Anh Đào/ Báo LĐO
Những cảnh đưa – nhận chớp nhoáng của nhân viên “chạy lệnh” và các cán bộ hải quan (Hình ảnh PV Lao Động phản ánh trong bài “Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa – nhận tại Hải quan Hải Phòng”.
—-
“Nhân chi sơ tính bản thiện”, cái thiện có từ sơ, nhưng cái thiện phải được được dưỡng nuôi trong môi trường chí thiện.
Giáo lý Kitô giáo có khái niệm rất nhân bản, đó là “dịp tội”. Có nghĩa là, đừng tạo dịp tội cho ai, vì chính mình cũng là người gây ra tội.
Anh để một xấp tiền hớ hênh, có người không kìm được lòng tham, lấy trộm của anh, người đó có tội, nhưng anh chính là người gây “dịp tội”.
Một người đem sản phẩm của anh sản xuất, phá cho nó hỏng, đến tống tiền anh, anh muốn cho qua chuyện vặt, đưa cho người đó ít tiền, anh chính là người gây ra dịp tội. Bởi vì, lần sau sẽ có những người khác học theo.
Tham nhũng vặt cũng tương tự, doanh nghiệp muốn yên thân, chuồi cái phong bì cho xong. Nhưng đã vô tình tạo một sự tàn phá văn hóa và văn minh của một quốc gia.
Một quốc gia chỉ biết ăn vặt thì làm sao lớn lên được.
Trần Quí Thanh
—–
“Cử tri còn bất bình vì nạn tham nhũng vặt chưa giảm, doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi làm thủ tục hành chính” – Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri báo cáo trước Quốc hội.
Bên cạnh những tín hiệu mừng vì hàng loạt vụ tham nhũng lớn, có lợi ích nhóm đang được triệt phá từ từ thì mối lo của người dân về “tham nhũng vặt” đang là bức xúc lớn. Tệ nạn ấy như những cơn “nhức đầu xổ mũi” không làm người ta đau nặng, bệnh lớn nhưng cứ nhức nhối, triền miên và rất mệt mỏi.
Đôi khi chỉ là “lót tay” vài trăm nghìn cho một thủ tục hành chính của người dân hay khâu nào đó của doanh nghiệp. Tuy nhiên hàng triệu người phải chấp nhận, hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải bắt buộc làm thì số tiền ấy rất lớn, không thua kém gì những vụ tham nhũng ngàn tỉ, thất thoát trăm tỉ. Nhưng điều mà cả xã hội lo ngại hơn là chuyện tưởng như vật vãnh ấy sẽ là mầm mống cho hậu họa lâu dài.
Những kẻ nhũng nhiều dân chúng và doanh nhân để kiếm từng đồng bạc lẻ nếu êm xuôi sẽ dần dần nắm những vị trí quan trọng. Khi ấy, vài trăm nghìn đồng sẽ phải “biến” thành bạc tỉ. Không “cấu véo” vặt, chúng lại xà xẻo công quỹ, đục khoét ngân sách để thỏa mãn lòng tham và thói quen suốt vài chục năm ngồi ghế béo bở. Lúc đó, thiệt hại vô cùng khôn lường vì bọn “ăn một phá mười” sẽ “ăn chẳng từ thứ gì” để phục vụ cho bản thân và nhóm lợi ích của mình.
Có thể ai đó tặc lưỡi cho qua vì không đáng, nếu bị phát hiện chắc cũng chỉ “kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc” và “tạo cơ hội cho sửa sai, xử lý nhân văn”. Tư duy đó sẽ là mảnh đất màu mỡ để tham nhũng vặt sinh sôi nảy nở thành hiểm họa lớn. Hành xử ấy chắc chắn sẽ tiếp tay và nuôi dưỡng cho những công chức thoái hóa hôm nay biến chất mạnh sau này. Khi ấy, thiệt hại nặng nề và đau xót nhất lại giáng lên đầu những người dễ dãi bỏ qua hôm nay.
Tham nhũng to hay nhỏ đều từ tiền của dân, của cải từ ngân sách và chuyện vặt hôm nay sẽ thành cực kì lớn của mai sau. Bất bình của số đông, lo lắng của những người tâm huyết và cảnh báo từ cấp cao chẳng phải lần đầu nhưng hiểm họa “vặt vãnh” ấy chỉ tăng lên. Có lẽ những hô hào, quyết tâm, biện pháp hay khuyến cáo chưa đủ để biến cái nhỏ thành thứ cực nhỏ. Giờ đây nên thẳng tay và mạnh mẽ trên thực tế để trừ hậu họa cho tương lai.
NGUỒN: Theo Báo Lao Động online
Link bài:Tham nhũng vặt, hiểm họa lớn
(https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tham-nhung-vat-hiem-hoa-lon-637569.ldo)