Mai Anh – Viettimes
Quá trình mở cửa của Trung Quốc được dự báo sẽ không diễn ra nhanh chóng và tác động của nó đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, sẽ được ghi nhận từ cuối quý 2/2023.
Ông Nguyễn Minh Cường – Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam
“Những ‘cơn gió ngược’ sẽ tiếp tục từ năm 2022 sang năm 2023, nhưng nếu nhìn vào cơ hội, những ‘cơn gió xuôi’ cũng đã xuất hiện”, ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam, mở đầu bài phát biểu tại diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023, hôm 11/1.
‘Cơn gió xuôi’ và ‘cơn gió ngược’ thường được các tổ chức quốc tế sử dụng để ám chỉ các cơ hội và thách thức của một chủ đề kinh tế.
Ông Cường cho rằng, Trung Quốc sẽ nổi lên như một yếu tố quan trọng mà cả thế giới phải dõi theo trong năm 2023. Tuy vậy, quá trình mở cửa của quốc gia này sẽ không thể diễn ra nhanh chóng.
“Ít nhất phải đến cuối quý 2/2023, việc mở cửa của Trung Quốc mới tác động đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam”, ông Cường nói.
Việc mở cửa của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này cũng khiến các doanh nghiệp trong nước chịu nhiều sức ép cạnh tranh hơn từ các nhà sản xuất Trung Quốc.
Bên cạnh đó, khu vực Châu Á, đặc biệt là ASEAN, được dự báo sẽ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối khả quan dù nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
“ASEAN vẫn sẽ là thị trường lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam, đây là ‘cơn gió xuôi’ mạnh và rất có tiềm năng”, Kinh tế trưởng ADB Việt Nam đánh giá.
Ở hướng ngược lại, ông Cường cho rằng không thể bỏ qua những ‘cơn gió ngược’ trong năm 2023.
Theo vị chuyên gia này, Việt Nam hiện đang thiếu sự liên kết giữa thị trường nội địa và xuất khẩu, bộc lộ rõ nhất là khi nhu cầu trong nước tăng lên nhưng PMI (chỉ số quản lý sức mua) vẫn giảm.
Sự mất cân đối trong cơ cấu nền kinh tế khi khu vực xuất khẩu phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI là lý do khiến tổng cầu xuất khẩu giảm, PMI lập tức đi xuống.
Về chính sách tiền tệ, ông Cường đánh giá những chính sách của Việt Nam trong năm 2022 rất hiệu quả. Sự siết chặt tiền tệ hoàn toàn hợp lý và nền kinh tế có thể hấp thụ được, nếu không vướng phải những câu chuyện về thị trường vốn.
Không chỉ vậy, các câu chuyện về lòng tin bị suy giảm đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau đó lan sang thị trường tiền tệ đã dẫn đến những chính sách này chưa thực sự hiệu quả.
Theo ông Cường, để ngăn chặn cuộc khủng hoảng về niềm tin thì chỉ riêng chính sách tiền tệ sẽ không giải quyết được.
“Nếu chỉ sử dụng chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu duy trì thanh khoản, chống lạm phát và duy trì lòng tin thì gần như là không thể. Do đó cần phải đẩy mạnh hơn nữa vai trò của chính sách tài khóa”, vị chuyên gia chia sẻ.
Ngoài ra, ông Cường cũng đặt vấn đề về khả năng hấp thụ nguồn vốn đầu tư công của nền kinh tế. Vị này cho biết, trên thực tế, nền kinh tế chỉ hấp thụ được khoảng 400.000 tỉ đồng/năm, mà mục tiêu đưa ra là 700.000 tỉ đồng.
“Điều này sẽ gây sức ép lên việc huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ và thanh khoản của hệ thống tài chính. Do vậy, khi đặt ra kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cần cân nhắc đến khả năng hấp thụ từ năng lực của nền kinh tế, bộ máy hành chính, doanh nghiệp, cơ chế, chính sách”, ông nói./.
Nguồn: https://viettimes.vn/tan-dung-con-gio-xuoi-de-vuot-qua-thach-thuc-trong-nam-2023-post163283.html