Chỉ cần một cú nhấp chuột, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua thuốc đông y, thực phẩm chức năng trên chợ mạng; còn người bán thì không có kiến thức về y tế và hiểu biết về sản phẩm. Tương tự, người mua có thể dễ dàng mua nhiều loại thuốc ở quầy thuốc mà không thể kiểm chứng được thuốc đó là hàng thật hay giả.

Trong khi cả nước đã khổ sở vì dịch bệnh, cả nước lo cứu người thì có những đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh lại ăn trên những nỗi đau của đồng bào mình.

Nguyễn Đức Thuận (46 tuổi, quê Bà Rịa – Vũng Tàu) là 1 trong 3 bị can liên quan vụ sản xuất, buôn bán thuốc điều trị COVID-19 giả, vừa bị khởi tố ngày 26/8. Ảnh: Công an TP HCM.

Minh chứng, ngày 26/8, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh tạm giam đối với các đối tượng về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh”. Trước đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ hơn 630.000 viên thuốc giả các nhãn hiệu thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, cùng số lượng lớn nguyên liệu, công cụ, phương tiện sản xuất.

Không chỉ riêng thuốc trị COVID-19 giả, mà trên thị trường khá nhiều loại thuốc giả cũng được các con buôn tìm cách trục lợi. Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “sản xuất, buôn bán hàng giả” đối với vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc đông y gia truyền, thực phẩm chức năng giả do Cục quản lý thị trường Hà Nam chuyển giao.

Hoặc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng vừa phát đi thông báo gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phát hiện mẫu thuốc aquadetrim vitamin D3 nghi ngờ là giả..v..v.

Sản phẩm nghi ngờ là giả bên trái và sản phẩm do Công ty TNHH Dược Thống Nhất phân phối bên phải.

Với các thuốc giả, những tác dụng phụ trên bệnh nhân có khả năng xảy ra và khó kiểm soát do không xác định chính xác thành phần hoạt chất có trong thuốc giả mà nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc, góp phần vào việc kháng thuốc kháng sinh – một mối đe dọa ngày càng tăng và gây chết người.

Đối với người mắc các bệnh mạn tính phải dùng thuốc trong thời gian lâu dài, nếu dùng phải thuốc giả thì sẽ đe dọa tới tính mạng vì quá trình điều trị không hiệu quả và bệnh ngày một nặng hơn.

Ở Việt Nam, hiện nay chưa có một con số thống kê cụ thể nào về số lượng người chết vì thuốc tân dược giả. Chỉ biết, hiểu rằng, một người đã bị bệnh muốn phục hồi phải tốn rất nhiều công sức, có bệnh khỏi, có bệnh không thể khỏi. Nếu người bệnh không qua khỏi, người thân vừa mất hết tài sản sau bao nhiêu năm tích cóp, vừa đau lòng mất đi người thân. Và thật đau lòng hơn nếu họ biết, người thân họ (người bệnh) dùng phải thuốc giả, sự ra đi nhanh chóng cũng một phần do thuốc giả “tác động” vào.

Làm sao để có thể đánh giá bằng mắt thường, khi thuốc giả và thuốc thật giống nhau như “hai giọt nước”?

Quá kinh khủng, quá vô cảm! Thật không còn từ gì thích hợp hơn để chỉ trích những con người có trái tim vô cảm và lòng tham vô đáy khi buôn lậu thuốc giả để bán cho người bệnh. Những người nằm trên giường bệnh mắc các bệnh đã nguy hiểm đến tính mạng, chỉ biết đặt niềm tin vào y bác sĩ, vào bệnh viện và vào từng viên thuốc. 

Biết nói gì với những kẻ đang cười cợt thân hữu với nhau, chia chác những đồng tiền thật bằng việc buôn lậu thuốc giả, trước sự rên rỉ, đau đớn của những người bệnh. Biết nói làm sao những kẻ trục lợi trên mồ hơi nước mắt của gia đình bệnh nhân. Diệt làm sao được những kẻ nhà biệt thự, đi xe hơi bằng cách moi móc túi tiền của xã hội, mà ở đó bộ phận người đau ốm, bệnh tật phải gánh hậu quả trực tiếp…

Mặc dù những kẻ buôn lậu thuốc giả – những người chắc hẳn đã khiến nhiều bệnh nhân không được điều trị đúng thuốc sẽ bị kết án. Nhưng những mức xử lý với họ chắc gì đã xoa dịu được sự tức giận của không chỉ những người bệnh, thân nhân người bệnh mà đông đảo người dân.

Do đó, cần phải có hình phạt thích đáng cho những kẻ tham tiền, hám lợi mà bán rẻ lương tâm, sát hại đồng bào thông qua hình thức buôn bán lậu thuốc giả.