Sự học đích thực là hành trình đi tìm cái mới

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Tạp chí Tuyên giáo

—–

Mấy hôm nay theo dõi tin tức trên báo đài, tui có một niềm vui thực sự, đó là đa số giáo viên đánh giá cao chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là một chương trình giáo dục hiện đại, không nặng về lý thuyết, mà chú trọng thực hành.

Một điểm rất mới khác, đó là đối với chương trình giáo dục tiểu học, giáo viên chọn sách để dạy, chủ động hoàn toàn cách dạy, cái đích đến là hoàn thành chương trình. Cách này sẽ khuyến khích giáo viên sáng tạo, không bị đóng khung, xơ cứng trong khuôn khổ đã được đúc sẵn.

Cô giáo Nguyễn Thị Anh Lương, trường Trung học phổ thông chuyên Lý Tự Trọng, thành phố Cần Thơ nêu ý kiến trên báo Giáo Dục Việt Nam rằng: “Các khái niệm trong chương trình được chuẩn hóa và sử dụng chính xác hơn. chương trình giáo dục phổ thông mới còn cập nhật những mảng kiến thức hiện đại của thế giới, giúp giáo dục Việt Nam có tính hòa nhập, tương đồng với các nền giáo dục tiên tiến quốc tế. Đó là sự tiến bộ rất lớn”.

Thầy cô giáo đều mong ước có những đổi mới thực sự trong giáo dục, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên tiếp cận được kiến thức mới, theo kịp sự tiến bộ của giáo dục thế giới. Và qua đó, thay đổi được cách dạy, cách học, bản chất của giáo dục chính là chỗ này.

Nói cụ thể hơn, giáo dục không phải là áp đặt một chiều, chỉ có cô giáo nói lý thuyết, học sinh ghi chép. Giáo dục phải tương tác hai chiều, thầy cô không chỉ cung cấp kiến thức, mà gợi mở, để học sinh chủ động tiếp cận, khai phá tri thức.

Cách dạy mới không phải là khai thác trí nhớ, tầm chương trích cú, mà phát huy sáng tạo, độc lập suy nghĩ, rèn luyện một bộ não luôn hướng đến việc tìm ra cái mới.

Nhớ cái cũ để làm gì khi ở kỷ nguyên số, nó đã được lưu giữ không thiếu một thông tin nào, chỉ cần một cái click là có đầy đủ. Nhân loại cần cái mới, học để phát minh, để sáng tạo, đó mới là mục đích của sự học.

Muốn đào tạo nên một thế hệ như vậy, thì ngay từ cấp tiểu học, phải có một chương trình giáo dục mang tính sáng tạo, và đã có một thời, chúng ta gọi là nền giáo dục khai phóng.

Giáo dục phổ thông rèn cho học sinh cách học chú trọng thực hành, thì mới có một thế hệ sinh viên đại học ưu tú. Lúc đó, đại học không phải là ngồi ghi chép lý thuyết cũ rích, mà là một cuộc hành trình đi tìm cái mới.

Lúc đó, sinh viên không phải “đồng phục tư duy”, mà là những cá nhân suy nghĩ độc lập.

Trần Quí Thanh

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *