Start-up cần chọn “người hướng dẫn”, đừng chọn “ông chủ”

Tạ Phúc/ Báo Đầu Tư

Các bạn trẻ khởi nghiệp gửi thư hỏi tui rất nhiều về chuyện huy động vốn, tui cũng trả lời cho các bạn, trong đó nêu quan điểm rõ ràng là không chỉ là tìm nguồn tài chính mà tìm bạn đồng hành.

Bởi vì, nếu chỉ là người bỏ vốn, họ chỉ chăm chăm vào chuyện lợi ích, không quan tâm đến sự lo toan, khổ sở, vất vả của bạn. Thậm chỉ họ nghĩ họ là ông chủ, bỏ vốn ra để sai khiến bạn, khiển trách bạn, đổ lỗi cho bạn nếu gặp thất bại.

Cho nên khi khởi nghiệp, không chỉ là chuyện tìm nguồn tiền, mà là tìm người bạn. Bạn trong cuộc đồng hành này là “tri âm, tri kỷ”, hiểu mình, lắng nghe mình, chia sẻ với mình.

Trên thị trường vốn, có nhiều cá nhân, tổ chức, quỹ đầu tư, nhưng không phải ai cũng có thể là bạn đồng hành.

Start up phải tìm cho được nhà đầu tư có sự hiểu biết sâu sắc về chuyên môn mà mình đang sản xuất kinh doanh. Khi nhà đầu tư biết rõ về sản phẩm, công nghệ, cộng thêm với kinh nghiệm thị trường, sẽ tư vấn cách đi cho bạn, tránh được nhiều rủi ro, tránh mất sức, mất thời gian.

Khi bạn gặp khó khăn, nhà đầu tư cũng là bạn đồng hành đó sẽ lắng nghe, tìm cách hỗ trợ bạn vượt qua, bởi vì họ không chỉ là người bỏ tiền, mà là người bạn.

Đã là bạn thì sống kết có nhau, đồng tâm hiệp lực, khi đó mới tạo nên sức mạnh.

Chưa kể, có những người bạn là nhân tài, có trí tuệ, sẽ tư vấn cho bạn nhiều “chiêu” tuyệt vời mà mình không thể nghĩ ra.

Đừng quên câu: “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư”.

Trần Quí Thanh

—–

Start-up có nhu cầu, mục tiêu phát triển riêng và cần hướng đến nhà đầu tư có thế mạnh phù hợp, nhưng cần lưu ý chọn lựa nhà đầu tư sẵn sàng đồng hành, chứ không phải áp đặt.

Tìm nhà đầu tư phù hợp cho từng giai đoạn

Đối với start-up, việc tìm kiếm nhà đầu tư rót vốn cũng giống như tìm kiếm đối tác kinh doanh – những người sẽ trở thành đồng sở hữu công ty.

Theo đó, các start-up cần tìm kiếm đối tác có thế mạnh trong lĩnh vực mà mình đang hoạt động để giúp xây dựng, hoàn thiện sản phẩm, mở rộng thị trường, cải thiện mạng lưới đối tác tiềm năng… Đặc biệt, một trong những điều quan trọng mà start-up cần hướng đến là tìm được nhà đầu tư có sự hòa hợp, có chung tầm nhìn về tương lai của công ty.

Về phía các nhà đầu tư, khi quyết định rót vốn cho start-up, họ cũng muốn rằng, vốn đầu tư không phải thứ duy nhất mà đội ngũ sáng lập/lãnh đạo công ty khởi nghiệp đang tìm kiếm.

Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, các bên đều mong muốn hỗ trợ nhau để cùng đạt được thành công. Start-up có ý tưởng, có đội ngũ thực thi, còn nhà đầu tư có nguồn lực để thương mại hóa sản phẩm và hình thành các mối quan hệ…

Vũ Duy Thức, sáng lập OhmniLabs (start-up chuyên cung cấp robot chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, được nhiều quỹ đầu tư rót vốn như 500 startups, Monk’s Hill Ventures, Fuel Venture Capital) cho rằng, khi tìm kiếm nhà đầu tư, start-up cần chọn lựa kỹ càng, cần chọn những nhà đầu tư sẵn sàng đồng hành giải quyết các vấn đề.

“Tìm nhà đầu tư là chọn mặt gửi vàng. Nên chọn nhà đầu tư đồng hành, sẵn sàng thức đêm cùng start-up giải quyết vấn đề. Đây là điều rất quý mà tôi nhận được từ Fuel Venture Capital và Giám đốc đầu tư Võ Vũ Thùy My”, Thức chia sẻ.

Thực tế, mỗi start-up đều có những vấn đề khác nhau cần giải quyết trong từng giai đoạn.

Theo bà Võ Vũ Thùy My, với start-up đang trong giai đoạn tạo sản phẩm, thì cần tìm nhà đầu tư có thế mạnh về sản phẩm và công nghệ liên quan. Nhưng khi đã định hình rõ mô hình kinh doanh, sản phẩm và bước đến giai đoạn huy động vốn, thì start-up cần đẩy mạnh tiếp thị bán hàng và cần tìm kiếm nhà đầu tư có lợi thế trong lĩnh vực này cùng các mối quan hệ rộng khắp.

Tìm hiểu kỹ về nhà đầu tư

Trước khi quyết định đầu tư vào bất kỳ start-up nào, các quỹ đầu tư không chỉ đánh giá dựa trên quy mô thị trường mà

start-up đó đang hoạt động, hay báo cáo tài chính, báo cáo thuế của start-up, mà còn tìm hiểu về tính cách, thậm chí những câu chuyện riêng tư của đội ngũ chủ chốt trong công ty.

Thế nên, khi gọi vốn, các nhà sáng lập nên nhìn xa hơn, thay vì chỉ tập trung thuyết phục để nhà đầu tư chuyển tiền.

Bà Monica Mehta, Phó chủ tịch điều hành Mạng lưới Doanh nhân quốc gia tại tổ chức phi lợi nhuận Wadhwani Foundation (Ấn Độ) cho rằng, start-up cần nghiên cứu chi tiết về nhà đầu tư, như quy mô, các khoản đầu tư gần đây của họ, mối quan hệ của họ với các công ty trong danh mục đầu tư, giá trị mà họ mang đến cho các start-up được rót vốn…

Đặc biệt, bà Monica Mehta nhấn mạnh, điều quan trọng là start-up phải đảm bảo, nhà đầu tư đó phù hợp với sứ mệnh và tầm nhìn của mình.

“Trước khi ký kết và chấp nhận khoản đầu tư phù hợp từng giai đoạn phát triển, hãy tìm hiểu những người thụ hưởng hiện tại của họ nói gì về họ, mức độ đòi hỏi của họ trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày. Và điều quan trọng không kém là họ phải đóng vai trò ‘người hướng dẫn’ hơn là ‘ông chủ’ của start-up”, bà Monica Mehta chia sẻ.

Hành trình khởi nghiệp có rất nhiều thăng trầm, nên tìm kiếm được nhà đầu tư không rời bỏ start-up trong thời gian khó khăn là điều rất quan trọng. 

Start-up cũng cần tìm hiểu về “sức khoẻ tài chính” của quỹ đầu tư. Nếu “sức khỏe tài chính” của nhà đầu tư không tốt, có nghĩa là, họ đang phải chịu áp lực rất lớn và có thể bỏ mặc công ty khởi nghiệp mà họ đang đầu tư.

NGUỒN:  Theo Báo Đầu Tư

Link bài: Start up…

https://baodautu.vn/start-up-can-chon-nguoi-huong-dan-dung-chon-ong-chu-d143695.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *