Tâm thư ‘thần Siêu, thánh Quát’ gửi quan Phó khảo thí họ Vũ ở Hà Giang

Lê Tiên Long/ Báo Tri thức Trẻ

Nguồn ảnh: Lao động.

Chỉ sửa lấy đỗ có 5 thí sinh, Cao Bá Quát đã bị xử tội “giảo giam hậu” (treo cổ chết nhưng cho hoãn). Thế mà nay quan Phó khảo đủ dũng khí sửa đến 330 bài thi.

Kính thưa quan Phó khảo họ Võ, tỉnh Hà Giang,

Tôi tên là Cao Bá Quát, từng được xưng tụng là “thánh Quát”. Nay tôi có việc lo lắng, phải viết tâm thư, mong ngài đọc được.

Năm 1841 (đời Minh Mạng triều Nguyễn), trong khoa thi Hương tại trường thi Thừa Thiên, Cao Bá Quát tôi cùng Phan Nhạ làm sơ khảo. Tôi đã ngầm lấy muội đèn làm mực chữa bài thi của học trò gồm 24 quyển, đỗ được 5 người. Vụ việc bại lộ, tôi cùng Nhạ bị xử tội giảo giam hậu (thắt cổ nhưng chưa phải chết ngay).

Cũng kỳ thi đó, quan phân khảo là Nguyễn Văn Siêu nói với quan nội trường lấy quyển thi của Trương Đăng Trinh, cháu đại thần Trương Đăng Quế cho vào hạng lấy đỗ. Dù được xưng tụng “thần Siêu”, ông Siêu vẫn bị xử tội đồ, đánh trượng.

Tôi kể chuyện ra đây rất lấy làm xấu hổ, và cũng không để kêu oan. Tội tôi bị xử là đáng, bởi trước tôi đã có nhiều tấm gương tày liếp, sử sách ghi lại đầy đủ không thiếu gì.

Vào năm 1673 (năm Quý Sửu, đời vua Lê Gia Tông), tại kỳ thi Hương, Tham chính xứ Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay) là Vũ Vĩnh Hồi ăn tiền bạc, gửi gắm sĩ tử. Phủ doãn phủ Phụng Thiên (chức quan cai quản kinh thành Thăng Long, tương đương Chủ tịch thành phố Hà Nội ngày nay) Ngô Sách Dụ ngầm mang sách vở vào trường, sai gia nhân làm quyển thi đưa lẫn vào chấm lấy đỗ, xoay tiền của.

Việc bị phát giác, cả hai ông quan Vũ Vĩnh Hồi và Ngô Sách Dụ đều bị xử tội đồ (điều đi làm lính).

Cùng khoá thi đó, Tham chính xứ Sơn Tây là Lê Chí Đạo làm sai lệch trong việc thi khảo. Chí Đạo bị luận tội phải bãi chức.

Đến năm 1696 (năm Bính Tý, đời vua Lê Hy Tông), Tham tụng (chức quan to nhất phủ Chúa Trịnh) là Lê Hi gửi gắm con mình trong kì thi Hương cho Lê Sách Tuân. Sách Tuân ngầm đưa quyển thi của con Lê Hi cho các khảo quan duyệt, sửa từ bị đánh trượt sang lấy đỗ.

Sự việc bị phát giác, Sách Tuân bị xử giảo (thắt cổ chết). Lê Hi là chủ mưu nhưng là quan to, thoát tội.

Khoa thi đời vua Lê Dụ Tông năm 1726, trong kỳ thi Hương, có nhiều thí sinh học kém nhưng là con nhà quyền thế, nhờ người “gà” văn nên được đỗ Hương cống. Dân chúng bàn tán xôn xao.

Chúa An Đô Vương Trịnh Cương bắt phải thi lại. Kết quả là có 28 công tử nhà giàu bị trượt, và bị giao xuống cho đình thần xét hỏi và trị tội nặng.

Trong thời chúng tôi, đạo học được tôn hàng đầu. Thi cử là con đường tiến thân duy nhất, ai ai cũng muốn đỗ đạt làm quan. Thế nên người đời mồi chài, mua chuộc quan trường thi cũng lắm.

Thế mà mới đây, lại nghe ở tỉnh Hà Giang có quan Phó khảo ngài, chẳng những không nhìn vào vết xe đổ từ những kẻ đi trước, lại còn phạm quy với trình độ tinh vi và quy mô lớn hơn đám quan thời cổ chúng tôi đến hàng chục lần.

Chúng tôi là những kẻ thân mang trọng trách, đã không giữ được mình, đáng bị xử tội để làm gương cho đời sau. Bản thân chúng tôi quả thực rất lấy làm xấu hổ.

Chỉ trong đêm, ngài đã sửa nổi những 330 bài thi của 114 thí sinh, trong đó có những bài thi vốn chỉ được 1 điểm được sửa lên thành 9 điểm. Tính ra, ngài chỉ mất có 6 giây để sửa điểm một bài thi.

Dưới ngòi bút của ngài, tỉnh Hà Giang vốn chỉ là đỉnh cao về địa lý, bỗng thành đỉnh cao sự học, chiếm đến 30% số thủ khoa cả nước.

Công lực của ngài thật là thâm hậu. Thần Siêu thánh Quát chúng tôi cũng chỉ biết thốt lên rằng: Hậu sinh khả úy.

Nhưng than ôi! Công lực ấy lại chẳng dùng vào việc ngay thẳng, lại chỉ giúp cho những sự xấu xa dơ bẩn.

Bằng việc nâng đỡ cho trăm thí sinh tỉnh nhà, ngài đã cướp đi cơ hội của bao thí sinh nơi khác! Biết bao công sức học hành của những thí sinh ngay thẳng phải đổ sông đổ biển chỉ sau một đêm gõ phím của ngài!

Niềm tin vào ngành giáo dục vốn đang bị “xâm hại” trăm bề, sau chiến tích của ngài, liệu còn được bao nhiêu?

Thậm chí nhiều kẻ còn đang lo xa: Những thí sinh vốn chỉ được 3 điểm, nay nâng lên 28 điểm, nếu mai này được lấy đỗ vào trường Y thì rồi họ sẽ cứu người, hay giết người?

Chỉ với tội lấy đỗ dăm ba thí sinh, đám chúng tôi đã phải nhận những hình phạt nghiêm khắc: kẻ mất mạng, người bị sung lính đày đi xa, xấu hổ không dám ngẩng mặt lên với đời. Nay với tội của ngài, chúng tôi thật lấy làm lo, chẳng hiểu ngài lấy đâu ra đủ mạng mà chịu tội đây?

Tâm thư chẳng thể nói hết sự chán chường. Giận lắm thay.

Ký tên: Cao Bá Quát

 

Nguồn: Báo Soha.vn dẫn theo Báo Tri Thức Trẻ

Link bài: Tâm thư ‘thần Siêu, thánh Quát’…
(http://soha.vn/tam-thu-than-sieu-thanh-quat-gui-quan-pho-khao-thi-ho-vo-o-ha-giang-20180717222938249.htm)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *