Tôi không thuộc “dân công nghệ’, nhưng hiểu rõ sức mạnh của công nghệ.
Từ hơn hai thập niên trước, khi bạn bè và đồng nghiệp còn xa lạ với công nghệ số, tôi đã dành dụm từ khoản tiền lương giảng viên ít ỏi để sắm máy tính, đã mày mò học PowerPoint làm slide bài giảng, hăm hở tạo blog và website cá nhân.
Tôi thường mượn câu nói của Bill Gate để nhắc nhở sinh viên của mình: “Những ai hôm nay không bắt đầu tổ chức và sắp xếp lại công việc với sự trợ giúp của máy vi tính thì sẽ bị đẩy ra khỏi dòng chảy của thời đại”.
Cô đơn…
Thế nhưng, kỷ nguyên số lao đến vùn vụt với tốc độ không ngờ. Những thiết bị điện tử liên tục ra đời, kích thước càng lúc càng nhỏ, dung lượng càng lúc càng lớn.
Trẻ em vài ba tuổi, thậm chí nhiều khi chưa biết nói, được ba mẹ dỗ “ngồi yên” bằng cách thảy cho cái iPad. Từ khi điện thoại di động trở thành điện thoại thông minh, tích hợp đủ thứ chức năng trong hệ sinh thái số, cái thiết bị bỏ lọt trong túi quần ấy trở thành vật bất ly thân của giới trẻ.
Ăn cũng điện thoại, ngủ cũng điện thoại, vào toilet cũng không rời điện thoại. Trong giờ lên giảng đường, sinh viên chúi mũi vào điện thoại chơi game.
Được yêu cầu bất cứ điều gì, kể cả nhận xét hoặc nhận định cá nhân, cũng mở điện thoại nhờ “ông Google” giải đáp. Hội nghị, hội họp cũng điện thoại.
Í ới gọi nhau trên Facebook, hay trên Zalo, Viber hẹn đi ăn đi chơi, đến khi gặp nhau lại tiếp tục chúi đầu vào điện thoại. Phải chăng trầm cảm, tự kỷ cũng từ đó mà ra?
Hình như nhiều người không nhận thấy đang ngày càng cô đơn giữa thế giới công nghệ số. Phòng ngủ trở thành thành trì bất khả xâm phạm của con cái đối với cha mẹ, những bữa cơm gia đình ngày càng ít đi.
Tưởng rằng giao tiếp nhiều hơn, rộng hơn, nhưng thực ra giao tiếp hời hợt hơn. Inter-personal, không phải Intrapersonal.
Người ta ít cảm thông nhau hơn, ít kiên nhẫn hơn, lười tư duy hơn, do mọi thứ hình như đã có sẵn câu trả lời nhanh chóng trên internet.
Đôi khi, tôi tự hỏi, không biết trong giấc mơ của các cháu nhỏ bây giờ có còn hình bóng những nàng công chúa, những chàng hoàng tử, hay chỉ còn lại hình tượng xấu xí của những sinh vật ngoài hành tinh, những mặt nạ kim loại vô hồn của các “siêu nhân”, sản phẩm của trí tưởng tượng khô cứng.
Và trong một tương lai không xa, khi robot tình dục sẽ được lập trình để có khả năng biết yêu và… đau khổ, như giáo sư Robin Mackenzie của Trường Đại học Kent, Anh tuyên bố trên tờ Newsweek, tình yêu của con người có còn tồn tại hay không?
… Và trần trụi
Thời nay, người ta có thói quen share (chia sẻ) mọi thứ mình có lên “xã hội mạng”, từ họp mặt bạn bè, ăn nhậu, du lịch cho đến cả khi muốn sỉ nhục người khác.
Thấy con mình bụ bẫm, cha mẹ liền “khoe”. Đến một địa điểm mới, say sưa chụp hình mình để “khoe” thay vì chiêm ngưỡng cảnh quan. Muốn nhận nhiều like: khoe thân.
Nhiều người tự cho mình cái quyền chia sẻ, không cần biết những người liên quan có thích và đồng ý hay không. Họ không biết rằng, họ đang góp phần phơi bày dữ liệu riêng tư ra trước mắt thiên hạ một cách trần trụi.
Cá nhân dễ bị “tấn công” trên mạng hơn lúc nào hết. Mỗi mẩu dữ liệu riêng lẻ có thể vô hại, nhưng khi được thu thập, tổng hợp, mua bán và trao đổi sẽ trở thành “hồ sơ số” về mỗi cá nhân, cho phép các công ty “hiểu bạn hơn chính bạn”.
Tại một hội nghị quốc tế về bảo vệ và quyền riêng tư dữ liệu tại Brussels, Bỉ, ngày 24/10/2018, Tim Cook – CEO của Apple, đã cảnh báo: “Các nền tảng và thuật toán, được hứa hẹn sẽ cải thiện cuộc sống của chúng ta, thực tế có thể khuếch đại các khuynh hướng tồi tệ nhất trong mỗi con người. Những “kẻ xấu” và thậm chí các chính phủ đã lợi dụng lòng tin của người dùng để làm sâu sắc hơn sự chia rẽ, kích động bạo lực và thậm chí làm sai lệch trực giác của chúng ta về giả – thật”.
Đừng robot hóa
Trong khi chờ đợi sự ra đời của những bộ quy tắc đạo đức bền vững cho xã hội được số hóa, trước mắt tại sao chúng ta không bỏ bớt thời gian ngồi trước máy tính hay vào mạng để gặp gỡ, tiếp xúc, quan tâm nhau nhiều hơn? Cha mẹ dù bận rộn đến mấy cũng nên dành một chút thời gian để giao tiếp với trẻ con.
Một số nước phát triển đã bắt đầu quan tâm đến việc hạn chế học sinh sử dụng máy tính bảng ở trường. Hệ thống trường công ở hạt Baltimore, bang Maryland (Mỹ), quy định việc sử dụng máy tính của học sinh trung học không được nhiều hơn một nửa thời gian trong những ngày đi học, học sinh cũng được yêu cầu phải tạm nghỉ các công việc với máy tính mỗi 20 phút một lần và không sử dụng máy tính trong giờ giải lao. Cứng rắn hơn, từ tháng 7/2018, Pháp ra quy định “cấm tiệt” smartphone, máy tính bảng, đồng hồ thông minh (smartwatch) và các thiết bị điện tử kết nối khác trong trường học để tránh việc học sinh trong độ tuổi 3-15 tuổi bị phân tâm.
Thế giới đang đổi thay. Con người ngày càng giống robot, và robot ngày càng giống con người.
Mới đây, nữ robot Sophia, được coi là thông minh nhất, đã được cấp quyền công dân, sắp có thêm một “em gái”. Có phải là quá lo xa khi đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu thế giới này đầy rẫy những robot ngày càng thông minh hơn thế?
Nhà vật lý vĩ đại Stephen Hawking đã từng cảnh báo, coi chừng trí tuệ nhân tạo có ngày ngự trị thế giới và quay lại kiểm soát con người đã tạo ra chúng.
Còn tôi, mỗi khi có dịp, tôi thường bỏ hết bộn bề công việc qua một bên, lên nghỉ ngơi tại một căn nhà nhỏ của gia đình trên một ngọn đồi ở Đà Lạt. Trong mấy ngày đó, tôi tách rời máy tính, hạn chế tối đa sử dụng điện thoại, để tâm trí vui với cỏ cây, gần gủi thiên nhiên, hít thở khí trời, cân bằng cảm xúc.
Tôi chỉ dừng lại bên lề dòng chảy công nghệ vài ngày để nạp lại năng lượng sống và để nhắc nhở mình đừng robot hóa.