy định cách ly của địa phương thành ra phải ở lại dài ngày, ảnh hưởng đến bao công việc khác cần giải quyết.

Đến lúc này, các biện pháp để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” tưởng cũng đã rõ ràng, cũng đã được đánh giá thực tiễn qua hơn một tháng triển khai. Nếu các địa phương vẫn kiên trì giữ cho địa phương mình là một pháo đài vững chắc, không có F0 nào có thể lọt qua được, thì e rằng chẳng những làm khó cho chính mình, ách tắc đời sống xã hội-kinh tế của địa phương mình, mà còn ảnh hưởng chung đến kinh tế-xã hội cả nước.

———-

(1) https://thanhnien.vn/binh-thuong-hoa-mot-cach-an-toan-hieu-qua-post1403323.html

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Link báo: Sao mãi…
https://thesaigontimes.vn/sao-mai-chong-dich-mot-minh/
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *