Sống ‘bình thường mới’, khó vậy sao?

Lê Uy Linh/ Báo TBKTSG

Nghị quyết 128 được ban hành hơn tuần nay nhưng đã đi vào cuộc sống chưa, nếu theo dõi thông tin trên các báo, sẽ thấy rất rõ là chưa. Nhiều địa phương vẫn áp đặt quy định riêng, vẫn cát cứ, vẫn ngăn sông cấm chợ, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động buôn bán và sản xuất kinh doanh của người dân.

Các hãng hàng không mở tuyến bay thương mại, nhưng sẽ không có hành khách khi các địa phương còn đưa ra những quy định “đuổi khách”. Không ai đi làm ăn hay du lịch mà chấp nhận bị cách ly 7 ngày, nhất là đối với những người đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine.

Đồng ý về mặt lý thuyết, người đã tiêm hai mũi vaccine vẫn có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và trở thành nguồn lây, nhưng không vì thế mà xem họ ai cũng là bệnh nhân. Còn có nhiều biện pháp y tế và kiểm soát dịch khác thay vì “nhốt” khách.

Không ai muốn đi lại bằng đường bộ khi đi qua chốt là phải có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính, đó là một thứ phiền hà. Xét về mặt phòng dịch cũng rất không cần thiết.

Đi dọc đất nước từ Bắc đến Nam, đi trên quốc lộ qua bao nhiều tỉnh, thành phố, người dân lo ngại gặp phải những quy định có thể bị bắt quay đầu, nên đa số còn e ngại không muốn đi.

Việt Nam có độ bao phủ vaccine khá rộng, tính đến nay đã tiêm khoảng trên 64 triệu liều vaccine, trong đó có khoảng 20 triệu người được tiêm đầy đủ hai mũi. Chưa kể trên 800.000 người là F0 khỏi bệnh, số người này an toàn tương đương với người đã tiêm hai mũi vaccine.

Tính đến nay, Việt Nam có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày. Trong nhiều địa phương, mặc dù còn là vùng đỏ, vùng cam, nhưng có nhiều phường, xã vùng xanh.

Nêu ra những số liệu trên để nói rằng, không có lý do gì không mạnh dạn mở cửa nền kinh tế, dẹp hết những rào cản, thực hiện theo Nghị quyết 128.

Tuân thủ biện pháp 5K đối với tất cả mọi người dân, từ khách đến chủ, ai vi phạm phạt thẳng tay, đó là biện pháp. Lúc này, tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng dịch là cần thiết, nhưng để đạt hiệu quả cao thì phải sử dụng công cụ pháp luật.

Đây là lúc thử thách năng lực của lãnh đạo các địa phương. Mở cửa cho người dân làm ăn phục hồi kinh tế nhưng vẫn phòng dịch hiệu quả, đó mới là người giỏi.

Trần Quí Thanh

—–

Đến thời điểm này, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều thấy rằng không thể truy vết để “bắt sạch” F0 cho bằng được, thay vào đó đã xác định phải chấp nhận sống chung với con virus gây ra đại dịch kinh hoàng gần hai năm nay – Covid-19.

Sống chung với Covid được hiểu là từ đây chúng ta phải sống theo một trạng thái “bình thường mới”. Nhưng thế nào là “bình thường mới” dường như đang được các tỉnh, thành trên cả nước, mỗi nơi diễn giải và hành xử mỗi kiểu, theo ý chí của địa phương mình, dẫn đến những rối loạn trong đời sống xã hội, và đặc biệt đang có những biểu hiện làm lung lay nền tảng pháp quyền.

Bỏ qua những bất cập, lúng túng trước đó vì thiếu quy định chung, lẽ ra người dân, doanh nghiệp và cả xã hội đến nay có thể được vui mừng sau khi có một sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương để chấm dứt tình trạng lộn xộn nói trên. Sự thống nhất đó đã được Chính phủ thể hiện bằng Nghị quyết 128 ban hành từ ngày 11-10-2021, quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Nội hàm của trạng thái sống “bình thường mới” phần nào đã được làm rõ thông qua nghị quyết này, mà trước tiên là quyền được đi lại của người dân giữa các địa phương sau 4 tháng trời gần như bị “phong tỏa”. Và để đi lại như thế nào để “thích ứng an toàn, linh hoạt…” trong điều kiện bình thường mới, Bộ Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể. Đáng lưu ý là hướng dẫn này để áp dụng thống nhất trong cả nước theo tinh thần Nghị quyết 128.

Thế nhưng, theo báo chí phản ánh những ngày qua, vẫn đang có một sự trì kéo, níu giữ tình trạng “cát cứ”của tỉnh này, tỉnh nọ, được biện hộ bằng vô vàn lý lẽ để chưa thể thực hiện ngay chỉ đạo áp dụng biện pháp kiểm soát dịch thống nhất từ Chính phủ.

Đầu tiên phải kể đến nỗi ám ảnh xét nghiệm tràn lan, như một tiêu chí hàng đầu để được “thông chốt”. Kế đến, vào được địa bàn rồi thì còn phải thực hiện cách ly y tế theo quy định của từng địa phương.

Tại Nghị quyết 128, Chính phủ yêu cầu các tỉnh tạm dừng áp dụng các chỉ thị 15, 16 và 19. Người đã tiêm đủ vaccine theo quy định không những không phải cách ly tập trung mà còn được miễn việc xét nghiệm bắt buộc. Cùng với đó, Bộ Y tế hướng dẫn không chỉ định xét nghiệm đối với những người dân thực hiện đi lại, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Nhưng như báo Tuổi Trẻ ngày 16-10 phản ánh(1), nhiều tỉnh, thành vẫn “mỗi nơi một kiểu”, vẫn duy trì hoạt động kiểm soát như thời điểm trước khi có nghị quyết này. Chẳng hạn, ở Đồng Tháp, người dân ra vào tỉnh phải đảm bảo tiêm 2 mũi vaccine và có giấy xác nhận âm tính Covid-19. Ở Vĩnh Long, vẫn duy trì các biện pháp giống như khi áp dụng chỉ thị 19 của Chính phủ với các chốt kiểm soát ra vào tỉnh, cách ly người ra vào địa phương từ nay đến hết 31-10.  Ở Thừa Thiên Huế, tỉnh “khuyến cáo” người đến/về từ vùng xanh, vùng vàng có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, thực hiện khai báo y tế, quét mã QR, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày, v.v… Đặc biệt ở Đà Lạt, vẫn thực hiện cách ly tập trung với trường hợp người từ ngoài tỉnh tới Đà Lạt dù đã tiêm 2 mũi vaccine. Nội dung này trái với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế (Tuổi Trẻ 14-10)(2).

Rồi cũng có câu chuyện mới cách đây vài ngày, đó là bảy địa phương phía nam sông Hậu đang có dự thảo chương trình “Liên kết phối hợp các tỉnh, thành phố khu vực Nam sông Hậu trong phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế”. Trong đó, dự kiến sẽ nối lại các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh.

Với bản tin này, vấn đề đi lại liên tỉnh một lần nữa lại được người đọc quan tâm. Người đọc không khỏi thắc mắc: “Lại tiếp tục có những quy định đi lại dành riêng giữa các địa phương này nữa sao?”, “Sao không thực hiện việc đi lại liên tỉnh theo sự chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ?”, “Còn nếu sẽ tuân thủ chỉ đạo từ Chính phủ thì sao lại phải có một chương trình liên kết riêng giữa các địa phương này với nhau trong phòng chống dịch Covid-19?” v.v. Khá nhiều tâm tư cho những người đang có ý định đi đến các địa phương này.

Chưa cần đến phải có trình độ quản lý của một người đứng đầu địa phương, mà có lẽ ngay những người dân hay những doanh nghiệp bình thường cũng thấy được những tác động và hệ lụy của tình trạng “mỗi nơi mỗi kiểu” nói trên. Chẳng hạn, một doanh nhân cần bay đến một địa phương khác để làm việc với đối tác và bay về trong ngày nhưng theo quy định của địa phương ấy thì phải ở lại tại nơi lưu trú, cách ly y tế, theo dõi sức khỏe trong vòng 7 ngày mới được về. Tương tự, một người dân từ quê ra thành phố khám bệnh định kỳ cũng phải có giấy xét nghiệm, có giấy xác nhận của địa phương nơi cư trú (để xác định vùng màu gì), phải chịu cách ly theo dõi sức khỏe 7 ngày…

Tất nhiên, sống chung với Covid không có nghĩa là lơ là các biện pháp phòng chống dịch, nhưng đừng nhân danh chuyện này để cho phép địa phương đẻ thêm quy định riêng trong khi Chính phủ đã có quy định thống nhất cho cả nước. Sự “cát cứ” địa phương trong thực tế thời gian qua đã gây đứt gãy trong nền kinh tế cũng như bao khó khăn trong đời sống người dân.

Thêm một điều nữa cũng đáng lo ngại, đó là kỷ cương phép nước cần được giữ nghiêm. Thời gian qua đã có những chỉ đạo từ Chính phủ chưa được một số địa phương tuân thủ triệt để. Mới đây nhất là Nghị quyết 128 của Chính phủ đã được ban hành nhưng các địa phương vẫn chần chừ chưa thực hiện ngay hoặc được vận dụng “linh hoạt” theo cách riêng của mình.

“Sống chung với Covid”, hay như “sống với trạng thái bình thường mới”, có lẽ cần được các cấp chính quyền thay đổi cách suy nghĩ trong điều hành phòng chống dịch, dựa trên các cơ sở khoa học, thực tế dịch tễ và yêu cầu từ các cơ quan chuyên môn, hơn là từ các biện pháp ngăn chặn mang tính hành chính. Cần chấp nhận không bao giờ có thể làm sạch F0 trong địa bàn của mình.

Ngược lại, về phía người dân, từ nay không thể sinh hoạt tự do như chưa hề có dịch Covid-19 xảy ra. Các hình thức sinh hoạt cá nhân, đi lại, hội họp, làm việc v.v. đều phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng dịch mà cơ quan y tế bắt buộc hoặc khuyến cáo.

—————

(1) https://tuoitre.vn/kiem-soat-di-lai-van-moi-noi-mot-kieu-20211015235939454.htm

(2) https://tuoitre.vn/sau-huong-dan-cua-bo-y-te-da-lat-van-quyet-cach-ly-tap-trung-nguoi-da-tiem-2-mui-vac-xin-20211014212902901.htm

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Sống..

.https://thesaigontimes.vn/song-binh-thuong-moi-kho-vay-sao/

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *