Tết tây, Tết ta

Trần Hương Giang/ Báo Khám Phá

Những du khách nước ngoài cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam tại phố đi bộ Nguyễn Huệ

—–

Trong những thời khắc cuối cùng của năm 2019, tôi bất chợt nghĩ về cái Tết của người phương Tây mà hiện nay đã được người Á Đông chúng ta đón nhận và tổ chức khá long trọng.

Đi dọc theo con đường sách treo đèn lấp lánh, đâu đó trong các cửa hàng nhỏ là những cây thông rực rỡ và các tấm thiệp đủ màu được đặt ngăn nắp trên những chiếc kệ gỗ. Ở cuối con đường có một quán cà phê sách lịch sự, nơi phát những bản nhạc ballad tiếng Anh và mấy chiếc bàn tròn được lấp kín người. Đưa mắt nhìn vào, tôi bắt gặp đâu đó hình ảnh rất nhiều khách nước ngoài ngồi lẫn giữa những nhóm người Việt đang trò chuyện vui vẻ bằng tiếng Anh. Bất chợt một dòng suy nghĩ thú vị xuất hiện trong đầu tôi “từ bao giờ mà văn hóa của người phương Tây đã du nhập vào phương Đông và ở thời điểm hiện tại, con người ta đang đề cao giá trị văn hóa nào?”.

Hành trình khám phá những vùng đất mới có lẽ phát triển ở các nước phương Tây trước hết. Đó cũng là điểm khởi đầu giúp người Châu Âu có thể đặt chân đến một châu lục xa lạ để làm quen với những con người có vóc dáng thấp bé và màu da khác biệt. Điều ngược lại đã không xảy ra trong lịch sử khi người Châu Á đã không thể vượt đại dương trước, có lẽ chính nền văn hóa có chút khép kín vô tình ràng buộc suy nghĩ của người Á Đông. Tư tưởng Nho giáo không cho phép con người chạm đến đường giới hạn của chính mình, đôi khi sự đề cao ước muốn của bản thân lại là một tội lỗi.

Geert Hofstede, một giáo sư người Hà Lan nổi tiếng với lý thuyết văn hóa đa chiều có thể ứng dụng cho việc giao tiếp đa quốc gia, đã định nghĩa văn hóa là “việc lập trình tập thể tâm trí để phân biệt thành viên của một nhóm hoặc loại với người của nhóm hoặc loại khác”. Thông qua các hoạt động lao động, học tập, vui chơi, giải trí ở các quốc gia khác nhau, chúng ta cũng có thể nhận ra được phần nào “tâm trí” của các nhóm người được “lập trình tập thể” ở các vùng đất là khác biệt. Trong một bài nghiên cứu cùng với các cộng sự của mình, Hofstede đã sử dụng 6 thước đo văn hóa để chỉ ra sự khác biệt giữa các quốc gia, trong đó có hai thước đo rất thú vị đó là: chủ nghĩa cá nhân và tính bốc đồng.

Một sự thật dễ đoán đối với văn hóa Á Đông, chủ nghĩa cá nhân vốn không được đề cao như ở các nước phương Tây. Cái nôi sản sinh các giá trị văn hóa cốt lõi của chế độ phong kiến mà tiêu biểu nhất là tư tưởng của Khổng Tử và Lão Tử đã xây dựng nên tư duy cá nhân phải thuộc về tập thể và tính trung thành là điều cần được đề cao nhất. Trong khi đó, ở các nước phương Tây, các cá nhân trong xã hội luôn được khuyến khích và đề cao tính tự lập, chăm lo cho bản thân và gia đình.

Tính bốc đồng xác định mức độ con người có thể kiểm soát mong muốn và sự bốc đồng của mình. Đa phần xã hội phương Tây có khuynh hướng cho phép các cá nhân được thoải mái thăng hoa từ bản chất của con người trong việc tận hưởng cuộc đời. Ngược lại, nhiều xã hội phương Đông khuyên người ta nên biết kìm hãm nhu cầu và có khuynh hướng kiểm soát bằng những quy phạm xã hội.

Người dân TP.HCM tham gia lễ hội đón năm mới theo lịch dương. Ảnh: Zing

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng không một nét văn hóa nào là hoàn toàn tích cực hay tiêu cực, nhưng xu hướng phát triển chung của xã hội loài người đó là hướng đến việc xây dựng và hoàn thiện những nền văn hóa. Trải qua một thời gian dài kể từ khi những người phương Tây đầu tiên đặt chân đến các nước phương Đông, hai nền văn hóa này vẫn đang có sự tiếp cận, giao thoa và học hỏi lẫn nhau. Trong khi những con người Á Đông vẫn không thôi ngưỡng mộ sự tự do, phóng khoáng và những thành tựu khoa học công nghệ đến từ các nước bên kia đại dương thì ngược lại, những người phương Tây lại cảm thấy bị lôi cuốn và mê hoặc bởi nét đẹp văn hóa huyền bí cùng những giá trị đạo đức truyền thống được xây dựng và gìn giữ trong xã hội phương Đông.

Trong những thời khắc cuối cùng của năm 2019, tôi bất chợt nghĩ đến cái Tết của người phương Tây mà hiện nay đã được người Á Đông chúng ta đón nhận và tổ chức khá long trọng. Ngoài đặc điểm khác biệt cơ bản trong việc dùng lịch dương và lịch âm, văn hóa tết Tây phương cũng mang màu sắc rất đặc biệt. Nếu trong những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới, người phương Đông có truyền thống quây quần bên nhau trong gia đình để thưởng thức những món truyền thống và trò chuyện về một năm đã qua thì người Tây phương lại thích gặp gỡ nhau ở công viên hay quảng trường để cùng đếm ngược thời gian và đốt pháo hoa rực rỡ.

Người phương Tây luôn xem năm mới là một dịp vui vẻ để họ có thể bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp, người phương Đông lại có nhiều tập tục cấm kỵ trong dịp này để tránh xui rủi, đặc biệt, họ thích đi viếng các địa điểm tâm linh để cầu nguyện cho năm mới tốt đẹp. Rõ ràng, cùng là một sự khởi đầu nhưng người Á Đông vẫn có những sự e dè và thiên về nội tâm nhiều hơn.

Với người Việt Nam, năm mới là dịp để quây quần bên nhau.

Tuy nhiên, nếu thay đổi góc nhìn một chút, ta sẽ thấy văn hóa năm mới của người Á Đông có lồng vào tư tưởng tôn trọng cội nguồn, gốc tích. Năm mới là dịp để những người con trong gia đình về thăm và chúc tết cha mẹ, người học trò tìm về tri ân người thầy của mình, những người ở xa có dịp quay về lại quê hương. Sự khắng khít, bền chặt trong mối quan hệ tình cảm giữa người với người chính là nét đẹp văn hóa Á Đông có sức mê hoặc lớn đối với người phương Tây.

Ngày cuối cùng của năm cũ để chuẩn bị đón chào một năm mới theo lịch dương, tôi cho rằng chúng ta hãy đón nhận một cái Tết với tinh thần cởi mở để có thể chiêm nghiệm những nét đẹp văn hóa của người Tây phương, nhất là tinh thần lạc quan và hãnh tiến của họ. Nhưng bên cạnh đó, việc giữ gìn và hoàn thiện những giá trị tốt đẹp trong văn hóa của người Á Đông cũng là một nhiệm vụ thiêng liêng mà mỗi người chúng ta nên nghĩ đến.

NGUỒN:  Theo Báo Khám Phá.vn

Link bài: Tết tây, tết ta

(http://khampha.vn/toi/tet-tay-tet-ta-c8a751157.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *