Cuộc sống gia đình Dr. Thanh và cách nuôi dạy con cái thành đạt

Hồng Nga/ Báo Gia đình & Trẻ em

Câu nói “Thuận vợ, thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn” là dẫn chứng đúng nhất về mối tình đẹp giữa ông Trần Quí Thanh và bà Phạm Thị Nụ. Thú vị hơn nữa, khi mối tình đó lại chính là chìa khóa để mở cánh cửa thành công của Tân Hiệp Phát. Tình yêu dài lâu và nồng đượm của cặp đôi Dr. Thanh và Madam Nụ đang được cộng đồng lan truyền mấy ngày nay.

Phía sau thành công của Tân Hiệp Phát, Dr. Thanh là bà Phạm Thị Nụ – người phụ nữ yêu thương chồng con với tình cảm vô bờ bến. 40 năm một cuộc tình cùng nhau trải qua đầy đủ cay đắng, “cặp song kiếm hợp bích” ông Trần Quí Thanh và bà Phạm Thị Nụ vẫn nắm chặt tay nhau để viết tiếp câu chuyện cổ tích mang tên Tân Hiệp Phát. Sự gắn kết và yêu thương đó đã tạo nên “Hạnh phúc kiểu Dr.Thanh”, và đủ để truyền cảm hứng cho rất nhiều người. 

Tạp chí Gia đình & Trẻ em có dịp được trò chuyện cùng ông bà Dr. Thanh về cuộc sống gia đình và cách nuôi dạy con cái thành đạt, nên người. 

Cặp đôi “song kiếm hợp bích” trời sinh Dr. Thanh – Madam Nụ

“Thuận vợ, thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn”

Tất cả mọi người đều ngưỡng mộ tình yêu sắt son của hai ông bà trong suốt 40 năm qua. Mối lương duyên nào đã đưa chàng trai Quí Thanh và cô gái Nụ gặp nhau để rồi kết thành đôi lứa đẹp như vậy? 

Bà Phạm Thị Nụ: Hồi xưa, xin việc vào cơ quan nhà nước khó lắm mà doanh nghiệp tư nhân lúc ấy chưa có nên tôi buộc phải ra mua bán đường. Thời điểm ấy nhiều người đánh giá tôi đẹp nhất chợ Bà Chiểu, đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều mối đến mua đường. Nhiều người đến vì muốn mua nhưng cũng có nhiều người lấy lí do mua đường để gặp tôi. Họ còn đến dọn dẹp cửa hàng giúp tôi. Ông Thanh là một trong số khách đến mua đường của tôi. Ông Thanh là 1 khách hàng khá là đặc biệt khiến tôi ấn tượng, ông không chỉ rất đẹp trai mà còn lịch sự, ga lăng nữa. Chiều là ông đến dọn phụ tôi, sau đó ông dắt tôi ăn kem, đi lòng vòng chút rồi về. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng rủ nhau đi coi phim, hay đi chơi núi Bửu Long. Chính vì thế tôi vừa là nhà cung cấp của ông vừa là bạn gái của ông.

Chàng trai Trần Quí Thanh và cô gái Nụ hồi trẻ

Sau thời gian dài, vượt qua nhiều khó khăn, rào cản, thậm chí là từ cả gia đình, tôi chính thức kết hôn với ông khách mua đường của tôi, mà người ta hay gọi là Thanh Râu vào năm 1979 và rồi chúng tôi mới ra làm đường và bắt đầu khởi nghiệp.

Khi lần lượt ba người con ra đời, khó khăn ập tới, khó tránh khỏi “xô bát, xô đũa”, vợ chồng ông bà đã xử lý khôn khéo thế nào để luôn là mái ấm hạnh phúc và luôn trân trọng nhau?

Ông Trần Quí Thanh: Khi mình chọn một người vợ làm người bạn đời là phải chọn người cùng chung chí hướng, cùng hoài bão, cùng giá trị cốt lõi thì mới có thể bổ sung, bù đắp cho nhau. Những lúc vui thì dễ dàng rồi, nhưng có những lúc gặp gian truân thì vợ chồng phải biết chia sẻ và bổ sung cho nhau, giúp nhau vượt qua khó khăn. Trong kinh doanh có những cái mà chúng ta hài lòng và không hài lòng, thì chúng ta cũng phải nhìn thẳng vấn đề để cùng nhau tìm ra giải pháp, chứ không ngồi đổ lỗi, không ngồi chê trách thì đó là quan điểm khiến cho sự bền vững trong gia đình và người bạn đời của mình để hỗ trợ cho mình làm được điều tốt nhất.

Ông bà Dr. Thanh và hai người con gái

Đưa ra những chương trình khắc nghiệt để đào tạo, rèn luyện con cái thành tài

Những người con của ông bà thật sự tài năng, nổi bật nhất là người con gái đầu lòng – chị Trần Uyên Phương – được mệnh danh là cô gái tỉ đô, hiện là Phó TGĐ Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Trong quá trình nuôi dưỡng, phương pháp giáo dục con trở thành tài năng của ông bà là gì?

Ông Trần Quí Thanh: Muốn cho con thành nhân tài thì không có cách nào khác là phải huấn luyện. Huấn luyện nào mà không gian khổ và vất vả. Đôi khi, huấn luyện phải thật đau đớn, đó mới là cách thương con và dạy con. Phụ nữ thương con là muốn cho con mình ăn ngon, mặc đẹp, muốn cho con mình được mọi sự thuận lợi dễ dàng, có nhiều điều kiện, cho nên nhiều khi tôi đưa ra những chương trình khắc nghiệt để đào tạo, rèn luyện cho con cái thì vợ tôi nóng ruột. Thậm chí có khi bà quay sang hỏi tôi: “Có phải con anh không mà sao để nó vất vả thế?”. Muốn cho con biết bơi chẳng có cách nào khác, chỉ có cách đạp nó xuống nước thôi. Uống vài ba ngụm nước, tập tễnh tập tễnh rồi từ từ nó sẽ biết bơi. Chứ còn ta cứ đứng trên bờ ta dạy lý thuyết bơi là phải thế này, quơ tay như thế kia thì nó không thể biết bơi được đâu. Mọi thứ rèn luyện, đào tạo, huấn luyện thì đều phải mệt nhọc, vất vả và đôi khi phải đau đớn.

Nụ cười hạnh phúc luôn ấm áp trong gia đình Dr. Thanh

Bà Phạm Thị Nụ: Các con tôi phải cố gắng học cho thật giỏi để đem sự học đó ra giúp đỡ, trước nhất là giúp đỡ cho cha mình, rồi giúp đỡ cho công việc, giúp đỡ cho bản thân mình và giúp đỡ cho xã hội. Việc cống hiến ở đây là lời cám ơn chứ không phải bắt buộc gì cả. Tôi dạy các con rằng, việc cống hiến là lời cám ơn cha mẹ và cha mẹ cũng cám ơn các con vì các con đã vâng lời, các con đã ngoan ngoãn, các con đã lo lắng cho bản thân mình để cha mẹ không phải lo lắng, không phải bận tâm về việc học của các con. Và sau này khi các con tốt nghiệp, các con có thể quay trở về làm cho công ty, là cái nôi của mình, nơi mình mang ơn. Từ đây, các con mới có được sự học, có được việc làm và mới khẳng định được với người tiêu dùng, với xã hội.

Đại gia đình gia tộc Dr. Thanh

Ba hay mẹ là người ảnh hưởng nhiều nhất tới con đường sự nghiệp của chị Trần Uyên Phương? Qua câu chuyện thực tế, bằng những việc làm cụ thể nào của ba mẹ, đã hình thành nên nhân cách, bản lĩnh của chị Phương?

Ông Trần Quí Thanh: 
Trong việc giáo dục con cái thì mình luôn luôn phải làm gương. Ba  người con của tôi đã học tập được cái gương đó, bắt chước cái gương đó nên tất cả đều làm việc rất nhiều và phải tự trang bị cho mình một năng lực rất tốt để có thể đủ khả năng để đương đầu với cuộc sống. Tôi chia sẻ với các con rằng người ta một ngày sống có 24 tiếng đồng hồ. Trong đó để phục hồi sức khỏe mất 8 tiếng (ngủ), còn lại có 16 tiếng thôi. Trong 16 tiếng này thì có 8 tiếng là phải lao động để được sống, thành ra còn có 8 tiếng còn lại. 8 tiếng còn lại thì chúng ta còn phải đi lại, ăn uống… cũng mất 4 tiếng nên còn lại có 4 tiếng. Các con dùng 4 tiếng này vào mục đích gì thì các con sẽ nổi trội về mục đích đó. Nếu các con dùng 4 tiếng này để con làm việc thì con sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn người khác, nếu dùng 4 tiếng này để con trau dồi kiến thức, đọc sách, vở thì con sẽ rất là uyên bác. Quan trọng nhất là sử dụng 4 tiếng này như thế nào. Người ta chỉ hơn nhau có 4 tiếng này thôi. Đó là một chia sẻ để các con nhìn thấy cái gương của cha mình để từ đó không xa lạ với làm việc một cách cật lực. May mắn là các con đứa nào cũng làm việc rất đam mê, chăm chỉ, say mê để tự trang bị năng lực bản thân và cũng không có nhiều nhu cầu vật chất để phục vụ cá nhân.

