Start-up tăng trưởng nóng hay phát triển bền vững?

Tú Ân/ Báo Đầu Tư

Không có mô hình chung cho thành công của các start-up, mà mỗi start-up phải tìm con đường riêng cho mình

Khi đặt ra câu hỏi tăng trưởng nóng hay phát triển bền vững thì khó có ai trả lời theo cách nào là đúng nhất.

Như tui thường chia sẻ với các bạn start up, không có mô hình nào chung cho tất cả, cuộc sống thiên biến vạn hóa, mỗi ngành nghề kinh doanh có đặc thù khác nhau, cá nhân mỗi doanh nhân có sự mạnh yếu khác nhau, vậy thì phải tùy từng người để chọn cách đi trên thị trường.

Có một điều rất vui, đó là trong năm 2020, dù dịch bện hoành hành, nhưng đã có 33 quỹ đầu tư cam kết rót 815 triệu USD vào lình vực khởi nghiệp tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Điều này cho thấy, thế giới vẫn bình tĩnh đi trong đại dịch, các nhà đầu tư vẫn quan sát và tìm ra các start up có triển vọng nhất để bỏ tiền ra. Vậy thì, vấn đề còn lại là nỗ lực của cá nhân, hoàn cảnh chỉ là thứ yếu.

Trở lại với câu hỏi đặt ra trên, theo tui, các start up hãy đánh giá thật chính xác về năng lực cá nhân và sản phẩm khởi nghiệp, từ đó mới đưa ra được chiến lược phát triển phù hợp. Tăng trưởng nóng hay không là tùy theo năng lực doanh nghiệp và độ “hot” sản phẩm, không phải do mình thích hay không thích.

Còn nếu không đủ bản lĩnh, thì chọn cách đi an toàn hơn, đi từng bước thật chắc, phát triển chậm nhưng hạn chế được rủi ro.

Có thể các nhà đầu tư sẽ không thấy bắt mắt với các start up tăng trưởng chậm, họ không muốn bỏ tiền để chờ đợi quá lâu cho câu trả lợi về lợi nhuận. Nhưng tui vẫn tin rằng, có những nhà đầu tư có tầm nhìn xa, họ rất cần start up có chiến lược, kiên định với mục tiêu của mình.

Trần Quí Thanh

 —–

Đó là câu hỏi đặt ra cho đại đa số start-up, bởi mỗi con đường đều có “cây gậy và củ cà rốt”.

Đi theo mô hình nào?

Trên thế giới, những start-up lớn như WeWork, Greensill, Katerra, hay tại Việt Nam, các start-up như The Kafe, WeFit, Soya Garden với chiến lược “tăng trưởng bằng mọi giá”, phát triển nóng đã bị gục ngã, khiến cộng đồng khởi nghiệp “lạnh sống lưng”. Nhưng các quỹ đầu tư lại thường nhắm đến các start-up tăng trưởng tối thiểu là 20 lần trong vòng 4 – 5 năm, còn nếu chỉ tăng trưởng vài lần thì họ không chú ý, bởi vốn và quy mô ban đầu của các start-up đều nhỏ. Đó là vấn đề làm đau đầu các start-up khởi nghiệp.

Tại Hội thảo trực tuyến “Hướng đi cho start-up: Tăng trưởng nóng hay bền vững?” diễn ra giữa tuần này, ông Bùi Thành Đô, Founder & Partner ThinkZone Ventures nhận xét, gần đây, các start-up mà ThinkZone đầu tư đã tập trung vào giá trị cốt lõi nhiều hơn, họ coi việc tạo ra một công nghệ có lợi thế dẫn dắt có giá trị cốt lõi rõ ràng hơn, thay vì tạo ra một mô hình mua bán đơn thuần, sử dụng tiền của các quỹ đầu tư để tăng trưởng.

Hiện ThinkZone đang đầu tư vào một công ty quản lý về taxi, đây là công ty chưa từng tăng trưởng nóng vì doanh thu rất nhỏ, nhưng độ ảnh hưởng khá lớn khi tạo ra nền tảng cho 110 hãng taxi có thể điều vận chung và chia sẻ khách hàng với nhau. Đến bây giờ, 18 triệu lượt khách hàng đang sử dụng trên hệ thống công nghệ của họ. Start-up này cũng đang tạo ra mô hình đưa các tính năng gọi xe lên nền tảng như Momo hay Viettel Pay.

Bất chấp Covid-19, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường ưu tiên của các quỹ đầu tư mạo hiểm bởi tiềm năng khởi nghiệp, nhất là đổi mới sáng tạo rất lớn. Riêng tại Diễn đàn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam diễn ra cuối năm 2020, đã có 33 quỹ đầu tư cam kết rót 815 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.

ThinkZone cho biết, luôn ưu tiên về công nghệ lõi phải rất tốt, không cần lượng tiền quá lớn mà họ vẫn đang duy trì và tăng trưởng lượng người dùng, khách hàng.

Theo ông Bùi Thành Đô, dù những mô hình bền vững rất khó để gọi được vốn và nếu muốn gọi được thì họ phải chứng minh được team rất mạnh, có nhiều kinh nghiệm. Nhưng các nhà sáng lập đã có sự thay đổi lớn về cách tiếp cận, mô hình phát triển nóng để gọi vốn lớn, vốn nhanh đã giảm đi rất nhiều.

“Để tạo ra các start-up có công nghệ lõi tốt, chúng ta phải mất nhiều thời gian nghiên cứu hơn, đi sâu vào các vấn đề cốt lõi của thị trường, thay vì nghiên cứu quá nông. Quan điểm của tôi là tăng trưởng nóng và bền vững có thể đi kèm, nhưng chúng ta cần nghiên cứu kỹ hơn. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề cho một thị trường lớn, thì chúng ta hoàn toàn song hành cùng 2 yếu tố đó”, ông Thành Đô nêu quan điểm.

Dẫn câu chuyện của VNN AI, start-up tham gia và đạt giải Viet Solutions đầu tiên, hiện đã có những bước phát triển được nền tảng AI tương đối tốt, mở rộng lĩnh vực hoạt động để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, vào được ngân hàng, nhà mạng và một số đơn vị trong cơ quan chính phủ, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Viet Solutions 2021 nhận xét, các start-up hiện nay có xu thế cẩn trọng hơn và lựa chọn các mô hình phát triển bền vững. Họ tập trung vào các giá trị cốt lõi (core value) để tạo ra sự khác biệt mà không chạy theo những sự vụ xu thế của thị trường.

“Start-up vẫn có thể vừa tăng trưởng nóng, vừa bền vững. Ở cuộc thi Viet Solutions, chúng tôi cũng không đưa ra lựa chọn là start-up tăng trưởng nóng hay tăng trưởng bền vững”, ông Thanh cho biết.

Từ thực tế hoạt động của mình, ông Nguyễn Minh Đức, Founder Cyradar, Giải 3 cuộc thi Viet Solutions 2020 cho biết, định hướng của Cyradar ngay từ khi thành lập là áp dụng công nghệ mới để giải quyết các bài toán cũ, hướng Cyradar vào lĩnh vực hẹp là an toàn thông tin. Vì thế, kết hợp được cả 2 yếu tố phát triển nhanh và bền vững trong những giai đoạn nhất định là tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, lĩnh vực này đặc thù nên Cyradar ưu tiên phát triển bền vững.

Start-up nên làm gì trong bối cảnh mới?

Trên thực tế, tại Việt Nam, các doanh nghiệp đi theo mô hình tăng trưởng nóng bằng cách đốt tiền sẽ phải đối mặt với rủi ro. Vì duy trì doanh nghiệp bằng cách đốt tiền để lấy khách hàng tuy tăng trưởng nhanh, nhưng khi thị trường biến động, các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn trong việc đầu tư mạo hiểm thì nguồn đầu tư vào các dự án đó cũng giảm xuống. Nhưng nếu làm kiểu “chậm chắc” thì không lọt mắt xanh của các ông lớn nhà đầu tư. Chính vì thế, để start-up thành công, không có mô hình chung cho tất cả, mà mỗi start-up phải tìm con đường riêng cho mình.

“Ở góc nhìn của tôi, thế mạnh của người Việt là linh hoạt và đánh du kích, cho nên tôi nghĩ rằng, mình lựa chọn thế mạnh và lối đi ngách để tìm hướng đi an toàn thì sẽ phù hợp hơn là đốt tiền. Các start-up nên xác định thế mạnh cốt lõi là gì và tập trung làm thật tốt giá trị cốt lõi đó. Đây chính là điều giúp tạo ra sự khác biệt. Nếu giữ được giá trị cốt lõi thì các công ty lớn sẽ tự tìm đến để hợp tác khi họ nhìn thấy sự khác biệt”, ông Nguyễn Chí Thanh nhận xét.

Nhấn mạnh, start-up không nên sốt ruột, ông Nguyễn Minh Đức nói: “Theo tôi, mỗi công ty cần đặt mục tiêu cho từng giai đoạn. Ví dụ mục tiêu là gọi vốn, để đạt mục tiêu đó phải kiên định. Tuy có thể không thành công ngay từ đầu, nhưng phải kiên trì đừng sớm bỏ cuộc”.

Còn ông Bùi Thành Đô thì khuyến nghị các start-up hãy tập trung, tập trung hơn nữa vào nghiên cứu khách hàng, sản phẩm, làm việc với đối tác. Đừng mất thời gian vào những vấn đề bên ngoài. Biết rõ mình cần làm gì, để hướng đến mục tiêu lớn hơn.

NGUỒN:  Theo Báo Đầu Tư

Link bài: Start up…

https://baodautu.vn/start-up-tang-truong-nong-hay-phat-trien-ben-vung-d149409.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *