Đặng Văn Cường/ Number One Hà Nam
—–
Đó là câu chuyện của tôi sau khi gia nhập vào Đại gia đình THP
Một ngày nọ…
- Anh có 1 tin, để em lựa chọn nhé
- Tin gì vậy anh?
- Bây giờ có 1 công việc đi đúng giờ, về đúng giờ, không có chuyện ở nhà đến nửa buổi mới đi, rồi khi con ốm cũng khó ở nhà chăm sóc con được. Điều quan trọng là thu nhập cũng ít hơn, không có những khoản đột biến…
- Anh có việc gì nữa à?
- Ừ. Công ty Number One gọi anh đến nhận việc
- Tiền ít hơn cũng được anh ạ. Anh về đấy mà làm, chứ anh đi thị trường vất vả, ăn uống lại thất thường, xe cộ đi đường không an toàn…
Đó là lời người bạn đang nắm tay tôi, cùng tôi đi trên 1 con đường “khuyên” tôi khi tôi thông báo kết quả sau 3 vòng phỏng vấn tại Number One.
Cũng không đơn giản…
Ngày đầu tiên đi làm, tôi còn nhớ rất rõ, ngày 31 tháng 8 năm 2015, tôi được anh trưởng bộ phận giao cho công việc quản lý kho MRO (nhân viên) ngay sau vài phút gặp gỡ anh, mà trước đó vị trí ứng tuyển của tôi là thủ kho thành phẩm. Nghĩ rằng việc nào cũng là việc nên tôi đồng ý ngay mà chẳng cần suy nghĩ, đắn đo, dù vẫn biết việc tôi đảm nhận có level thấp hơn J.
Tôi nhận việc và choáng ngợp bởi số lượng vật tư trong kho và … không có người bàn giao công việc, không có thông tin vị trí của vật tư cả thực tế lẫn hệ thống, nhiều vật tư không hề có tên tuổi, thông số… bởi anh bạn nhân viên kho MRO đã nghỉ việc trước đó mấy tháng, việc nhập xuất thực tế lúc đó được giao cho 1 em gái nhỏ nhắn, xinh đẹp có chuyên môn làm trợ lý Giám đốc nhà máy. Nghe em chia sẻ: Em mới tham gia xuất hàng được 1 tuần, mỗi lần có người đến lấy vật tư là cả 1 cực hình, không rõ vật tư ở đâu, nên em và các anh phòng bảo trì cùng nhau tìm kiếm trong mọi ngóc ngách của kho, mất rất nhiều thời gian, nhân lực để có thể tìm kiếm được 1 vật tư.
… Nếu bây giờ có người đến lấy vật tư thì mình sẽ lấy vật tư ở đâu, có tìm nổi vật tư trong kho không? Tồn kho kia có đúng hay không? Một sự bất cập hiện hữu trong đầu tôi. Lúc đó, tôi nghĩ phải hành động ngay, và tôi lao vào tranh thủ kiểm đếm, ghi nhận số lượng thực tế, tự đặt ra vị trí ở thực tế để định vị các vật tư mà mình có thể ghi nhận được qua thẻ nhận dạng của vật tư ngoài thời gian nhập – xuất hàng. Các thông tin nguệch ngoạc trên những tờ giấy được nhập lại vào file excel vào mỗi buổi tối khi nhờ được người mẹ trẻ đọc lại giúp sau khi cho đứa con 6 tháng tuổi ngủ ngon. 5 ngày, tôi đã hoàn thành 1 danh sách các vị trí các vật tư có đầy đủ thông tin và bắt đầu hành trình tìm tên cho các vật tư vô danh…
Sau thời gian nỗ lực để thiết lập cách thức quản lý vật tư, xây dựng, vận hành BIN và chia sẻ thông tin cho các phòng ban liên quan, để bất cứ ai cũng có thể truy tìm được vị trí vật tư trước khi đến kho, tôi đã có nhiều thời gian rảnh hơn và bắt đầu tiếp xúc với năng lực cá nhân, giá trị cốt lõi của công ty khi đánh giá kết thúc thử việc.
Tôi ấn tượng về GTCL “Không gì là không thể” – giá trị đã thúc đẩy tôi giữ lửa cho tư duy tích cực, luôn tin mình làm được. Và tôi đã làm được. Làm được điều mà trước đó 10 năm, đáng lẽ ra tôi nên làm. Tôi học được 1 điều muốn thay đổi thì cần bắt tay vào hành động ngay. Thay đổi tạo ra cơ hội, thay đổi nhanh tạo ra cơ hội nhanh. Không phải ai cũng tự nhiên biết hết mọi việc, mà cần tích luỹ trong trải nghiệm thực tế, trong việc học hỏi từ những người đi trước, từ cấp trên, từ đồng nghiệp, từ cấp dưới, từ tất cả các mối quan hệ. Nắm bắt cơ hội hay sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ mới giúp tôi có góc nhìn khác mở rộng hơn và bản thân phát triển hơn.
Tôi không thể đảm bảo bản thân sẽ thành công nhưng chắc chắn tôi sẽ làm việc liên tục cho đến khi đạt được mục đích của mình.
Mọi sự thay đổi không bao giờ là muộn.
Đặng Văn Cường