Khởi Vũ/ Báo DNSG
—–
Gần hai năm nay từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, tui đã trả lời khá nhiều bạn về cách gì để “sống chung” với dịch.
Như tui từng đưa ra ý kiến, sẽ không bất cứ một công thức chung nào cho các doanh nghiệp trong việc “sống chung” với dịch bệnh, bởi vì mỗi doanh nghiệp sản xuất theo lĩnh vực khác nhau, sản phẩm khác nhau, điều kiện khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Thậm chí, đối với một số doanh nghiệp, dịch lại trở thành cơ hội để họ sản xuất và bán sản phẩm. Ví dụ như găng tay y tế, đồ bảo hộ, nước sát khuẩn, cồn rửa tay…
“Sống chung” có nghĩa là phải lượng định tình hình, tùy theo sức mình để tồn tại, không buông tay, không đầu hàng và cũng không quá dại dột đâm đầu vào chỗ chết.
“Sống chung” là tìm ra một cách để tồn tại, để “mưu sinh” ngay trong “cơn lũ”, như người nông dân các vùng quê lũ lụt của miền Trung hay ĐBSCL vậy đó.
Ví dụ như có nhiều doanh nghiệp sản xuất trong ngành y tế chuyển nhanh sang sản xuất khẩu trang, không chỉ kịp thời phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.
Không cần tới doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ rất thông minh khi nghĩ ra các loại mặt nạ chống giọt bắn, áo quần bảo hộ để bán ra thị trường.
Có nghĩa là, trong thời dịch bệnh, họ biết bỏ loại hàng nào, lựa chọn loại sản phẩm nào để sản xuất đưa ra thị trường cho phù hợp với người tiêu dùng.
Bỏ đi những mặt hàng không có thị trường, tập trung thật mạnh vào sản phẩm có ưu thế để sản xuất, cầm cự qua giai đoạn khó khăn.
Tui xin giới thiệu bài viết “ Sống chung với dịch: 3 bài học nổi bật từ Unilever” của tác giả Khởi Vũ đăng trên Doanh Nhân Sài Gòn online để các bạn tham khảo thêm.
Trần Quí Thanh
—-
Ba bài học kinh nghiệm nổi bật giúp “sống chung và vượt dịch” hiệu quả từ gã khổng lồ ngành hàng tiêu dùng nhanh Unilever.
Với hơn 400 nhãn hàng, và sản phẩm được sử dụng bởi hơn 2,5 tỷ người tiêu dùng mỗi ngày tại khoảng 190 quốc gia, Unilever – gã khổng lồ trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) là một trong số các công ty đa quốc gia chịu tác động lớn từ Covid-19.
Nhận định Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới việc kinh doanh của công ty, CEO Unilever Alan Jope khi kết thúc quý I/2020 nói: “Sự khốc liệt và kéo dài không lường trước được của đại dịch cùng các biện pháp dập dịch có thể được triển khai ở mỗi quốc gia, đồng nghĩa với việc chúng tôi không thể đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng đến các thị trường lẫn hoạt động kinh doanh của chúng tôi”.
Dù vậy, vị CEO 58 tuổi tự tin rằng, khả năng thích ứng nhanh nhạy với xu hướng mới của Unilever cùng các hành vi tiêu dùng mới sẽ tạo ra cơ hội trong dài hạn. Trên thực tế, theo báo cáo của Unilever, kết thúc quý I/2021, doanh thu của công ty đạt 12,3 tỷ Euro, chỉ giảm 0,9% do chịu tác động tiêu cực liên quan đến tiền tệ, trong khi doanh số tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái
“Chúng tôi tự tin rằng, mức tăng trưởng doanh số cơ bản năm 2021 sẽ nằm trong khung tăng trưởng như nhiều năm qua là 3-5%, với nửa đầu năm ở mức cao nhất của phạm vi này. Tỷ suất lợi nhuận hoạt động cơ bản trong cả năm sẽ tăng nhẹ, dù sụt giảm trong nửa đầu năm do tác động của Covid-19, lạm phát chi phí cao hơn và chi phí cho marketing tăng so với năm trước”, Unilever cho biết. Dưới đây là 3 bài học kinh nghiệm nổi bật, giúp gã khổng lồ FMCG “sống chung với dịch” và tiếp tục tiến lên.
1. Điều chỉnh danh mục ngành hàng cần ưu tiên
Dưới tác động của đại dịch, nhu cầu sản phẩm đối với hàng loạt ngành hàng của Unilever đã có biến chuyển rõ rệt, như nhu cầu nước sát khuẩn tay tăng phi mã, trong khi nhu cầu sản phẩm làm đẹp giảm mạnh. Các thương hiệu trong ngành hàng chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc cá nhân, gồm nhiều cái tên như Dove, Pond’s, Rexona/Sure và Fair & Lovely, đối mặt với khó khăn, khi người tiêu dùng làm việc tại nhà giờ đây sử dụng các sản phẩm gội đầu, chăm sóc da hoặc khử mùi của công ty ít hơn 11 lần/tuần so với trước đây.
Doanh số bán kem của Unilever cũng bị ảnh hưởng vào năm 2020 do lệnh cấm tập trung đông người tại nơi công cộng trong giai đoạn cao điểm của đợt khuyến mãi hè. Ngoài ra, phần lớn hoạt động kinh doanh của công ty với các khách hàng dịch vụ thực phẩm – nhà hàng, căng-tin, quán cà phê… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lệnh giãn cách, cách ly kéo dài.
Thích ứng với sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng, công ty đã điều chỉnh danh mục ngành hàng, ưu tiên ngành hàng chăm sóc tại nhà, như thực phẩm, đồ uống đóng gói, chất tẩy rửa bề mặt, và sản phẩm vệ sinh cá nhân, thay cho các sản phẩm khác như chăm sóc da mà nhu cầu đã sụt giảm.
Theo đó, 3 tháng đầu năm 2020, doanh số ngành hàng chăm sóc tại nhà của Unilever đã tăng 2,4%, khi người tiêu dùng tăng tích trữ sản phẩm làm sạch, trong khi doanh số ngành hàng thực phẩm và nước giải khát giảm 1,7%.
2. Ưu tiên sản xuất sẵn sản phẩm có nhu cầu cao
Jope cho biết, để tuân thủ quy định để giảm sự lây lan của Covid-19 trong các nhà máy, Unilever đã duy trì sản xuất ở mức trung bình 85% sản lượng thông thường tại 221 khu vực trên toàn thế giới. Đồng thời, công ty cũng tăng sản xuất hàng lưu kho chính yếu như các sản phẩm làm sạch và vệ sinh để đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng. Đơn cử, chỉ trong 3 ngày, công ty đã xoay vòng một trong các nhà máy sản xuất tại Anh để sản xuất nước rửa tay sát khuẩn – sản phẩm trước đó vốn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong mảng kinh doanh của Unilever.
Tại Trung Quốc, công ty cũng đẩy nhanh ra mắt một sản phẩm làm sạch mới với yếu tố thực vật để đón đầu nhu cầu khi đại dịch tiếp tục lây lan. Còn tại Brazil, công ty đã hợp tác với Heineken để phát triển sản phẩm nước rửa tay phân phối tại khu vực Sao Paulo.
Theo Jope, trước những thách thức do Covid-19 mang lại, các quản lý của công ty thực sự đã phá vỡ hàng loạt quy trình sản xuất trước đây để ưu tiên tập trung đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ đối với một số sản phẩm cụ thể, như ngành hàng vệ sinh, nấu ăn tại nhà và thực phẩm.
3. Hợp tác chiến lược
Tại Đông Nam Á, Unilever đã hợp tác với Grab để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và mang lại nguồn thu đa dạng hơn cho các hộ kinh doanh nhỏ. Theo đó, người tiêu dùng có thể mua sản phẩm Unilever trên ứng dụng Grab; và đơn đặt hàng sẽ được chuyển đến điểm bán lẻ gần nhất của công ty, thường là một cửa hàng ở một góc phố hoặc xe bán kem chưa từng tham gia bán hàng online trước đó.
Thông qua hợp tác, Unilever cũng sử dụng đội ngũ shipper của Grab để vận chuyển hàng từ kho đến các nhà bán lẻ – giải pháp vừa giúp đáp ứng nhu cầu sản phẩm theo thời gian thực cho Unilever, vừa giúp tạo thêm nguồn thu nhập cho các đối tác tài xế của Grab.
Ngược lại, thông qua GrabProtect – chuỗi giải pháp nâng cao tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, hạn chế lây lan Covid-19 của Grab, các thương hiệu vệ sinh cá nhân và gia đình của Unilever như Lifebuoy và Cif cũng xuất hiện nhiều hơn trong mắt người tiêu dùng.
“Hợp tác với Grab mang lại cho Unilever cơ hội tạo ra một cuốc xe sạch sẽ, an toàn cho tài xế, hành khách và khách hàng; đồng thời tạo điều kiện cho các nhà bán lẻ nhỏ ở Đông Nam Á, mà nhiều trong số họ chưa hiện diện trên nền tảng số, được mở rộng phạm vi tiếp cận thông qua thương mại điện tử để cải thiện sinh kế”, Aseem Puri – Giám đốc Marketing của Unilever nhận xét
“Bằng cách tập hợp các nguồn lực của chúng tôi, như nền tảng công nghệ của Grab và mức độ tiếp cận người tiêu dùng, cùng phạm vi sản phẩm và mạng lưới nhà bán lẻ của Unilever, chúng tôi đã tìm ra được nhiều lĩnh vực tổng hoà, giúp phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng cũng như tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và các đối tác giao hàng của chúng tôi”, Russell Cohen – Giám đốc Vận hành khu vực Đông Nam Á tại Grab, nói.
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link bài: ‘Sống chung’…
https://doanhnhansaigon.vn/