Bố mẹ tham dự buổi ra mắt sách Competing with Giants – ‘Vượt lên người khổng lồ’ của con gái Trần Uyên Phương

“Hạnh phúc là do mình tạo ra và do mình giữ được, đó mới là vĩnh cửu.”

Quan điểm về hạnh phúc của ông/ bà là gì? Sự giàu có về tiền bạc, hay về tình cảm, cái nào nặng hơn?

Bà Phạm Thị Nụ: Hạnh phúc nhất là tôi có được 3 người con và 1 người chồng rất tuyệt vời. Nhìn chung thì điểm tuyệt vời nhiều hơn điểm xấu. Hạnh phúc không ai cho mình hết, là do mình tạo ra và do mình giữ được thì đó mới là tuyệt vời, đó mới là vĩnh cửu.

Ông Trần Quí Thanh: Bằng lòng với cái mình có chính là hạnh phúc. Nhưng với bản thân, Tôi chưa bao giờ có khái niệm hạnh phúc. Sở dĩ tôi nói như vậy vì nếu tôi hạnh phúc thì tôi đã dừng lại ở cái mình có. Tôi là con người đang đi tìm thành công thì không bao giờ bằng lòng với hiện tại. Không bằng lòng với hiện tại thì không bao giờ có hạnh phúc. 

Bản thân tôi đang đi tìm sự đóng góp cho xã hội và luôn khát vọng sống một cách trọn vẹn. Những ngày tồn tại rất hiếm hoi, cho nên tôi muốn mang đến nhiều thành tích để đóng góp cho xã hội, để khi mình ra đi còn có nhiều chuyện viết lại. Thì không quan trọng chuyện hạnh phúc mà quan trọng là thành tích. Tự thỏa mãn mình cũng chưa phải là quan trọng, mình chưa hạnh phúc mà làm người khác hạnh phúc là được rồi.

Con người phải cân bằng giữa thành công và hạnh phúc, không nên hy sinh một cái này vì một cái khác. Tất nhiên, đối với con người nói chung và người đàn ông nói riêng thì sự nghiệp có vai trò lớn. Sự thật là không dễ gì tạo được sự nghiệp, phải dồn công sức cho sự nghiệp của mình vì đó cũng là thước đo của sự thành công. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải cân bằng hạnh phúc gia đình, không nên bỏ gia đình sẵn sàng chết vì sự nghiệp. Bởi vì, cuối cùng chúng ta đâu phải sống vì một mình mình đâu, mình phải biết yêu, ban hạnh phúc cho người khác nữa. Không cần thành công quá lớn như thế, thành công vừa phải để cho cân bằng giữa gia đình và xã hội, giữa sự nghiệp và hạnh phúc gia đình.

Xin cảm ơn ông bà Dr. Thanh. Chúc ông bà sống lâu muôn tuổi, đưa con tàu Tân Hiệp Phát vươn xa ra thế giới.

“Muốn cho con biết bơi chẳng có cách nào khác, chỉ có cách đạp nó xuống nước thôi. Uống vài ba ngụm nước, tập tễnh tập tễnh rồi từ từ nó sẽ biết bơi. Chứ còn ta cứ đứng trên bờ ta dạy lý thuyết bơi là phải thế này, quơ tay như thế kia thì nó không thể biết bơi được đâu. Mọi thứ rèn luyện, đào tạo, huấn luyện thì đều phải mệt nhọc, vất vả và đôi khi phải đau đớn.” – Ông Trần Quí Thanh – Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát. 

NGUỒN:  Theo Báo Gia đình &Trẻ em
Link bài: Cuộc sống gia đình Dr. Thanh...
(http://giadinhvatreem.vn/Gia-dinh/Cuoc-song-gia-dinh-Dr-Thanh-va-cach-nuoi-day-con-cai-thanh-dat-35873)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *