Độ thấm của chính sách nhìn từ con số tăng trưởng 7.46%

Trần Quí Thanh

Nguồn: Internet

Đối với các chính sách vĩ mô, không phải có tác dụng ngay sau khi ban hành, mà cần có thời gian, các chuyên gia gọi đó là “độ thấm” của chỉnh sách. Độ thấm đó có nghĩa là thời gian tối thiểu để triển khai đến các ban ngành, xuống các địa phương, áp dụng được vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp và đời sống xã hội. Có những chính sách được triển khai tốt thì sẽ đi vào cuộc sống nhanh, mang lại hiệu quả tích cực cho đất nước. Nhưng cũng có những chính sách tuy rất tốt, nhưng triển khai quá chậm, làm mất đi cơ hội phát triển.

Cũng có những chính sách ngay sau khi ban hành, tuy còn chờ “độ thấm” vẫn có tác động tích cực ngay lập tức, bởi vì chính sách đó được cộng đồng ủng hộ mạnh mẽ. Gần đây, một số chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và quyết định cải cách của các bộ có ỹ nghĩa như vậy. 

Tổng cục Thống kê (GSO) vừa đưa ra con số chính thức về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước ta trong quý III. Con số 7.46% khiến nhiều người bất ngờ vì chính Ngân hàng Phát triển Châu Á đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2017 chỉ ở mức 6,3%. Vì sao có con số ngoạn mục như vậy? Báo cáo thống kê cho thấy, khối lượng hàng hoá sản xuất,  xuất khẩu tăng, nhiều mặt hàng nông sản tiếp cận được thị trường khó tính.

Những thông tin tích cực về sản xuất và xuất khẩu được công bố, các bạn có thể tham khảo thêm, ở đây tui xin chia sẻ quan điểm của tui vào động lực được tạo ra từ những chính sách của Chính phủ. Niềm tin vào cải cách, kiến tạo của Chính phủ sẽ là cơ sở để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường. Theo Vietnamnet,  9 tháng năm nay, cả nước có 93.967 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 902,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, còn có 21.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên hơn 115 nghìn doanh nghiệp. Đây là những con số rất đáng khích lệ, cho thấy tinh thần khuyến khích sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ đưa ra từ đầu năm đang dần chuyển biến thành hành động.

Độ thấm của chính sách không chỉ được đo lường bằng con số, mà còn thể hiện ở niềm tin và tinh thần của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Các cuộc gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp liên tục của Thủ tướng đã truyền cảm hứng đến doanh nghiệp, các nhà đầu tư, để biến nguồn cảm hứng thành giá trị trong hiện thực, còn chờ đến sự hành động từ hai phía.

Báo chí cho rằng con số tăng trưởng ấn tượng trên như một cú đề-pa để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin vào điều này. Việt Nam có nguồn lực con người, có tài nguyên, có môi trường đầu tư ổn định và nhiều tiềm năng, việc còn lại là chính sách phù hợp và triển khai hiệu quả.

Tui xin mạnh dạn nêu ý kiến nhé, nếu Chính phủ quyết liệt bỏ hết điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành không phù hợp, lành mạnh hoá hoạt động hải quan và thuế, có chính sách hỗ trợ vốn và các điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đặc biệt là với các doanh nghiệp khởi nghiệp, thì tăng trưởng còn cao hơn.

Ban hành chính sách là một việc, nhưng độ thấm của chính sách là việc khác. Đừng để mất quá nhiều thời gian cho việc triển khai một chính sách, làm được điều này cũng là sự kiến tạo.

Sài Gòn 6/10/2017

TQT

Link bài: 7.46%: Cú đề-pa quan trọng

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *