Tập trung lắng nghe cảm xúc và tiếng nói từ khách hàng

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet

—–

Kính gởi anh Trần Quí Thanh,

Thưa anh, tôi là một doanh nhân thất bại. Một giám đốc công ty DNNN 30 năm không đưa lại cơm no áo ấm cho công nhân. Thật đáng hổ thẹn. Biết Tân Hiệp Phát từ lâu, biết anh cũng từ lâu, kính phục anh lắm lắm.

Nếu được xin anh cho lớp trẻ những bài học khởi nghiệp từ sự nghiệp của anh dẫn đến thành công to lớn ngày hôm nay. Ý tôi muốn nói là anh hãy cho lớp trẻ cẩm nang khởi nghiệp, để chúng không đi vào vết xe đổ như tôi anh ạ. Mong anh đáp ứng, cảm ơn anh rất nhiều.

Chúc anh vui khoẻ và may mắn

Lâm Thị Thái (Sài Gòn: thaithilam_tphcm@gmail.com)

—–

Chị Lâm Thị Thái mến!

Tui xin chia sẻ thực lòng với chị, giám đốc doanh nghiệp nhà nước cách đây 30 năm không thể gọi là doanh nhân, gọi là cán bộ thì đúng hơn. Bởi vì lúc đó chưa có cơ chế thị trường, khu vực kinh tế tư nhân chưa phát triển, mô hình kinh tế bao cấp làm chủ đạo. Lỗi không phải do giám đốc doanh nghiệp nhà nước, mà là do hệ thống, có gì phải hổ thẹn đâu chị.

Chị đã trăn trở về điều này, thì câu trả lời cũng không có gì phức tạp. Cẩm nang dành cho người khởi nghiệp chính là làm ngược lại những gì của một ông giám đốc thời bao cấp từng làm. Thế hệ tui có thể trước chị một chút, mày mò làm chủ doanh nghiệp tư nhân qua thời bao cấp, nên rút ra 3  bài học tạm gọi là cẩm nang như vầy:

– Thời bao cấp coi khách hàng là người xin được doanh nghiệp ban ơn, thì nay phải nhìn ngược lại. Tui không thích dùng từ khách hàng là thượng đế, mà hãy tập trung đến khách hàng. Khách hàng muốn gì, nghĩ gì, sở thích của họ, than phiền của họ đối với sản phẩm, dịch vụ của mình. Nếu biết lắng nghe khách hàng, thay đổi để sản phẩm của mình tốt hơn thì mình sẽ tiến bộ. Xét cho cùng chính là “ban tư vấn” cho mình, từ đó mình chọn lọc thông tin để xử lý, điều chỉnh hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Trong quá trình kinh doanh, tui không quá quan tâm đến đối thủ cạnh tranh, mà chỉ quan tâm đến khách hàng. Có lẽ đó cũng là yếu tố thành công của Tân Hiệp Phát.

– Giám đốc doanh nghiệp nhà nước thời bao cấp đôi khi không đủ toàn quyền chọn nhân viên, mà phụ thuộc vào cấp trên, cơ quan chủ quản. Còn start up thì khác, toàn quyền và đương nhiên, bí kíp thành công là phải chọn người giỏi. “Quí hồ tinh bất quí hồ đa”, chỉ cần người tinh hoa, không cần đông mà hư sự. Mở ngoặc, các start up lừng danh thế giới như Bill Gates hay Steve Jobs, khi khởi nghiệp, tìm cộng sự đều là người xuất sắc. Đóng ngoặc.

– Doanh nghiệp nhà nước làm theo kế hoạch chỉ tiêu và ban phát nên thủ tiêu sáng tạo, không có sáng kiến, không dám đột phá. Vậy thì khởi nghiệp của thời kinh tế tư nhân, tự do kinh doanh là cuộc cạnh tranh của sáng kiến, của những thay đổi nhanh chóng. Ai dừng lại, ai lười suy nghĩ, ai an phận thì sẽ thất bại. Muốn đừng thất bại thì phải dám thất bại, dám vượt qua khỏi vùng an toàn của chính mình.

Thế chị Thái nhé, có gì cứ gửi thư cho tui.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *