Thích ứng, linh động để hóa giải vướng mắc

Nguyên Khánh/ Báo Thanh Niên

Nguồn hình: Internet

Năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu, đa số người dân đều ở yên trong nhà, thì lực lượng hoạt đông mạnh nhất ngoài đường chính là shipper.

Lực lượng này rất linh hoạt, len lỏi mọi ngóc ngách trong thành phố giao hàng hóa, lương thực, thực phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Nếu không có lực lượng này, người dân sẽ gặp khó khăn trong việc dược đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng hằng ngày trong dịch dịch bệnh.

Đa số người dân phải nằm yên trong nhà không dám ra ngoài, siêu thị thì thường bị vét sạch, nên chỉ còn cậy đến shipper. Nhiều người làm việc online, cũng cần đến shipper vì họ không có thời gian để nấu ăn, chưa kể nhiều thứ cần thiết khác phải đáp ứng trong sinh hoạt hằng ngày.

Ở Sài Gòn mấy tháng nay, nhiều gia đình có đầy đủ lương thực, thực phẩm là nhờ shipper, chỉ cần gọi điện là có người phục vụ. Gia đình bạn bè ở các nơi khác gửi hàng hóa vào cho người thân trong Sài Gòn đều được shipper phục vụ chu đáo.

Cho nên, phải nói rằng, shipper trong lúc đại dịch “là một phần tất yếu của cuộc sống”.

Có shipper, không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, để người dân không đi ra ngoài, bảo đảm thực hiện giãn cách xã hội, mà chính shipper còn là kênh tiêu thụ hàng hóa. Nhà sản xuất cầm cự được là vì hàng hóa còn được tiêu thụ, nếu không có shipper, tình thế sẽ khó khăn hơn nhiều.

Có một tin rất vui, đó là gần 7.000 shipper ở Hà Nội được cấp phép hoạt động giao nhận hàng hóa, các đơn vị đăng ký cho shipper hoạt động phải quản lý và giám sát công tác phòng dịch và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các trường hợp lây nhiễm COVID-19.

Như vậy, người dân Hà Nội yên tâm về chuyện được phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Có ý kiến cho rằng, để yên tâm hơn, đề nghị chính quyền ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng này, bởi vì shipper đi lại nhiều, tiếp xúc với nhiều đối tượng, nhà cung cấp, khách hàng. Bảo vệ an toàn cho shipper chính là bảo vệ an toàn cho cộng đồng.

Trần Quí Thanh

—–

Sau khi TP.HCM siết chặt dịch vụ giao hàng, hãng xe công nghệ be hôm qua đã chính thức tạm ngưng hoạt động, không ít tài xế của các công ty khác cũng chủ động tắt app; nhiều siêu thị ngưng đơn hàng online vì thiếu shipper còn người tiêu dùng than trời vì giá cước tăng cao mà gọi xe lại không đơn giản.

Những than phiền, vướng mắc trên… không sai. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh lây lan rất nhanh hiện nay, không có giải pháp nào tối ưu cho tất cả. Mỗi cá nhân, tổ chức và cả chính quyền phải thích ứng, linh động trước khó khăn, thiệt thòi, thậm chí là mất mát, vì mục tiêu chung. Ở góc độ người dân, thay vì mua theo thói quen, nhu cầu ở nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều hàng hóa… giờ chỉ mua những thứ thật sự thiết yếu ở các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi đóng trên địa bàn cư trú. Các đơn vị phân phối chịu khó “lọc” đơn hàng ngay từ khi nhận phù hợp với quy định “mỗi shipper chỉ được giao, nhận hàng trên một quận, huyện”, hoặc điều chuyển đơn hàng về các chi nhánh, cửa hàng theo địa chỉ của khách bởi mạng lưới của các hệ thống bán lẻ giờ đã có mặt khắp nơi. Riêng các hãng xe công nghệ, vẫn biết hoạt động ở thời điểm này vừa tốn kém (chi phí xét nghiệm cho tài xế) vừa rủi ro lây nhiễm… nhưng giao nhận cũng là lĩnh vực có tăng trưởng tốt ở thời điểm trước, lúc này cũng nên chia sẻ với đất nước…

Quan trọng nhất vẫn là sự linh hoạt trong điều hành chính sách, đặc biệt là liên quan đến dịch vụ thiết yếu. Shipper là mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng, nhất là trong bối cảnh giãn cách xã hội hiện nay. Khi chính quyền yêu cầu người dân ở nhà chống dịch, shipper đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu của hàng triệu con người cũng như giúp nông dân tiêu thụ được rau quả, thực phẩm. Những nghịch lý như thịt gà rẻ hơn rau ở Đồng Nai nhưng nhiều nơi không có gà ăn; rau quả ở ngay tại Hóc Môn (TP.HCM) ế đầy đồng nhưng ở các quận trung tâm không có mà mua, giá bị đẩy lên trời… cũng cho thấy mắt xích phân phối bị đứt gãy. Mới chỉ 2 ngày trước, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT phải họp với các tỉnh phía nam và lập đường dây nóng để kết nối tiêu thụ nông sản bởi “nhiều nông sản thì giá rất rẻ, ế thừa trong khi nhiều khu dân cư đô thị, khu ven đô lại thiếu thực phẩm, không có mà ăn”. Nhưng chúng ta sẽ thúc đẩy tiêu thụ thế nào nếu không tạo điều kiện cho shipper hoạt động? Tạo điều kiện, không phải là cho họ hoạt động thoải mái nhưng cần sự mềm dẻo, linh hoạt trong điều hành và kiểm soát. Chẳng hạn các siêu thị ở TP.HCM hiện chỉ mở cửa từ 6 giờ đến 17 – 18 giờ thì họ cũng chỉ hoạt động trong khung giờ này. Có nhất thiết phải “siết” đến từng chi tiết vị trí, bảng tên, địa chỉ nơi giao hàng? Hay trường hợp gần nhà xa ngõ. Mua hàng ở siêu thị trong quận có khi còn xa hơn nhiều lần so với siêu thị ở quận kế bên… Hay chiến lược vắc xin cũng nên ưu tiên cho họ. Bởi shipper nói riêng và tài xế nói chung đang ở tuyến đầu của chuỗi phân phối. Họ di chuyển nhiều, gặp gỡ nhiều để đưa nhu yếu phẩm đến tay người dân. Họ an toàn, cũng góp phần bảo đảm an toàn chung cho xã hội.

Không có giải pháp tối ưu nhưng tất cả đều có chung mục tiêu là đẩy lùi dịch bệnh. Nếu cứ “nhìn” như vậy, mọi khó khăn vướng mắc sẽ được hóa giải.

NGUỒN: Theo Báo Thanh Niên

Link bài: Thích ứng…

https://thanhnien.vn/chao-buoi-sang/thich-ung-linh-dong-de-hoa-giai-vuong-mac-1421496.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *