Lê Thanh Phong/ Báo Lao Động
Sự thật làm cho con người sống tử tế, sống yêu thương và tôn trọng nhau. Sự thật làm cho con người có niềm tin vào tha nhân và sẵn sàng chia sẻ.
Dối trá làm cho con người ích kỷ, đề phòng, bất an, không tin ai. Thật đáng sợ khi con người sống không có niềm tin, mà chỉ có hoài nghi và giả dối.
Có những lời nói sai sự thật, nhưng phạm vi trên bàn trà, trong thôn xóm. Còn những lời nói sai sự thật là bản tin trên báo chí hay trên kênh thông tin khác, thì tác hại của nó vô cùng lớn.
Nhưng cay đắng thay, người đưa tin sai sự thật, hoặc vì mục đích nào đó cố tình bóp méo sự thật, để cho doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức phải chịu thiệt hại, vẫn còn nhiều trong xã hội hôm nay.
Chính vì vậy, khi đọc bài báo này, tui tìm được sự chia sẻ về nỗi khát khao sự thật. Cơn đói khát sự thật đang rất cần được thoả mãn.
Trần Quí Thanh
Quan sát các kỳ họp Quốc hội, cử tri theo dõi từng cuộc họp, tranh luận, chất vấn tại nghị trường. Một phát ngôn, mỗi ý kiến phản biện đều được người dân phân tích, đánh giá. Điều này chứng tỏ không khí dân chủ không chỉ bó hẹp trong những trang lý thuyết.
Những cuộc họp của Chính phủ, người dân theo dõi trên các kênh thông tin, đồng thuận hay phản biện, công khai trên báo chí, trên mạng xã hội. Đúng hay sai, thuyết phục hay không thì đó cũng là giá trị, giá trị của dân chủ.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa: Dân chủ là để dân mở miệng ra nói.
Một vụ án được xét xử qua hai cấp toà sơ, phúc thẩm, nhưng chưa tìm ra sự thật khách quan, dân không chịu. Phải giám đốc thẩm, dân cũng chưa thoả mãn, vậy thì phải tiếp tục các bước tố tụng khác để tìm ra sự thật. Đó là mệnh lệnh của dân và cũng là đòi hỏi của giá trị dân chủ.
Báo chí trong thời đại công nghệ cao, thông tin mở toang cả bầu trời, đúng sai, thật giả sáng trưng giữa nhật nguyệt, dân chúng thông minh phân định rõ ràng. Chính vì thế, chỉ một thông tin không chính xác, bạn đọc quay lưng, người dân xem thường.
Dân trí cao là điều đáng mừng, và dân trí càng cao thì các giá trị sự thật và dân chủ chất lượng càng phải cao. Nếu không, sẽ không theo kịp mặt bằng dân trí.
Quan trí cũng vậy. Không theo kịp dân trí thì không tạo ra sản phẩm hành chính, chính sách phù hợp với nguyện vọng của dân.
Tiêu chí của quan trí cũng là tuyên bố và hành động đúng đắn, trung thực, tôn trọng sự thật.
Nếu quan chức không trung thực, báo chí phải dũng cảm đấu tranh.
Viết đúng, chính xác, trung thực không dễ, có thể đưa tin không chính xác, nhưng không thể xuất phát từ không trung thực. Sai có thể sửa, còn không trung thực là lừa dối bạn đọc.
Đã lừa dối bạn đọc thì không thể sửa được.
Và cao hơn hết, sự thật không chỉ phục vụ bạn đọc, sự thật là lương thực dưỡng nuôi nền dân chủ. Không có sự thật, không tôn trọng sự thật, không thể có dân chủ thực sự.
Biết được điều này, mới thấy trách nhiệm của người cầm bút.
Link bài: Sự thật và…
(https://laodong.vn/su-kien-