“Tết không xa nhà”: Công nhân đón Tết văn minh thời đại dịch

Duy Minh/ Tạp chí Lao động và Công đoàn

Công nhân Kim Miê – Nhà máy Bao Bì Tân Hiệp Phát – quê ở Sóc Trăng

—–

“Tết không xa nhà” là chương trình truyền hình thực tế của VTV3. Số thứ 3 của chương trình đã diễn ra vào Mùng 2 Tết Tân Sửu với cầu truyền hình tại Nhà máy Nước giải khát Bình Dương – Công ty Tân Hiệp Phát.
Tại chương trình, công nhân Tân Hiệp Phát chia sẻ cuộc sống xa nhà dịp Tết Tân Sửu. Tết là thời điểm ai làm ăn xa cũng mong mỏi trở về nhà, đoàn tụ gia đình. Nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, khiến cho hàng trăm công nhân tại Tân Hiệp Phát không thể trở về quê ăn Tết vì sự an toàn của bản thân và gia đình. Chương trình “Tết không xa nhà” đã giúp kết nối các công nhân tại nhà máy Tân Hiệp Phát với gia đình, nghe tâm sự, chia sẻ của họ về một cái Tết tuy không về nhà nhưng vẫn gần gũi ấm cúng cùng gia đình, người thân tại nơi làm việc.

Bản tin THP

—–

Nhiều công nhân ở Bình Dương tuy xa nhà nhưng đều phấn chấn đón Tết thật ấm cúng. Có người ở lại nhà máy làm việc xuyên Tết. Có người coi đây là một cơ hội trải nghiệm văn hóa tại nơi mình từng gắn bó nhiều năm làm việc.

Nhiều công nhân chia sẻ, thời gian đầu khi xác định không về quê ăn Tết, họ rất buồn, lo lắng và hụt hẫng. Nhưng với sự động viên, quan tâm và hỗ trợ của các cấp công đoàn, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các công nhân đều phấn chấn và cảm nhận một cái Tết văn minh, ấm cúng giữa thời dịch Covid-19 hoành hành. Họ coi việc không về quê ăn Tết là trách nhiệm của công dân.

Chương trình livestream “Tết không xa nhà” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Công nhân có thể không trực tiếp gặp được người thân trong gia đình, quây quần bên mâm cơm ngày Tết, nhưng họ vẫn có thể sum họp và gặp gỡ nhau thông qua những chiếc điện thoại thông minh.

Tỉnh Bình Dương là một trong những nơi trọng điểm kinh tế của phía Nam, nơi tập trung rất nhiều lao động di cư từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, bao gồm các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Riêng tại nhà máy của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, năm nay có 1.500 công nhân lao động không về quê ăn Tết mà ở lại đón Tết cùng “gia đình” nhà máy.

Chia sẻ một kỷ niệm xúc động về việc giúp công nhân về quê đón Tết, chị Lê Phương – Trưởng Ban Công đoàn – Bạn đọc (Báo Lao động, một cơ quan ngôn luận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ, công nhân lao động trải qua một năm vất vả, vừa chung tay đẩy lùi Covid-19 vừa đảm bảo tăng cường sản xuất. Là một nhà báo gắn bó với công đoàn, công nhân, bản thân chị đã chứng kiến nhiều câu chuyện rất xúc động. Trong đó, có một câu chuyện về nữ công nhân quê ở huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa). Năm 2003, khi mới 18 tuổi, công nhân này xin gia đình cho vào miền Nam tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Rồi chị lấy chồng, có con và luôn thường trực nỗi lo cơm áo gạo tiền. Chị không có tiền về quê ăn Tết. Suốt 15 năm, chị chưa một lần về quê tham gia đình. Chị rất thèm được về quê. Nhưng cuộc sống ở quê chị cũng vất vả không kém. Một tấm vé xe thì công đoàn cơ sở Công ty có thể hỗ trợ chị. Nhưng để thu xếp một chuyến đi từ Long An về Thanh Hóa cho cả gia đình cùng quà về quê là rất khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của tổ chức Công đoàn và mạnh thường quân, Báo Lao động, chị đã được về quê đón Tết sau 15 năm.

Cảnh tượng 4 người trong gia đình rưng rưng nước mắt chào đón nhau, với tất cả nhớ nhung, khao khát đoàn viên trong mười mấy năm. Người mẹ già lưng đã còng. Những cảm xúc ấy khiến thời khắc như lắng đọng lại, không lời nào nói hết được. Qua những câu chuyện đồng hành cùng người lao động như vậy cho thấy, công đoàn luôn hỗ trợ người lao động khi khó khăn nhất. Cuộc đoàn tụ của gia đình chị công nhân sau 15 năm có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều so với những giá trị vật chất.

Trong hàng chục triệu công nhân lao động trong cả nước, có thể còn rất nhiều trường hợp như chị công nhân kể trên, đều có ước mong được trở về nhà vào dịp Tết. Nhưng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay, họ đã gác lại niềm khao khát của bản thân để thực hiện ý thức trách nhiệm vì cộng đồng.

Công nhân Lương Huỳnh Minh Kiên (làm việc tại nhà máy của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, tỉnh Bình Dương) trong chương trình “Tết không xa nhà”.

Theo thống kê của các cấp công đoàn, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 có ít nhất 1,5 triệu công nhân không về ăn Tết. Họ chấp nhận hy sinh giây phút đoàn viên, sum họp để hưởng ứng chỉ đạo của Chính phủ, lời kêu gọi của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Công nhân Kim Miê.I (dân tộc Khơ Me, tỉnh Sóc Trăng) năm nay cũng ở lại ăn Tết tại nhà máy. Đây là lần thứ hai anh phải ăn Tết xa nhà. Nhưng với anh, ăn Tết tại nhà máy cũng ấm cúng, đủ đầy bên đồng nghiệp.

Chị Lê Thị Loan (quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Hai vợ chồng chị làm việc tại Bình Dương đã 15 năm. Trước đây, năm nào gia đình chị cũng đều về ăn Tết với gia đình. Những giây phút nhìn thấy cha mẹ khỏe mạnh, 6 anh, chị, em ruột quây quần cùng nhau hỏi han chuyện năm cũ, chia sẻ buồn vui thật thiêng liêng, quý giá. Năm nay, gia đình chị ở lại Bình Dương đón Tết để chung tay phòng, chống dịch. Chị mong cha mẹ, anh chị, các cháu ở quê khỏe mạnh để cả nhà chờ đón một mùa đoàn viên vào dịp Tết năm sau.

Tết Nguyên đán năm nay, dù không về quê nhưng các công nhân đều phấn chấn đón Tết xa nhà.

Công nhân vẫn làm việc xuyên Tết.

Không để người lao động hụt hẫng, từ chiều ngày 28, 29 Tết, cán bộ công đoàn đã đến từng công xưởng, nhà trọ thăm hỏi, tặng quà, động viên công nhân ở lại đón Tết. Công đoàn còn vào tận khu cách ly tặng bánh chưng, mừng tuổi để công nhân cảm thấy sự đồng cảm, thân thiết khi ở hoàn cảnh khó khăn nhất.

Theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 có nhiều triệu anh, chị, em công nhân phải ăn Tết xa nhà, xa người thân. Nhưng năm nay, công nhân cũng thực sự được trải nghiệm đón một cái Tết không xa nhà. Các cấp công đoàn cùng chính quyền địa phương, doanh nghiệp đã tạo không khí ấm cúng để anh chị đón Tết bên đồng nghiệp. Ngoài những hoạt động như tặng quà, hỗ trợ tiền mặt, Công đoàn còn tặng vé thăm quan du lịch, tổ chức các hoạt động vui chơi để công nhân tuy xa nhà nhưng có dịp trải nghiệm văn hóa địa phương nơi mình gắn bó. Vui Tết nhưng không quên nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Sau Tết, mong công nhân trở lại nhịp độ sản xuất với năng suất cao, chất lượng tốt, phát triển doanh nghiệp, địa phương và đất nước. Hẹn Tết năm sau khi không còn Covid-19, anh, chị, em công nhân sẽ về quê để đoàn viên với gia đình”.

Năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vận động công nhân lao động ở lại ăn Tết. Số lượng công nhân đăng ký ở lại ngày càng lớn, lên tới hàng triệu người.

 

NGUỒN:  Theo Báo Lao Động

Link bài: “Tết không xa nhà”…

https://cuocsongantoan.vn/tet-khong-xa-nha-cong-nhan-don-tet-van-minh-thoi-dai-dich-67182.html

1/5 - (1 vote)

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *