Start-up gọi vốn và pháp lý: Cần lưu ý những gì? Tiến trình thực hiện ra sao?

Báo Tin nhanh chứng khoán/Báo Diễn đàn doanh nghiệp


—–

Tui đã viết một số bài liên quan đến việc huy động vốn khi khởi nghiệp, tuy nhiên vẫn chưa trả lời hết câu hỏi của các bạn trẻ liên quan đến nội dung này.

Gần đây, nhiều bạn Start up hỏi việc gọi vốn liên quan đến các quy định của pháp luật, tui cho rằng đây là kiến thức rất cần thiết mà các bạn bắt buộc phải tự trang bị.

Khi khởi nghiệp, chắc chắn không mấy ai có đủ vốn, mà phải huy động từ nhiều nguồn. Đầu tiên là vốn tự mình tích lũy được, vốn góp từ những người tham gia, rồi vay mượn của cha mẹ, người thân trong gia đình, mở rộng hơn là bạn bè.

Các nguồn vốn trên thường không đủ để doanh nghiệp hoạt động. Muốn đầu tư để phát triển, doanh nghiệp cần tăng vốn theo từng giai đoạn khác nhau. Muốn tăng vốn thì vay từ các tổ chức tín dụng, đặc biệt là từ các nhà đầu tư và quỹ tài chính.

Các Start up nổi tiếng trên thế giới thường được sự hỗ trợ của các nhà đầu tư mới có được người vốn dồi dào, thực hiện được các tham vọng kinh doanh của họ.

Để thuyết phục các nhà đầu tư thì đòi hỏi rất nhiều điều, nhưng trước hết và căn bản nhất là tính pháp lý.

Để các tổ chức tín dụng, quỹ tài chính tin tưởng tham gia bỏ vốn, thì việc đầu tư đó phải dựa trên các quy định của pháp luật, không phải thỏa thuận miệng giữa hai bên. Nhờ có luật pháp điều chỉnh quan hệ này thì mới bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên, bảo vệ tài sản cho công dân.

Đặc biệt là bảo vệ sự công bằng trong đầu tư kinh doanh.

Các bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ thêm về vấn đề này.

Trần Quí Thanh

—–

Start-up gọi vốn và pháp lý đóng vai trò số 1 với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp khởi nghiệp thì đây yếu tố quyết định sự sống còn.

Nếu coi doanh nghiệp như một thực thể sống thì vốn thường được ví là dòng máu. Vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp start-up gặp phải chính là huy động vốn để triển khai các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh. Ngoài việc các thành viên, đối tác cùng nhau góp vốn, vay mượn người thân, tổ chức tín dụng, thì các doanh nghiệp star-tup cũng hướng đến việc gọi vốn từ xã hội (các nhà đầu tư, quỹ tài chính…).

Startup gọi vốn và pháp lý trên cơ sở pháp lý và tiến trình thực hiện

Căn cứ Ðiều 123, Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty cổ phần (không phải đại chúng) có thể phát hành thêm cổ phiếu để chào bán cho các nhà đầu tư (không phải cổ đông hiện hữu) nhằm tăng vốn điều lệ và thu lại thặng dư cổ phần (chênh lệch giữa giá bán cổ phần thực tế so với mệnh giá cổ phần).

Như vậy, để thực hiện việc huy động vốn thông qua phương thức chào bán cổ phần riêng lẻ, doanh nghiệp star-tup phải tồn tại dưới hình thức công ty cổ phần.

Star-tup phải xây dựng phương án chào bán cho nhà đầu tư, đăng ký chào bán cổ phần riêng lẻ với cơ quan có thẩm quyền và có kế hoạch xử lý thặng dư cổ phần theo quy định.

Khi xây dựng và thực hiện phương án chào bán cổ phần riêng lẻ, xử lý thặng dư cổ phần, doanh nghiệp cần dựa trên các quy định tương tự tại Nghị định 58/2012/NÐ-CP, Nghị định 60/2015/NÐ-CP, Thông tư 162/2015/TT-BTC và Thông tư 19/2003/TT-BTC.

Tiến trình thực hiện việc chào bán cổ phần riêng lẻ thực hiện như sau:

– Ðầu tiên, doanh nghiệp phải xây dựng phương án chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư mới để đại hội cổ đông hiện tại xem xét thông qua. Phương án chào bán phải nêu rõ số cổ phần được phát hành thêm, danh sách nhà đầu tư dự kiến, phương thức xử lý trong trường hợp không bán hết, hoặc nếu có thặng dư cổ phần.

– Sau khi được đại hội cổ đông thông qua, doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ tại Sở Kế hoạch và Ðầu tư trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày công ty ra quyết định chào bán riêng lẻ. Sau 5 ngày làm việc, nếu Sở Kế hoạch và Ðầu tư không có ý kiến phản đối thì công ty được thực hiện chào bán.

– Doanh nghiệp ký hợp đồng chào bán cổ phần với các nhà đầu tư, giá bán – giá mua cổ phần là do các bên tự thoả thuận. Trong trường hợp giá bán cao hơn mệnh giá cổ phần, làm phát sinh thặng dư cổ phần (thặng dư vốn) thì phần thặng dư sẽ được xử lý theo quy định tại phương án phát hành cổ phần chào bán riêng lẻ đã đăng ký với Sở Kế hoạch và Ðầu tư.

– Quá trình chào bán hoàn tất, hội đồng quản trị phải ban hành quyết định tăng vốn điều lệ dựa trên số cổ phần bán được, phương thức xử lý cổ phần chưa bán hết và việc xử lý thặng dư cổ phần (nếu có).

– Trong vòng 10 ngày kể từ ngày hoàn tất chào bán, doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký với Sở Kế hoạch và Ðầu tư về việc thay đổi vốn điều lệ và cập nhật lại tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông sáng lập.

– Sau khi tăng vốn điều lệ, doanh nghiệp phải soạn thảo và ban hành sổ cổ đông mới, giấy chứng nhận cổ phần vốn góp cho các cổ đông (bao gồm các cổ đông mới thông qua việc mua cổ phần chào bán).

Startup gọi vốn và pháp lý: Cần lưu ý những gì? Tiến trình thực hiện ra sao?

Các vấn đề pháp lý cần chú ý

Việc huy động vốn có tác động quan trọng đến tiến trình phát triển của doanh nghiệp, tuy nhiên, các sáng lập viên star-tup cần am hiểu các quy định pháp luật liên quan, để tránh các rủi ro pháp lý về sau. Cụ thể, các sáng lập viên start-up cần chú ý những vấn đề pháp lý sau:

Thứ nhất là việc thỏa thuận khung xác lập đầu tư. Thông thường, thỏa thuận này được doanh nghiệp ký với nhà đầu tư trước khi thực hiện chào bán.

Ý nghĩa của nó là việc xác nhận quyết tâm mua cổ phần của nhà đầu tư khi doanh nghiệp triển khai phương án chào bán, có thể được đảm bảo bằng một khoản tiền cụ thể (sau này có thể khấu trừ vào tiền mua cổ phần).

Thứ hai là thời gian thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ. Trong mẫu thông báo chào bán riêng lẻ theo quy định, hiện không thể hiện ngày kết thúc của đợt chào bán.

Tuy nhiên, trong thực tế, Sở Kế hoạch và Ðầu tư vẫn có quyền yêu cầu xác định ngày kết thúc đợt chào bán. Do đó, trong phương án chào bán phải xác định rõ thời điểm kết thúc đợt chào bán.

Thứ ba là vấn đề quảng bá thông tin chào bán. Theo quy định pháp luật liên quan, doanh nghiệp không được quảng cáo, quảng bá việc chào bán cổ phần riêng lẻ. Danh sách nhà đầu tư mua cổ phần chào bán riêng lẻ mặc định là đã được doanh nghiệp xác lập cụ thể.

Thứ tư là khoảng cách giữa các đợt chào bán. Theo quy định, các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng.

Thứ năm là hợp đồng chào bán cổ phần. Hợp đồng chào bán cổ phần chỉ được ký và thực hiện sau khi thông báo đăng ký chào bán nộp Sở Kế hoạch và Ðầu tư được chấp thuận, không bị phản đối.

Thứ sáu là giá bán, giá mua cổ phần thực tế có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với mệnh giá cổ phần quy định, do các bên tự thoả thuận với nhau.

Thứ bảy là số lượng thực tế cổ phần chào bán thành công. Theo quy định, doanh nghiệp phải có phương án điều chỉnh trong trường hợp không bán hết khi đã kết thúc thời điểm chào bán. Do đó, cần phải làm báo cáo điều chỉnh gửi Sở Kế hoạch và Ðầu tư kèm theo hồ sơ đăng ký thay đổi vốn điều lệ sau khi chào bán.

Thứ tám là thặng dư cổ phần. Ðây là phần chênh lệch giữa giá bán thực tế với mệnh giá cổ phần, được hạch toán vào tài khoản vốn của công ty và được công ty sử dụng vào hoạt động sản xuất – kinh doanh theo phương án chào bán. Sau 1 năm kể từ ngày chào bán, công ty có thể phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ bằng giá trị phần thặng dư đó, tỷ lệ cổ phần tăng thêm cho các cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần họ đang sở hữu.

Với những chia sẻ căn bản như trên, hy vọng nội dung này hữu ích cho doanh nhân, doanh nghiệp star-tup chưa phải là đại chúng.

 

Nguồn:  Báo Diễn đàn doanh nghiệp dẫn theo Báo Tin nhanh chứng khoán

Link bài: startup gọi vốn…

(https://enternews.vn/start-up-goi-von-va-phap-ly-can-luu-y-nhung-gi-tien-trinh-thuc-hien-ra-sao-178608.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *