Tiếng Anh là chìa khóa để mở cánh cửa hội nhập

Trần Quí Thanh

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất nên công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng, tiếng Anh sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) vươn ra toàn cầu. (Theo Báo ANTĐ)

 —–

Hay tin đề xuất quy định tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai không được Quốc hội chấp thuận, tui thấy rất lấy làm tiếc. Tui tôn trọng quyết định của Quốc hội theo nguyên tắc đa số phiếu, nhưng xin nêu quan điểm cá nhân của mình.

Chúng ta nói nhiều đến các cụm từ: hội nhập, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thế giới phẳng, và ai cũng biết, hội nhập trước hết là ngôn ngữ.

Muốn học tập, tiếp cận, nghiên cứu cái mới của thế giới để làm ra các sản phẩm có giá trị tầm nhân loại, thì công cụ bắt buộc phải có là tiếng Anh, sau đó mới tính đến công cụ khác. Đơn giản vì, tất cả những tài liệu quan trọng nhất, mới nhất, công trình vừa công bố cũng được thể hiện bằng tiếng Anh.

Với tầm nhìn này, Lý Quang Diệu đã Anh hóa quốc đảo Singapore bằng cách đưa tiếng Anh làm ngôn ngữ chung và sử dụng trong công sở. Chính vì chính sách song ngữ mang tính lịch sử này, mới có Singapore ngày hôm nay.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2007, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đưa ra lời khuyên: “Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu”. Và ông khuyên nên tập trung cho việc học tiếng Anh, như Singapore đã từng làm và thành công.

Trả lời News York Time năm 2010, ông Lý Quang Diệu khẳng định: “Tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc của đất nước tôi và đó cũng là điều đem lại thành công cho chúng tôi thông qua việc kết nối rộng rãi với toàn cầu”.

Để tiếng Anh có thể được như ông Lý Quang Diệu nói, phải mất ít nhất 20 năm thì từ khi đưa ra chính sách, cho nên nếu hôm nay chưa bắt đầu, thì không biết đến bao giờ người Việt Nam mới làm chủ được tiếng Anh, không phải hạn chế như hiện nay.

Vẫn biết rằng, bằng cách đào tạo hiện nay, cộng với lực lượng trẻ du học, thì cũng có một số người sử dụng tốt tiếng Anh cũng có nhiều, nhưng không thể đáp ứng được đòi hỏi của thời đại, một thời đại hội nhập.

Khi có chính sách và được luật hóa, thì sẽ tạo ra nguồn động lực mới. Nhà nước sẽ đưa ra các quy định mà bắt buộc công dân phải học tiếng Anh mới có thể đáp ứng được, ví dụ tiếng Anh trong công sở như Singapore đã thực hiện.

Đặc biệt trong trường học, khi dã có luật, thì giáo viên, chương trình học đều đảm bảo các tiêu chuẩn Anh ngữ. Các môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh, học sinh nghe, nói, đọc viết tiếng Anh từ cấp 1, cho nên khi vào đại học, việc học trực tiếp bằng tiếng Anh là chuyện bình thường.

Và khi ra trường đi làm cho các đơn vị, tổ chức trong nước hay ra nước ngoài, công dân Việt Nam có thể chủ động hoàn toàn về ngôn ngữ phổ biến nhất hành tinh.

Nhưng cho dù Quốc hội không chấp thuận đề xuất song ngữ, mà một trong những người có tiếng nói tâm huyết là Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thì bản chất về sự quan trọng của tiếng Anh vẫn không thay đổi. Cho nên các bạn trẻ hãy tự lo cho cho bản thân, hãy học tiếng Anh và luôn luôn học tiếng Anh.

 

Sài Gòn ngày 16/06/2019

TQT

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *