Giết sâu bọ, đeo bùa ngũ sắc, mặc áo dấu, xâu lỗ tai cho bé gái, nhuộm móng tay móng chân, đổ bệnh cho cây, khảo cây, đi sêu… là những phong tục ‘ngộ nghĩnh’ của Tết Đoan Ngọ xưa, khiến nó được coi là ‘Tết kì lạ nhất của người Việt’.
Tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) đang diễn ra trưng bày với chủ đề Tết Đoan Ngọ xưa và nay, giới thiệu một số phong tục xưa trong dân gian và cung đình được thực hiện trong ngày Tết Đoan Ngọ 5-5 âm lịch.
Ngoài việc tái hiện một góc phố cổ Hà Nội với những gian hàng thuốc Nam thể hiện phong tục đi hái thảo dược làm thuốc, tục treo lá ngải hình con giáp theo năm trong ngày Tết Đoan Ngọ (còn gọi là Tết Đoan Dương), thì trưng bày còn mang tới bộ sưu tập quạt ngũ sắc, vẽ các danh lam thắng cảnh Thăng Long của nghệ nhân Lân Tuyết, những gian hàng quạt.
Đặc biệt , trưng bày còn giới thiệu các phong tục “kỳ lạ” trong Tết Đoan Ngọ của người Việt xưa qua tư liệu và tranh vẽ được lấy từ bộ sách Kỹ thuật của người An Nam của tác giả người Pháp – Henri Oger.
Trong bối cảnh mà các phong tục này đã mai một đi nhiều trong nhịp sống hối hả, hiện đại, nhạt phai bản sắc ngày nay, trưng bày mang đến những khám phá thú vị cho thế hệ trẻ hôm nay về cái tết được coi là kì lạ nhất của người Việt.
Sách Đồng Khánh địa dư chí chép: “Tết Đoan Ngọ chuẩn bị đầy đủ rượu và hoa quả lễ tổ tiên từ sáng sớm. Mọi người đều uống rượu, ăn hoa quả, gọi là giết sâu bọ. Hôm ấy người ta hái các loại thuốc cất giữ để sử dụng, hái lá ngải tùy theo năm mà bó thành hình con vật tượng trưng của năm đó…”.
Trong cung đình xưa, Tết Đoan Ngọ là lễ thường triều, hoàng đế chịu mệnh trời thực hiện một số nghi lễ như cung tế các tiên đế, báo hiếu bậc sinh thành, ban yến và ban quạt cho văn võ bá quan với mong muốn ban phúc lành, sức khỏe, bình an.
Riêng những phong tục dân gian “kỳ lạ” của Tết Đoan Ngọ xưa qua tranh vẽ trong sách của Henri Oger là phần trưng bày thú vị.
Đây là những bức tranh in màu, được họa sĩ vẽ theo những tư liệu mà Oger cung cấp. Các bức vẽ sau khi hoàn thành lại được đưa cho những người An Nam “có đầu óc phê phán tốt” để thẩm định bình luận.
Henri Oger thậm chí còn lập một xưởng khắc gỗ, in ấn ở phố Hàng Gai để xuất bản công trình nghiên cứu công phu này để chúng ta có được những bức vẽ về phong tục, văn minh vật chất của người Việt, đặc biệt là người Bắc Kỳ hơn 1 thế kỷ trước.
Khám phá Tết kỳ lạ nhất của người Việt qua những bức vẽ sống động được rút ra từ bộ sách quý của Henri Oger: