Trần Quí Thanh
—–
Thưa bác,
Trước hết năm mới kính chúc bác và gia đình cùng Tân Hiệp Phát An khang thịnh vượng cùng với muôn vàn sức khoẻ và may mắn.
Chúng cháu mới lập nghiệp, đang gắng gỏi tạo dựng thương hiệu. Ở trường dạy, sách báo dạy vô số điều nên và không nên khi tạo dựng thương hiệu khiến chúng cháu lắm khi cũng bối rối.
Xin bác cho chúng biết một điều thôi, điều nên và không nên cốt lõi nhất trong việc tạo dựng thương hiệu.
Mong chờ bác trả lời.
Kính bác
Hoàng Thị Thái Lê (Đồng Nai): lethai-thihoang17@gmail.com
—–
Cháu Hoàng Thị Thái Lê mến!
Nhiều người bước vào con đường kinh doanh, thường bối rối với hai chữ thương hiệu. Và nhiều người mở miệng là nói tới thương hiệu, nhưng cũng chẳng hiểu thương hiệu là gì, lơ mơ lắm. Cho nên mới vào nghề như cháu, băn khoăn về thương hiệu bác nghĩ là chuyện đương nhiên.
Hiện nay giáo trình kinh tế, quản trị kinh doanh nói quá nhiều về thương hiệu, bác không muốn nói lại chuyện của sách vở nhiều, mà bằng thực tiễn kinh doanh và kinh nghiệm của riêng bác.
Thương hiệu cùng ra đời với doanh nghiệp, có nghĩa là khi cháu mở công ty, đặt cái tên, đăng ký ngành nghề kinh doanh thì thương hiệu đã được sinh ra, còn nuôi dưỡng cho nó trưởng thành, mặt mũi như thế nào là việc của cháu, của các ông chủ doanh nghiệp.
Thương hiệu không là vật chất cụ thể mà là linh hồn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có nhiều sản phẩm chất lượng, chiếm lĩnh thị trường thì được nhiều người biết đến, khi đó thương hiệu càng được mở rộng, nó như một thứ tài sản vô hình. Đôi khi tài sản đó lớn hơn gấp nhiều lần tài sản vật chất của một doanh nghiệp.
Nhưng công việc kinh doanh thành công không chỉ sản xuất ra sản phẩm chất lượng, mà còn biết quảng bá thương hiệu của mình, có người còn dùng đến hai chữ “đánh bóng”, bác cho cũng hợp lý thôi. Vì thế, ngành marketing, PR mới ra đời, các công ty truyền thông, tổ chức sự kiện mới có việc làm, các nhà thiết kế logo, nhãn mác sản phẩm mới có tiền xài, phát huy tài năng và sở học của mình.
Bác nói như vậy để cháu thấy rằng, thương hiệu thì vô hình, nhưng nó phải được nhận diện qua những thứ hữu hình. Cái logo, bảng hiệu, slogan, màu sắc chủ đạo, nhãn hiệu các sản phẩm. Các yếu tố để nhận diện khác rất quan trọng, đó chính là hình ảnh của nhân viên và hình ảnh của các đại diện cho thương hiệu của bạn trên các phương tiện truyền thông.
Cụ thể như, khi nhân viên của công ty là những người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, họ ăn nói lịch sự, làm việc tận tâm, miệng luôn nở nụ cười, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu hợp lý của khách hàng. Đó là thương hiệu đấy, thương hiệu không chỉ là cái logo.
Nhân vật truyền thông cho thương hiệu cũng phải được lựa chọn phù hợp với chiến lược bán hàng, tung sản phẩm. Sản phẩm phù hợp với thị trường nào thì nhân vật phải được công chúng của thị trường đó yêu thích. Kinh doanh hàng không giá rẻ thì dùng Ngọc Trinh với các em chân dài mặc bikini khoe đùi là quá thông minh, càng nhiều người bàn tán thì sức lan tỏa của thương hiệu càng rộng.
Nếu bán các loại hàng xa xỉ thì nhân vật đại diện cho sự kiện truyền thông là những chân dung điện ảnh thế giới hay những cầu thủ, ca sĩ ngôi sao. Đem một chân dài giá rẻ vô là chết ngắc, đại loại như vậy. Ví dụ Nike mời cầu thủ siêu sao Ronaldo, tay golfer nổi tiếng Tiger Woods mang giày hay mặc áo thể thao, phải cỡ đó mới xứng đáng với logo cánh chim nổi tiếng quả đất của họ.
Sản phẩm của cháu là gì, đối tượng khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng của cháu là ai, chiến lược phát triển của cháu là gì, càng định hình rõ thì xây dựng và phát triển thương hiệu mới hiệu quả, nhanh chóng. Nếu không, chi phí rất nhiều nhưng sức lan tỏa rất hạn chế, chưa kể bị phản ứng ngược.
Chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)