Phan Thanh Hà/ Báo TBKTSG
—–
Nhiều ý kiến phản biện liên quan đến cách tính giá điện hiện hành cho thấy EVN cần có sự tiếp thu và thay đổi, khi mà cộng đồng xã hội không đồng tình có nghĩa là cách làm chưa phù hợp, đơn giản là như vậy.
Tui nghiên về ý kiến chia biểu giá điện thành 3 bậc thay vì 6 bậc. Bậc 1 từ 0-100 kwh với giá 1.549 đồng/kwh là mức hiện hành thấp nhất như EVN đề nghị. Bậc 2 từ 101-400 kwh với mức giá đúng bằng giá bình quân (400 kwh là bậc cao nhất trong biểu giá hiện hành). Bậc 3 là từ 401 kwh trở lên.
Ưu thế của cách tính này là đơn giản, vẫn bảo đảm được sự hỗ trợ cho người nghèo, và lấy khoản thu ở bậc 3 để bù vào cho số người tiêu dùng thuộc nhóm bậc 1, EVN không bị thiệt gì trong cách tính này.
Với hộ nghèo đang chiếm đa số hiện nay, việc chi tăng thêm vài trăm ngàn đồng tiền điện mỗi tháng là ảnh hưởng đến sinh hoạt. Bởi vì thu nhập thấp, mọi chi phí đều được tính toán chi li, tăng chi khoản này thì không còn tiền để giải quyết nhu cầu tiêu dùng khoản khác. Cho nên, chính sách hỗ trợ giá điện cho nhóm này là cần thiết và phải giữ ổn định.
Người nghèo tất nhiên luôn chủ động tiết kiệm, nhưng trong điều kiện nắng nóng thì tiêu dùng điện phải tăng, cho nên tính tăng lượng điện tiêu thụ bậc 1 theo cách tính như bài báo này đề xuất là hợp lý.
Trần Quí Thanh
—–
Biểu giá điện nên được thiết kế lại, chỉ gồm 3 bậc (thay vì 6 bậc như hiện nay) với các biểu giá cụ thể như sau: bậc 1 từ 0-100 kwh với giá 1.549 đ/kwh là mức hiện hành thấp nhất như Tập đoàn Điện lực (EVN) đề nghị; bậc 2 từ 101-400 kwh với mức giá đúng bằng giá bình quân; và bậc 3 từ 401 kwh trở lên.
Với cách tính giá này, mức nhà nước hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách không thay đổi mà thực tế là người tiêu dùng bù chéo cho nhau, trong khi đó EVN không hề bị thiệt.
Giá điện còn nhiều bất cập
Sau khi hóa đơn tiền điện tháng 5 được phát hành, số lượng khiếu nại hoá đơn tiền điện tăng mạnh. Ngày 23-6, EVN đã ra thông cáo báo chí, trong đó thông báo tình hình tiêu thụ điện đột biến trong tháng 5.
Hơn 3,1 triệu khách hàng trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (khoảng 11,92% khách hàng) có mức tiêu thụ điện tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4, đặc biệt có hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300%. EVN cho rằng hóa đơn điện kỳ tháng 6 sẽ còn tăng cao hơn tháng 5 do các đợt nắng nóng gay gắt liên tiếp kéo dài.
EVN đã nhanh chóng tổ chức Đoàn công tác với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Hội Bảo vệ người tiêu dùng để kiểm tra, xác minh việc hoá đơn tiền điện tăng đột biến trong thời gian qua.
Cho rằng điện không phải là hàng hóa được khuyến khích sử dụng nhiều nên biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt phải đưa ra hình thức bậc thang nhưng EVN và Bộ Công Thương đều chưa giải thích vì sao lại áp dụng các nguyên tắc giá điện cho hộ gia đình khác với các khu vực khách hàng khác, dẫn đến hóa đơn tiền điện chỉ tăng đột biến trong các tháng hè đối với hộ gia đình, còn đối với khu vực khác thì tăng nhưng không đột biến.
Trong biểu giá bán điện hiện hành chỉ có điện sinh hoạt là bán lẻ theo giá bậc thang 6 bậc, còn lại đều theo nguyên tắc 1 giá. Điện sản xuất công nghiệp bán theo công suất và theo giờ trong ngày (cao, thấp điểm); khối hành chính sự nghiệp (bệnh viện, cơ quan, trường học) bán 1 giá theo công suất; khối kinh doanh thương mại bán theo giờ cao điểm, thấp điểm.
Biểu giá hiện hành bán lẻ điện chưa hợp lý là nguyên nhân chính khiến nhiều hộ gia đình phải trả tiền điện tăng sốc trong những tháng hè như tháng 5 vừa qua. Phân tích biểu giá điện bán lẻ hiện hành cho thấy giá trung bình thực tế có thể cao hơn con số được Bộ Công Thương phê duyệt.
Theo Quyết định 648/QĐ-BCT ngày 20-3-2019 thì mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Trong biểu giá hiện hành, bậc 3 có mức giá xấp xỉ mức giá bình quân được duyệt (chỉ thấp hơn 6,44 đồng), dưới mức bình quân (bậc 3) có 2 bậc và trên mức bình quân có 3 bậc.
Trong khi đó, số hộ sử dụng dưới 50kwh/tháng (khoảng 1,8 triệu hộ) là ít hơn hẳn so với số hộ sử dụng dưới 300kwh/tháng (20 triệu hộ), chiếm 87% số khách hàng.
Mức giãn cách giữa các bậc trong biểu giá bán lẻ điện hiện hành
Bậc |
Mức sử dụng (kwh) |
Mức giá (đ/kwh) |
Chênh lệch so với mức bình quân được duyệt (đồng) |
1 |
0-50 |
1.549 |
315,44 |
2 |
51- 100 |
1.600 |
264,44 |
3 |
101-200 |
1.858 |
6,44 |
4 |
201- 300 |
2.340 |
-475,56 |
5 |
301-400 |
2.615 |
-750,56 |
6 |
Từ 401 |
2.701 |
-836,56 |
Trước đó, ngày 24-5-2019, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra giá điện với 3 nội dung: (1) việc điều chỉnh giá bán điện, (2) phương pháp tính giá điện (3) việc thu tiền điện tuy nhiên đến nay, kết luận vẫn chưa được công bố.
Ngày 24-2-2020, Bộ Công Thương đã gửi Công văn số 1184/BCT-ĐTĐL lấy ý kiến rộng rãi về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt với 4 phương án, gồm 1 bậc, 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc với 2 kịch bản. Bộ nghiêng về phương án 5 bậc với kịch bản 1. Tuy nhiên, ngày 31-3-2020, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng cho phép lùi thời gian trình phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đến sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Cần thay đổi để gỡ khó cho người dân
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt nên chia thành 3 bậc để dễ quản lý. Bậc 1 nên thấp hơn giá bình quân, dành cho hộ nghèo và chính sách, bậc 2 nên bằng giá bình quân và bậc 3 nên cao hơn giá bình quân, đủ để bù đắp cho nhóm 1. Giá lũy tiến tăng chỉ áp dụng đối với bậc sử dụng nhiều hơn mức thông dụng trong xã hội, tức là bậc 3, để hạn chế tiêu dùng (có tác dụng như thuế tiêu thụ đặc biệt).
Có thể thiết kế biểu giá cụ thể như sau. Bậc 1 từ 0-100 kwh với giá 1.549 đồng/kwh là mức hiện hành thấp nhất như EVN đề nghị. Bậc 2 từ 101-400 kwh với mức giá đúng bằng giá bình quân (400 kwh là bậc cao nhất trong biểu giá hiện hành). Bậc 3 là từ 401 kwh trở lên.
Với mức giá bậc 1 chỉ bằng 83,1% giá bình quân thì giá cho bậc 3 ít nhất phải bù thêm 16,9% giá của nhóm 1và có thể cộng phần trăm sai sót, dự phòng và tỷ lệ lũy tiến tiết kiệm điện.
Với cách tính giá này, mức nhà nước hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách 50 kWh mỗi tháng không thay đổi (hơn 1.000 tỉ đồng/năm) mà thực tế là người tiêu dùng bù chéo cho nhau. EVN không bị thiệt vì tiêu dùng điện ngày càng tăng, trong khi giá bán lẻ bình quân vẫn giữ nguyên.
Người sử dụng điện không bị ảnh hưởng nhiều so với biểu giá hiện hành, thậm chí được lợi do được tính đúng. Bậc dưới 50 kwh vẫn giữ mức giá hiện nay. Bậc bị tăng là từ 51-100 kwh nhưng mức tăng không đáng kể là 13.000 đồng/tháng (giá hiện nay là 1.600 đồng/kwh tăng lên 1.864,44 đồng/kwh, tăng 264 đồng/kwh).
Bậc từ 101-200 kwh chỉ bị tăng 640 đồng/tháng do giá hiện hành 1.858 đồng/kwh tăng lên 1.864,44 đồng/kwh. Các bậc còn lại đến 400kwh được giảm tiền điện và quan trọng hơn là không bị tăng đột biến trong các tháng hè nóng bức. Chỉ có hộ dùng từ 401kwh trở lên là bị tăng đáng kể, phù hợp với chính sách tiết kiệm điện.
Với biểu giá bán lẻ điện như vậy, hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình trong các tháng hè nóng nực sẽ không đột biến, dù vẫn tăng, giống như các khu vực khách hàng khác. Điều này có ý nghĩa khi thu nhập của gia đình trong các tháng hè không tăng, thậm chí còn bị giảm do tác động của dịch Covid-19.
NGUỒN: Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Link bài: Thay đổi…
(https://www.thesaigontimes.vn/