Tác giả sách ‘Financial First Aid’: Đừng cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ khi mắc sai lầm về tiền bạc

Đỗ Hiền/ Người Đồng Hành


“Financial First Aid: Essential Tools for Confident, Secure Money Management” (Tạm dịch: “Cẩm nang tài chính: Bộ công cụ giúp quản lý tiền bạc an toàn và tự tin”) là cuốn sách đưa ra các chiến lược giúp bạn đối phó hoặc tránh những rủi ro về tiền bạc. 

Những lời khuyên tài chính tiêu chuẩn thường xoay quanh việc đưa ra các quyết định tối ưu về mặt toán học cho số tiền của bạn. Tác giả Alyssa Davies thừa nhận rằng phần lớn lời khuyên mà cô ấy đưa ra trong cuốn sách không khác quá xa so với các công thức đã thử. Nhưng trong cách tiếp cận của mình để giải quyết vấn đề tài chính, Davies không chỉ tập trung vào các con số mà còn giải thích khá nhiều về ảnh hưởng của tiền bạc đối với sức khỏe tinh thần của bạn (và ngược lại).

“Rất nhiều người cảm thấy mệt mỏi khi nói về vấn đề tài chính. Bạn không nên cảm thấy tội lỗi, xấu hổ hoặc cảm thấy mình là gánh nặng vì không biết phải làm gì”, cô nói. “Mọi người nghĩ, ‘nếu tôi không biết, tôi sẽ chỉ giả vờ rằng tôi có thể làm được’. Nhưng đó không phải là cách hiệu quả đối với hầu hết chúng ta”.

capture-jpg1-3833-1652175748.jpg
Đừng cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ khi mắc sai lầm về tiền bạc. Ảnh: Getty Images

Trong một cuộc trò chuyện với Grow, Davies đã chia sẻ ba việc có thể giúp bạn đưa ra quyết định tài chính tốt hơn.

1. Tạo dựng các khoản tiết kiệm khẩn cấp để thiết lập cảm giác kiểm soát

Theo Davies, đối với những người mắc chứng lo âu, sự không chắc chắn về tiền bạc có thể khiến họ cảm thấy căng thẳng gấp nhiều lần. “Điều quan trọng nhất là nắm quyền kiểm soát tương lai tài chính của bạn. Đối với những người mắc chứng lo âu, cảm giác thiếu quyền kiểm soát thậm chí còn nhân lên gấp đôi”, cô nói.

“Nếu bạn lo lắng về tiền bạc theo bất kỳ nghĩa nào, bạn sẽ không dám nghĩ tới tương lai, bởi vì nó trở nên quá đáng sợ”, Davies cho biết thêm. Với cô, việc tìm ra cách để nắm quyền kiểm soát là rất quan trọng và phương pháp của cô là tạo dựng quỹ khẩn cấp.

Đây cũng là lời khuyên mà nhiều chuyên gia tài chính đưa ra: Bạn nên có một khoản tiền mặt dự phòng để sử dụng trong các trường hợp cần chi tiêu đột xuất, ví dụ như hóa đơn y tế phát sinh hay khi bạn bị mất việc làm.

Số tiền được đề xuất cho quỹ dự phòng khẩn cấp thường bằng 3 tới 6 tháng chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, Davies lưu ý rằng bạn có thể bắt đầu với những khoản tiền nhỏ hơn nhiều. “Bạn có thể vừa tiết kiệm tiền cho quỹ khẩn cấp, vừa hướng tới các mục tiêu khác như đầu tư và trả nợ dần”, cô nói. “Ngay cả việc bỏ 20 USD vào quỹ khẩn cấp cũng sẽ mang lại tác dụng khi xe bạn bị thủng săm giữa đường. Nói tóm lại, nó sẽ giúp bạn yên tâm hơn”.

Davies chia khoản tiết kiệm khẩn cấp của mình thành ba phần: một cho các trường hợp khẩn cấp cá nhân, chẳng hạn như khi cô thất nghiệp. Một cho những trường hợp khẩn cấp trong gia đình, chẳng hạn như vợ/chồng bị tai nạn. Và một cho các chi phí tiêu dùng phát sinh, chẳng hạn như một thiết bị nhà bếp bị hỏng.

“Nếu tôi có một quỹ khẩn cấp, tôi sẽ không ngại sử dụng nó khi có sự cố và tránh sử dụng nó cho những việc không phải trường hợp khẩn cấp”, Davies khẳng định.

2. Ưu tiên trả các khoản nợ 

Đối với Davies, việc có một quỹ khẩn cấp không chỉ mang lại cảm giác an toàn về tài chính mà còn giúp tránh được các trường hợp bất trắc khiến bản thân rơi vào tình cảnh nợ nần. Đây cũng là mối quan tâm thực sự của hầu hết người Mỹ. Theo một cuộc khảo sát gần đây từ Bankrate, có tới 56% người tham gia nói rằng họ không thể chi trả nổi khoản chi 1.000 USD bằng số tiền tiết kiệm hiện có.

Vì vậy, nếu bạn thấy mình đang trong tình cảnh nợ nần, điều đầu tiên là hãy tìm cách giải tỏa sự căng thẳng, Davies khuyên. “Có quá nhiều sự xấu hổ xung quanh chuyện nợ nần”, cô nói. “Đôi khi bạn phải tìm kiếm sự giúp đỡ. Đôi khi lựa chọn duy nhất của bạn là phá sản. Hãy tìm kiếm bất cứ thứ gì bạn cần để thoát khỏi tình huống khó khăn. Nếu đó là điều giúp bạn đạt được tài chính cá nhân lành mạnh thì đó là điều nên làm.”

Nếu bạn có nhiều khoản nợ phải trả, các chuyên gia tài chính sẽ đưa ra cho bạn nhiều phương pháp để giải quyết vấn đề. Một trong số đó là phương pháp “tuyết lở”, theo đó bạn cần ưu tiên trả khoản nợ có lãi suất cao nhất. Việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm được số tiền mà đáng lẽ bạn sẽ phải dùng để trả lãi. Phương pháp này tiết kiệm nhiều nhất trong việc trả lãi. Trong khi đó, phương pháp “quả cầu tuyết” thường được nhiều người sử dụng bởi việc tập trung trả các khoản nợ nhỏ nhất trước tiên sẽ giúp mang tới nhiều động lực hơn.

Theo Davies, bạn hãy tự xem xét tình huống của mình để tìm ra phương pháp phù hợp nhất với bản thân. “Cảm xúc tác động tới mọi quyết định tiền bạc của chúng ta. Hãy xem món nợ nào khiến bạn căng thẳng nhất?”, cô nói. “Có thể đó là khoản có lãi suất cao nhất, nhưng có thể đó là khoản vay từ người thân. Có lẽ đó sẽ là một gánh nặng rất lớn đối với bạn”.

3. Đừng hoảng sợ khi cắt giảm ngân sách của bạn

Một vấn đề tiền bạc phổ biến, nhất là khi giá cả các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày tăng cao, là bội chi. Nếu lạm phát đẩy ngân sách của bạn vượt quá giới hạn của nó, quỹ khẩn cấp một lần nữa sẽ là tuyến phòng thủ đầu tiên của bạn, Davies nói. Nhưng còn có một cách khác nữa, đó là hãy tìm cách cắt giảm ngân sách của mình – một quá trình mà mọi người có thể cảm thấy phải được thực hiện theo một cách nhất định.

Davies nói: “Nhiều người trong chúng ta thường tập trung vào các khoản chi tiêu tùy ý khi cố gắng giải quyết vấn đề ngân sách. Sự thật là hầu hết chúng ta không chi tiêu quá nhiều cho những khoản chi này. Và sau đó hoảng sợ khi phải thiết lập ngân sách cho nó. Tôi chỉ ăn ngoài mỗi tuần một lần, nếu cắt giảm đi thì tôi còn lại những gì?”

Mặc dù một số chi phí nhất định có vẻ phù phiếm đối với những người quan sát nhưng chúng có thể lại mang tới một vài niềm vui nhỏ giúp bạn luôn vui vẻ và có động lực làm việc. Thay vì loay hoay với giới hạn ngân sách của mình, hãy hướng tới những khoản chi thường xuyên hơn.

“Hãy cố gắng tập trung vào các khoản chi cố định. Liệu ta có thể điều chỉnh lại hóa đơn điện thoại hay thương lượng lại tiền thuê nhà không?”, cô nói. “Bạn có thể nghĩ tới việc tìm một người ở cùng để chia sẻ chi phí, hoặc chuyển về ở cùng nhà với bố mẹ, nếu muốn duy trì những khoản chi nhỏ mang lại niềm vui cho bản thân”.

Theo Davies, những quyết định kiểu này có thể là một quyết định lớn, nhưng nó rất đáng giá vì giúp bạn tránh được cảm giác luôn thấy eo hẹp về mặt tài chính. “Nếu bạn chỉ cắt giảm 20 USD mỗi tuần từ ngân sách vốn đã eo hẹp, bạn sẽ không cảm thấy mình đang thực sự làm tốt để có được tài chính cá nhân khỏe mạnh”, cô nói. “Việc nhìn vào những chi phí cố định mới là yếu tố thay đổi cuộc chơi”.

Nguồn: https://ndh.vn/lam-giau/tac-gia-sach-financial-first-aid-dung-cam-thay-toi-loi-hoac-xau-ho-khi-mac-sai-lam-ve-tien-bac-1315386.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *