Trần Quí Thanh
—–
Kính gửi bác Dr Thanh!
Thưa bác, chúng cháu là những Startup, lập nghiệp trong thời đại 4.0 trong khi chúng cháu chưa hề sẵn sàng tham gia cách mạng 4.0. Thậm chí hiểu về 4.0 hãy con lơ mơ lắm ạ.
Xin bác cho chúng cháu biết một cách ngắn gọn nhất cách mạng 4.0 là gì và muốn tham gia cuộc cách mạng này thì những Strartup như chúng cháu cần phải làm gì?
Kính mong bác trả lời chúng cháu, cảm ơn bác rất nhiều.
Lê Hoàng & Lê Minh ( Sài Gòn) startup_minhhoang89@gmail.com
—–
Lê Hoàng & Lê Minh mến!
Ngắn gọn nhất, cách mạng công nghiệp đầu tiên là động cơ đốt trong, thứ hai là động cơ điện, thứ ba là máy tính và tự động hóa.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là kết hợp các công nghệ của các lĩnh vực kỹ thuật số, sinh học, vật lý.
Chỉ một dòng về cách mạng công nghiệp 4.0 vậy thôi nhưng là một bước phát triển vĩ đại của nhân loại, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, công nghệ sinh học sẽ thay đổi thế giới, trong đó hệ thống sản xuất, quản lý sẽ chịu tác động rất mạnh mẽ.
Nhưng cũng đừng vì những sản phẩm quá ghê gớm của cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới như xe tự lái, robot thế hệ mới… mà hoảng hồn. Họ làm ra được những sản phẩm đó là việc của họ, còn chúng ta tiếp cận với cách mạng 4.0 theo sức của mình. Miễn là chúng ta có tiến bộ, có tiếp thu, có thực hành, còn hơn là đui mù không biết thế giới đang tiến đến đâu.
Thay đổi nhận thức của chính mình trong việc vận dụng thành tựu của công nghiệp 4.0 để quản trị là căn bản cho mọi sự thay đổi. Còn bảo thủ, trì trệ thì lạc hậu và thất bại, công nghệ thay đổi như vũ bão thì thế giới không có chỗ cho những kẻ không chịu vận động. Có chuyên gia đã phân tích rằng, chuyển đổi số là sự thay đổi về tư duy và nhận thức của chủ doanh nghiệp cũng như nhân viên, chứ không phải bài toán về công nghệ.
Việc đầu tiên mà cháu có thể làm ngay là số hóa dữ liệu của doanh nghiệp. Chúng ta cứ chê chưa có chính quyền điện tử, số hóa để quản lý hiện đại, minh bạch, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng thử hỏi có được mấy doanh nghiệp điện tử hóa, số hóa chính mình để tạo ra các hình thức giao dịch hiện đại, thuận lợi cho khách hàng và các đối tác.
Một doanh nghiệp có quá nhiều công văn giấy tờ, hội họp được thay thế bằng một hệ thống quản trị hiện đại, hạn chế tài liệu giấy tờ, tiết kiệm thời gian và chi phí thủ công, số hóa cả các quy trình giao việc và kiểm soát công việc…
Từ bước số hóa này, huấn luyện, đào tạo nhân sự, rồi đi những bước tiếp theo với những ứng dụng ở trình độ cao hơn, sử dụng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Phải bắt tay hành động và sẽ trưởng thành theo quá trình hành động đó.
Chúc hai cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)