Thị Hồng/ Báo Đầu Tư
Trong đợt dịch này, các bạn gửi thư trao đổi, tập trung nhiều về nội dung nguồn nhân lực. Nhiều bạn chia sẻ suy nghĩ, cho thấy có nhận thức rất mạnh mẽ về yếu tố con người trong khởi nghiệp.
Như tui đã trả lời thư với nhiều bạn xưa nay, cũng viết khá nhiều bài về tầm quan trọng của nhân lực đối với các nhà khởi nghiệp. Không phải riêng tui, mà nhiều lý thuyết gia khác cũng viết không ít sách vở để nói về chuyện này.
Biết rằng con người là trung tâm, là cốt lõi cho mọi thành công, nhưng như thế nào là người giỏi không phải đơn giản, vì nó phải phù hợp với từng lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp, đặt sai chỗ thì người giỏi sẽ bị hạn chế, không phát huy hết năng lực.
Thôi thì các vị trí khác nhau trong một doanh nghiệp, cứ tìm người giỏi chuyên môn đặt vào đúng vị trí là ổn, nhưng start up cần người xuất sắc thì mới bứt phá lên được.
Đó là người có tầm vóc quốc tế, có kỹ năng hội nhập, có phông văn hóa đa quốc gia, có tư duy chiến lược toàn cầu.
Chỉ có những nhân vật cỡ này mới tiếp cận được với các quỹ đầu tư, nhà đầu tư, thuyết phục sự tham gia của họ bằng chính tài năng cá nhân của mình.
Chỉ có những nhân vật cỡ này, mới mang chuông đi đánh xứ người, phát triển sản phẩm ra khỏi biên giới quốc gia.
Tất nhiên, người xuất sắc trong thiên hạ không phải dễ kiếm, tìm ra rồi không phải dễ sử dụng. Cho nên, start up tài giỏi chính là tìm ra được những nhân vật tài năng tầm cỡ và sử dụng được họ.
Trần Quí Thanh
—–
Một số thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, song với nhiều start-up, vẫn còn nhiều bài toán khó về quản trị, đặc biệt liên quan đến nguồn nhân lực.
Thiếu start-up có “lối ra” rõ ràng
Trở về Việt Nam hơn 10 năm trước, bà Thái Vân Linh, Giám đốc điều hành TVL Group nhận thấy hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước còn non trẻ, chưa có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm. Còn hiện nay, Việt Nam đã có đủ điều kiện cho một hệ sinh thái khởi nghiệp thành công với những vườn ươm khởi nghiệp, các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm… Các start-up Việt hiện đã trưởng thành và thực tế hơn về cách xây dựng, phát triển một công ty khiến bà Linh cho rằng, đầu tư ở Việt Nam có tiềm năng phát triển và nhiều cơ hội hơn trong cuộc đua đường dài.
Ở một góc nhìn thực tế hơn, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Sài Gòn (SAM) thẳng thắn cho rằng, hệ sinh thái này vẫn chưa thể gọi là hoàn thiện. Theo ông, khi tham gia một thị trường, ngay cả khi có tốc độ tăng trưởng tốt, các start-up cũng cần chứng minh họ đã có “lối ra” thành công với bội số tốt để thu hút nhà đầu tư. Nhắm đến các start-up có chiến lược tấn công thị trường khu vực, ông Louis Nguyễn luôn muốn chọn các các nhà sáng lập có cách “hạ cánh” rõ ràng cho dự án.
Các doanh nghiệp ở Việt Nam có tiềm năng công nghệ cao nhưng chưa đủ khả năng tiếp thị, tạo thông điệp và truyền đạt thông tin đáng tin cậy đến khách hàng. Bà Linh cho rằng, sự thiếu sót về các kỹ năng mềm là rào cản cho doanh nghiệp Việt khi muốn chiếm lĩnh thị trường nội địa hay vươn ra nước ngoài.
Trong khi đó, ông Louis Nguyễn nhận định, khi một doanh nghiệp sở hữu công nghệ đột phá, mang tính toàn cầu hay đảm bảo được quyền lợi cho nhà đầu tư, thì danh tiếng hoạt động tốt sẽ thu hút được nhà đầu tư tiềm năng. Đó là câu chuyện “trước khi tiếp thị”. Và để có thể tiếp cận được thị trường lớn, trước hết, doanh nghiệp phải nghĩ một cách nghiêm túc đến rào cản gia nhập, cụ thể là quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ nhà đầu tư.
Việc doanh nghiệp sở hữu độc quyền một sản phẩm hay sao chép từ một mô hình thành công nào đó chỉ là giai đoạn đầu, trong khi để thực sự tạo ra giá trị và phát triển dài hạn, họ cần có vốn và khả năng thực thi từ đội ngũ nòng cốt.
Con người vẫn là cốt lõi
Dù là yếu tố tiếp thị hay công nghệ, thì theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, vấn đề cốt lõi trong rào cản doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới chính là con người.
Một doanh nghiệp mạnh là khi mỗi cá nhân đều là yếu tố quan trọng quyết định hướng đi của doanh nghiệp. Để tiếp cận tốt thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần có những thành viên am hiểu về văn hóa thị trường đang hướng đến. Ví dụ, để thu hút được các nhà đầu tư tại châu Âu, châu Mỹ, thì doanh nghiệp châu Á phải có người phát ngôn vững về tiếng Anh và am hiểu văn hóa bản địa.
Việc sở hữu những nhân tố có thực lực và đã trải nghiệm lâu dài tại môi trường bản địa sẽ giúp doanh nghiệp có chiếc cầu nối vững chắc với các nhà đầu tư và sự thấu hiểu từ họ. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác với doanh nghiệp là tính minh bạch trong tổ chức.
Ông Louis Nguyễn nhận định, một trong những rào cản lớn nhất của các start-up Việt là bài toán trong khâu quản trị, như sự không thẳng thắn trong phân bố nhiệm vụ và chế độ phúc lợi. Chẳng hạn, doanh nghiệp có một người kiêm nhiệm nhiều công việc và hoàn thành KPI cho các đầu việc được giao, nhưng không trả công xứng đáng cho họ khiến nhân viên rất dễ có tâm lý ngại cống hiến.
Ngoài ra, chỉ khi nội bộ có đội ngũ thực sự hiểu mô hình kinh doanh thì họ mới có thể đưa ra những nhận định phù hợp nhất khi đưa start-up thâm nhập một thị trường có văn hoá hoàn toàn khác.
Bà Thái Vân Linh cho rằng, start-up không nên cố gắng tiến vào nhiều thị trường cùng một lúc. Điều này cũng tương tự việc tìm kiếm nhà đầu tư. Để có thể thu hút nhà đầu tư tiềm năng, doanh nghiệp phải xác định được “khẩu vị” của nhà đầu tư đó và thuyết phục họ bằng những gì mà họ muốn nghe.
NGUỒN: Theo Báo Đầu Tư
Link bài: Start- up…
https://baodautu.vn/start-up-