Tham nhũng chính sách là cha của tham nhũng

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Báo Người Đô Thị

—–

Gửi anh Trần Quí Thanh

Tôi không phải là doanh nhân, chỉ là cán bộ nhà nước bình thường đã về hưu. Nhưng tôi rất ngưỡng mộ những doanh nhân tài giỏi như anh. Đọc blog của anh nhiều nay mới mạo muội tâm sự. Có lần tôi thấy anh bàn về tham nhũng chính sách. Anh nói rất trúng  một nguyên nhân của tham nhũng chính sách là lợi ích nhóm. Tôi rất tán đồng. Tuy vậy anh chưa phân tích  nhiều về sự nguy hiểm của lợi ích nhóm và  mối quan hệ “mặn nồng” giữa lợi ích nhóm và tham nhũng chính sách. Rất mong anh chỉ giáo về vấn đề này.

Năm mới chúc anh sức khoẻ. Sức khoẻ là số 1 phải không anh?

Trân trọng

Lê Minh Hỉ ( Sài Gòn):hisaigon_1955@gmail.com

—–

Anh Lê Minh Hỉ mến!

Trước hết, tham nhũng là loại tội phạm có chức vụ, chức vụ càng cao thì cơ hội tham nhũng càng lớn. Người không có chức thì không thể tham nhũng, dân thì làm sao có thể tham nhũng phải không anh.

Lấy  tiền bạc của nhà nước, lấy tiền của dự án, rút ruột công trình để chia nhau, bán chức lấy tiền cũng là tham nhũng, nhưng những loại tham nhũng đó chưa đáng sợ bằng tham nhũng chính sách.

Phải là những người có quyền lực mới thực hiện tham nhũng chính sách. Họ được giao nhiệm vụ thiết kế chính sách, đưa ra những quy định, luật lệ để quản lý điều hành, và họ lợi dụng nhiệm vụ đó để thiết kế những chính sách có lợi cho nhóm lợi ích. Tham nhũng chính sách là cha của tham nhũng.

Các bộ soạn các loại Nghị định trình Chính phủ, hoặc Thông tư, trong đó đưa ra các quy định để tạo thêm quyền lực cho ngành mình, bắt buộc các doanh nghiệp phải chấp hành những quy định đó có nghĩa là tăng thêm việc xin cho. Chúng ta gọi “giấy phép con” hay điều kiện kinh doanh, và nếu nó là loại vô lối, gây hại cho doanh nghiệp vì phải chung chi, bôi trơn, thì người thiết kế các quy định này là tham nhũng chính sách.

Có những nhóm lợi ích xây dựng các doanh nghiệp sân sau, rồi họ đưa ra những quy định có lợi cho những doanh nghiệp đó, gây bất lợi cho những doanh nghiệp cạnh tranh, thậm chí gần như độc quyền thị trường. Đó cũng là tham nhũng chính sách.

Tham nhũng chính sách còn thể hiện rất rõ ở lĩnh vực đất đai. Các quy hoạch về giao thông, đô thị đưa ra nhằm mục đích phục vụ nhóm lợi ích, họ nắm trước thông tin và khai thác kinh doanh từ các quy hoạch đó. Gần đây, một số vụ việc xảy ra liên quan đến đất đai, trong đó có bóng dáng của tham nhũng chính sách.

Lord Acton nói “Quyền lực làm tha hóa. Quyền lực tuyệt đối làm tha hóa tuyệt đối”.

Muốn dẹp nạn tham nhũng chính sách thì phải hạn chế quyền lực và giám sát quyền lực. Khi để cho các cá nhân trong cơ quan quản lý thao túng, đề ra chính sách, quy định phục vụ nhóm lợi ích thì đó là sự tha hóa của quyền lực. Tham nhũng chính là thể hiện rõ nhất của sự tha hóa.

Chào anh, chúc anh vui Tết an lành nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *