Sự khác biệt không phải dành cho nhà sản xuất mà là phục vụ cộng đồng

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: kinhdoanhvaphattrien.vn

Thưa bác Trần Quí Thanh,

Cháu không ngờ bác đã trả lời cho cháu rất nhanh (Bài: “Doanh nghiệp gia đình nhưng không đem quan hệ gia đình vào doanh nghiệp” ạ.) Cảm ơn bác rất nhiều.

Cháu tiếp tục gửi bác vấn đề này ạ, đó là sự khác biệt. Đề tài thường xuyên trong các bữa cơm tối nhà cháu. Ai cũng biết sự khác biệt là chìa khoá của thành công trong kinh doanh (đặc biệt với các nhà khởi nghiệp) nhưng khác biệt thế nào mới được trở thành chìa khoá thành công? Không phải cứ làm khác người ta, làm ngược người ta mà được.

Vậy xin bác cố vấn cho gia đình cháu vấn đề này ạ: Khi nào thì cần sự khác biệt, và sự khác biệt đó nên thế nào thì tốt.

Kính chúc bác vui, khoẻ ạ.

Lê Thị Trung (Tp. Vinh): trung_tranthi_vinh@gmail.com

—–

Lê Thị Trung mến !

Ai cũng có thể nói ra được rằng, phải tạo được sự khác biệt thì mới hơn người, nhưng sự khác biệt như thế nào thì không phải ai cũng biết. Và ngay cả khi biết được thì cũng chưa chắc đã làm được, giữa “tri” với “hành” là một khoảng cách không dễ vượt qua.

Rõ ràng, khi một sản phẩm đã có trước trên thị trường, nếu cháu cũng sản xuất ra sản phẩm tương tự như vậy thì khó có thể thành công. Thay đổi màu sắc, nhãn hiệu lòe loẹt hơn, hay cái logo, slogan sính ngoại hơn, đó chẳng có gì là khác biệt. Nếu đưa ra giá thành thấp hơn thì cũng không phải là khác biệt, mà chỉ là một hình thức cạnh tranh về giá.

Trước đây, người ta chủ yếu sử dụng máy ảnh cơ, nhưng rồi máy ảnh kỹ thuật số ra đời, đó chính là sự khác biệt.

Trước đây, người ta sử dụng điện thoại di động bàn phím chữ và số với tính năng đơn giản, nhưng bây giờ điện thoại thông minh với nhiều chức năng giúp cho con người làm việc trong kỹ nguyên số, đó chính là sự khác biệt.

Bác đưa ra hai ví dụ mà các nhà sản xuất lừng danh để lại ấn tượng mạnh trong trí não nhân loại, từ đó giúp cháu nghĩ lớn, nghĩ khác và tự tìm ra định nghĩ về sự khác biệt cho chính mình. Từ đó, vận dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ cụ thể của cháu.

Khác biệt nhưng tôn trọng những chuẩn mực chung, không thể bày ra những thứ làm “nổi” như showbiz, ồn ào gây tò mò cho vui nhưng không ai sử dụng. Ví dụ như một bộ váy hở hang của cô người mẫu chỉ có thể dùng cho một người thích gây sự chú ý, nhưng nó không thể là sản phẩm thương mại hóa trên thị trường.

Tạo ra sản phẩm khác biệt, nhưng lưu ý đối tượng tiếp nhận là người tiêu dùng, không phải phục vụ cho nhà sản xuất.

Nếu cháu say sưa tìm ra sự khác biệt theo suy nghĩ của cháu, phục vụ thị hiếu và cảm xúc của riêng cháu, mà không tính tới nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng thì sản phẩm làm ra chỉ bán cho cháu mà thôi.

Chúc cháu thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *