Vũ Khuê (Economy)
Nguồn: Internet
Bữa qua đọc báo Pháp Luật Tp HCM thấy bài: 100 Doanh nghiệp gia đình góp 25% GDP Việt Nam, có đoạn nhấn mạnh: “100 doanh nghiệp (DN) gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 1/4 GDP cả nước. Các DN gia đình đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc đẩy mạnh sự phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp”. Cho thấy vai trò Doanh nghiệp gia đình đóng một vai trò quan trọng nhất định. Chính phủ ngày càng quan tâm, Hội doanh nhân Việt Nam có ngày càng nhiều các hội thảo về xây dựng phát triển doanh nghiệp gia đình, một lĩnh vực kinh tế còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Điều đó làm cho các doanh nghiệp gia đình như tui thêm phấn khởi và tin tưởng.
……………………………………….
Dù định hướng sớm cho con cái, phần lớn doanh nghiệp gia đình Việt Nam gặp khó khăn trong quá trình chuyển giao cho thế hệ thứ hai
Nguy cơ hiển nhiên nhất có thể dẫn đến thất bại của một doanh nghiệp gia đình là quá trình kế nhiệm. Việc chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo chính là điểm yếu trong mô hình doanh nghiệp kiểu này.
Tại hội thảo “Chuyên nghiệp hóa doanh nghiệp gia đình” nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và kỷ niệm 3 năm thành lập Hội đồng doanh nhân và gia đình Việt Nam (28/6/2014 – 28/6/2017), ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam cho rằng doanh nghiệp gia đình đang đóng một vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Doanh nghiệp gia đình có xu hướng vượt trội hơn các loại hình doanh nghiệp khác về doanh số, lợi nhuận và các chỉ số tăng trưởng khác. Thống kê cho thấy 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 1/4 GDP của cả nước.
Lo ngại về khủng hoảng quản trị doanh nghiệp
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, lợi thế của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam là sự gắn bó tình cảm tin cậy, nhưng nó cũng đặt ra thách thức về việc cân bằng giữa mối quan hệ này với các nguyên tắc quản trị công ty chuyên nghiệp.
Do đó, làm sao xử lý được mối quan hệ gia đình, họ hàng với những nguyên tắc quản trị công ty minh bạch là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp này.
Là nhà tổ chức nghiên cứu và tư vấn phát triển doanh nghiệp, ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam, cho rằng việc kế nhiệm, duy trì và phát triển doanh nghiệp qua nhiều thế hệ là mong muốn của các doanh nghiệp gia đình.
Dù định hướng cho con cái từ rất sớm thông qua định hướng nghề nghiệp và đào tạo tại các nền giáo dục tiên tiến nhưng phần lớn các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đều gặp khó khăn trong quá trình chuyển giao cho thế hệ thứ 2.
“Thách thức này sẽ ngày một lớn hơn trong bối cảnh Việt Nam hội nhập và cạnh tranh khốc liệt. Vì vậy đòi hỏi phải chuyên nghiệp hóa các doanh nghiệp gia đình ngay từ bây giờ”, ông Hùng nói.
Còn theo ông Hoàng Hải Âu, Chủ tịch – Tổng giám đốc Hoàng Gia Media Group, tại Việt Nam, một trong những vấn đề nhức nhối nhất của doanh nghiệp gia đình đó chính là phát triển bền vững.
Doanh nghiệp gia đình có lợi thế đó là tính gắn kết cao, tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, hơn 10 năm phát triển kinh tế thị trường, những gì được cho là lợi thế thì giờ lại trở thành rào cản bởi kết cấu của các doanh nghiệp này, làm cho chúng khó chuyên nghiệp hóa, khó đưa người ngoài vào. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không thể thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài vào được.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lại lo ngại về khủng hoảng quản trị doanh nghiệp gia đình. Cụ thể là vấn đề quản trị doanh nghiệp gia đình không tốt gây mâu thuẫn.
Ông Hiếu dẫn chứng, gần đây có sự việc của một thương hiệu cà phê phát triển rất tốt, khi không thiết lập được quản trị chuyên nghiệp dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình, kéo đến mâu thuẫn trong công ty nên khi xảy ra mẫu thuẫn các doanh nghiệp cùng hệ thống ngừng cung cấp sản phẩm cho nhau.
Thiết lập “quy định cuộc chơi” ngay từ đầu
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam cho biết, khi trao đổi với các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam, bà nhận thấy các doanh nghiệp này thường không có sự tách bạch rõ ràng giữa vấn đề gia đình và vấn đề kinh doanh.
Khi nói đến vấn đề kinh doanh, chúng ta thường đưa vấn đề gia đình vào và ngược lại. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải tách bạch thành hai vấn đề riêng biệt.
Theo bà Vân, trên thế giới, cũng có doanh nghiệp gặp trường hợp như chúng ta nhưng không nhiều. Hơn nữa, họ có bộ quy tắc ứng xử trong gia đình. Điều này sẽ giúp đảm bảo ai tham gia điều hành hay không tham gia điều hành.
Ở các nước trên thế giới, các thế hệ doanh nghiệp gia đình có quy mô to, rộng. Vấn đề thừa kế cũng được chỉ định rất rõ ràng.
Trẻ con khi mới ra đời đã biết được quyền thừa kế của mình, khi đạt đến độ tuổi nào họ sẽ tham gia điều hành doanh nghiệp. Trong trường hợp không tham gia điều hành, họ vẫn có quyền thừa hưởng lợi ích mà doanh nghiệp gia đình của họ đã gây dựng.
Thế nhưng ở Việt Nam, theo bà Vân, doanh nghiệp gia đình lại thường không coi trọng vấn đề pháp lý. Doanh nghiệp của mình làm chủ, điều hành nhưng có khi lại nhờ cô dì chú bác đứng tên doanh nghiệp.
Khi phát sinh tranh chấp, bất đồng hay người chủ doanh nghiệp không còn, họ có thể bị mất toàn bộ tài sản bởi trên giấy tờ, doanh nghiệp của họ lại đứng tên người khác.
Tán thành ý kiến trên, bà Đoàn Thị Thu Nga, Giám đốc Công ty Luật Lawpro, cho biết, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp gia đình đang vận hành trên nền tảng quản trị điều hành chưa ổn định.
Thêm vào đó chúng ta chưa tách bạch được môi trường doanh nghiệp và gia đình. Điều này dẫn đến tiềm ẩn về rủi ro pháp lý trong quản trị.
Như chủ doanh nghiệp Việt Nam ít coi trọng về vấn đề pháp lý, điển hình như vấn đề nhờ đứng tên diễn ra khá phổ biến. Có thể là nhờ đứng tên tài sản, khi doạnh nghiệp phát triển có thêm các công ty con thì nhờ người nhà, con cháu và người trong gia đình đứng tên, việc này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn.
Mặt khác, quy tắc quản trị điều hành ở doanh nghiệp gia đình Việt Nam vẫn thiếu quy tắc ngay từ ban đầu, không có bản quy tắc cổ đông.
Do đó, cần xây dựng cơ cấu tổ chức một cách rõ ràng, minh bạch; từ đó phân định rõ ở nhà và ở công ty. “Nếu thiết lập “quy định cuộc chơi” ngay từ đầu của những người điều hành kinh doanh thì sẽ hạn chế được những rủi ro cho doanh nghiệp”, bà Nga gợi ý.
Theo Economy
Link bài: Thách thức về chuyển giao quyền lực trong doanh nghiệp gia đình