Trương Thị Cẩm Hương/ Khối TTTT
—–
Tôi biết đến THP từ khi đang là sinh viên và đến năm cuối Đại học tôi cũng như các bạn cùng khóa cố gắng tìm cho mình một công ty để được trải nghiệm công việc của một nhân viên marketing. Tôi đã không ngần ngại gửi hồ sơ xin thực tập tại THP và được phỏng vấn cùng 6 bạn khác, kết quả là công ty chọn 5 thực tập sinh trong đó có tôi và tôi được chọn vào nhóm của nhãn hàng Nước Tăng lực Number 1. Khi ấy tôi đã nghĩ mình được chọn phần nhiều là may mắn.
Sau thời gian thực tập, tôi được nhận vào làm việc chính thức tại công ty. Thời đó hầu như các anh, chị làm với tôi đều có nhận xét chung là tôi ít nói, suốt ngày chỉ cúi mặt vào máy tính. Thật sự là vậy, khi ấy công việc hàng ngày của tôi là nhận và đánh giá hiệu quả các chương trình chào mời tài trợ. Thời gian đầu tôi vật vã với chúng, tôi không biết với thư mời ấy tôi nên đề xuất thêm quyền lợi gì là cần cho công ty? Tôi đề xuất như vậy nếu sếp đã duyệt mà đối tác không đồng ý thì phải làm sao? Tại sao các chị khác trong nhóm làm việc này trông rất đơn giản, đàm phán là được ngay, trình lên là được sếp duyệt?… Hàng tá câu hỏi trong đầu của một đứa nhân viên mới ra trường, thêm vào đó là cảm giác sợ sệt, thiếu tự tin khi “bán” chương trình ấy cho nhãn hàng. Khi ấy tôi là “nạn nhân” của các phòng ban liên quan, tôi đã từng có lúc bế tắc, chán nản và thậm chí là xin đầu hàng.
Tối hôm ấy tôi nhớ mình đã ở lại phòng làm việc trễ hơn mọi người, trong phòng chỉ còn tôi và chị (sở dĩ tôi gọi bằng chị vì với tôi chị không chỉ là người sếp mà còn là một người chị, người thân của mình). Như mọi khi tôi trình chị duyệt bảng đánh giá chương trình tài trợ, tôi lấy hết can đảm và nói với chị về vấn đề tôi đang gặp phải. Tôi vừa nói vừa khóc như một đứa trẻ, chị lắng nghe và nhẹ nhàng giảng cho tôi bài học đầu tiên “mình là nguồn gốc của mọi vấn đề”. Thật sự sau khi được nói chuyện với chị tôi cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của câu nói ấy và cũng chưa biết mình phải hành động như thế nào để làm được việc ấy, tôi chọn cách học thuộc lòng câu nói này và luôn lẩm nhẩm trong đầu.
Cho đến thời điểm hiện tại đã là 10 năm tôi gắn bó với THP, tôi may mắn được chị giảng dạy mọi điều, chị dạy tôi cách suy nghĩ và tôi đã lớn lên bằng chính những suy nghĩ ấy. Những gì tôi học được từ chị, từ công ty tôi đều mang về “làm quà” cho đình nhỏ của mình, tôi có thể nói lại chính xác những gì tôi học và hiểu được với ông xã của mình để anh ấy có cùng suy nghĩ như tôi vì hơn ai hết tôi biết anh cũng rất cần cho công việc khi anh chuyển từ làm việc với máy móc sang công việc phục vụ khách hàng. Đây là cách chúng tôi trao đổi và động viên nhau trong công việc cũng như cuộc sống gia đình.
Vào đầu tháng 5 anh nhận được đề cử tham gia cuộc thi tay nghề toàn quốc, đây là cuộc thi hàng năm do Toyota Việt Nam tổ chức, ban lãnh đạo công ty tại Việt Nam và tại Nhật động viên anh cố gắng và đặt nhiều hy vọng vào anh. Nhưng kết quả cuộc thi không như mong muốn. Tôi biết anh rất buồn và thất vọng với bản thân, sợ đối mặt với đồng nghiệp với ban lãnh đạo công ty.
Chiều hôm ấy tôi hỏi anh “vì sao anh rớt?”, anh trả lời tôi với nhiều lý do nào là vì anh thi đầu tiên, thời gian ngắn, nhiều tình huống phải xử lý…với tôi đó không phải là lý do. Tối đến hai vợ chồng ngồi lại với nhau và tôi cũng hỏi lại anh câu hỏi ấy “vì sao anh rớt?”, anh nghĩ một lúc và nói vì anh thiếu khả năng xử lý tình huống, vâng đúng như vậy đây là lý do của anh, là điểm yếu mà anh cần hoàn thiện.
Khi làm một việc gì hay tham gia một cuộc thi thì điều mọi người hướng đến là cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt, để đạt được thành công. Nhưng một khi chúng ta thất bại thì điều đầu tiên chúng ta phải biết chúng ta đã sai ở đâu? Chúng ta yếu chỗ nào? Thất bại không có nghĩa là kết thúc mà là điểm bắt đầu để chúng ta đứng lên và đi xa hơn. Tôi đã chia sẻ điều này với anh để anh nỗ lực hơn nữa, tiếp tục hoàn thiện bản thân để đi đến thành công trong tương lai.
Nếu hỏi rằng THP đã làm tôi thay đổi như thế nào thì với tôi trong suốt 10 năm qua THP không làm thay đổi tôi mà đúng hơn là THP đã nuôi dưỡng và phát triển tôi. Từ một người nhút nhát, không tự tin trong công việc cũng như trong giao tiếp nhưng giờ đây tôi đã làm tốt những công việc ấy. Và tôi tiếp tục hoàn thiện bản thân để có thể phát triển trong công việc cũng như những mong đợi từ Công ty.
Trương Thị Cẩm Hương