Tiêu dùng số, thanh toán số vào “bệ phóng”

Nhĩ Anh/ VnEconomy

Số liệu khảo sát 15.000 nhà bán lẻ Việt Nam được Sapo đưa ra đầu năm 2022 cho thấy chuyển khoản đã vượt lên trên tiền mặt trở thành phương thức thanh toán được chấp nhận phổ biến nhất tại các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng, quán ăn, quán cafe (chiếm 36,5%). Hình thức thanh toán này cũng được các nhà bán hàng chấm điểm cao nhất về mức độ dễ dàng sử dụng và đối soát. Ngược lại, hình thức cổng thanh toán (tích hợp trên website) và thẻ tín dụng online không được ưa chuộng, chủ yếu do thời gian đối soát kéo dài và khó theo dõi dòng tiền.

Rõ ràng Việt Nam đang tiến gần hơn đến một nền tài chính toàn diện và dần trở thành một xã hội không dùng tiền mặt.


Số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số ở Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ. Cùng với sự thay đổi trong xu hướng hành vi tìm kiếm thông tin, mua sắm hàng hóa sản phẩm, dịch vụ, các hình thức thanh toán không tiền mặt cũng dần lên ngôi, được ứng dụng ngày càng nhiều trong đời sống xã hội…

Nếu năm 2020 chứng kiến hàng triệu người chuyển sang thế giới số thì năm 2021 cho thấy sự phát triển vững vàng của dòng chảy kỹ thuật số. Để đáp ứng nhu cầu hàng ngày trong bối cảnh dịch bệnh, người tiêu dùng Việt Nam đang chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến. Các chuyên gia nghiên cứu khẳng định, sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các hình thức mua sắm, thanh toán trực tuyến sẽ tiếp tục tồn tại, phát triển.

SỐ LƯỢNG NGƯỜI TIÊU DÙNG KỸ THUẬT SỐ TĂNG

Từ xu hướng tìm kiếm của người Việt cho thấy, tổng số lượng tìm kiếm trên Google đã tăng 37% trong năm 2021 so với trước đại dịch. Tại Việt Nam, tới 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng các dịch vụ trực tuyến và 99% trong số họ có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai.

Những người tiêu dùng đã quen với thế giới số tiếp tục chọn sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Những lợi ích như tiết kiệm thời gian và chi phí, sản phẩm và dịch vụ đa dạng, dịch vụ giao hàng tận nơi là những động lực thúc đẩy người mua sắm chọn trải nghiệm số hóa. Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020, trong đó phần lớn là nhờ vào mức tăng trưởng 53% của ngành thương mại điện tử.

Người dùng hiện đang khai thác nhiều lợi ích của công nghệ và ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Người dùng hiện đang khai thác nhiều lợi ích của công nghệ và ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày.

Theo Báo cáo nền kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á năm 2021, từ khi đại dịch Covid bắt đầu Đông Nam Á đã có thêm 60 triệu người tiêu dùng số mới, trong đó 20 triệu người tham gia chỉ trong nửa đầu năm 2021. Được thúc đẩy bởi đại dịch, người tiêu dùng số hiện tại đã chi tiêu nhiều hơn vào các dịch vụ trực tuyến, giao dịch trung bình trong các ngành mới kể từ khi dịch bệnh bắt đầu.

Còn tại Việt Nam, từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với hơn một nửa trong số đó đến từ các khu vực không phải thành phố lớn.

Còn theo khảo sát của Facebook và Bain & Company, từ khi bắt đầu đại dịch, khoảng 70 triệu người Đông Nam Á trên 15 tuổi đã trở thành người tiêu dùng số. Ước tính năm 2021, số lượng người tiêu dùng số khu vực đạt 350 triệu. Riêng tại Việt Nam, cứ 7 trong số 10 người tiêu dùng đều được tiếp cận kỹ thuật số. Việt Nam ước tính có khoảng 53 triệu người tiêu dùng số năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng người tiêu dùng số song hành với mức tăng chi tiêu số nhanh chóng trên địa bàn lên tới 80%/năm. Dự kiến tổng giá trị mua sắm trực tuyến sẽ tăng gấp đôi đến năm 2026. Trong đó, Việt Nam được kỳ vọng là thị trường có tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử ước đạt 56 tỷ USD vào năm 2026, tăng 4,5 lần so với giá trị ước tính của năm 2021.

THANH TOÁN KHÔNG TIỀN MẶT LÊN NGÔI

Khảo sát của Facebook và Bain & Company cho thấy lần đầu tiên việc thanh toán sử dụng tiền mặt đã có sự sụt giảm đáng kể từ 60% trong 2020 xuống còn 42% năm 2021. Sức hút mạnh mẽ từ các hình thức hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phản ánh qua mức tăng sử dụng ví điện tử lên đến 82% và tăng chuyển khoản ngân hàng lên tới 18%.

Xu thế này cũng được khẳng định qua kết quả khảo sát 15.000 nhà bán lẻ Việt Nam được Sapo đưa ra đầu năm 2022. Theo đó, chuyển khoản đã vượt lên trên tiền mặt trở thành phương thức thanh toán được chấp nhận phổ biến nhất tại các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng, quán ăn, quán cafe (chiếm 36,5%). Đồng thời, sự phát triển đa dạng, cạnh tranh khốc liệt giữa nhiều thương hiệu và chương trình khuyến mãi hấp dẫn của các ví điện tử đã đưa hình thức này lên Top 3 loại hình thanh toán được chấp nhận nhiều nhất.

Sự phổ biến của các hình thức thanh toán. (Nguồn Sapo)
Sự phổ biến của các hình thức thanh toán. (Nguồn Sapo)

Chuyển khoản cũng được các nhà bán hàng chấm điểm cao nhất về mức độ dễ dàng sử dụng và đối soát. Ngược lại, hình thức cổng thanh toán (tích hợp trên website) và thẻ tín dụng online không được ưa chuộng, chủ yếu do thời gian đối soát kéo dài và khó theo dõi dòng tiền.

Theo nhận xét của các chuyên gia, Việt Nam đang tiến gần hơn đến một nền tài chính toàn diện và dần trở thành một xã hội không dùng tiền mặt. Nghiên cứu của Google cho thấy, đại dịch đã thay đổi cách người dùng kế nối nguồn tiền và cách họ tương tác với các ngân hàng. Thói quen thanh toán bằng tiền mặt đã thay đổi hoàn toàn ngay cả khi lệnh giãn cách xã hội tiếp tục được nới lỏng. Ngày càng có nhiều người Việt cởi mở với các công nghệ thanh toán mới. Tỷ lệ mở thẻ online trong năm qua đã tăng 66%. Tại Việt Nam, số lượt tìm kiếm trên mạng cho một số dịch vụ ví điện tử đã tăng gấp 10 lần.

NẮM BẮT CƠ HỘI TỪ CÁC XU HƯỚNG TIÊU DÙNG SỐ MỚI

Theo xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng, các doanh nghiệp hiện đang điều chỉnh chiến lược kỹ thuật số của mình để đáp ứng nhu cầu của người dùng mới chuyển sang sử dụng các dịch vụ trực tuyến.

Khảo sát cho thấy, có 81% nhà bán hàng kỹ thuật số ở Việt Nam có khả năng sẽ tăng cường việc sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trong 1- 2 năm tới. 82% trong số họ dự đoán rằng hơn một nửa doanh thu trong 5 năm tới sẽ đến từ các nguồn bán hàng trực tuyến. Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số đang trở thành những động lực quan trọng khi xu hướng thanh toán số tiếp tục tăng mạnh do đại dịch. Hiện nay, 99% các nhà bán hàng kỹ thuật số chấp nhận các phương thức thanh toán số. 72% đã áp dụng các giải pháp cho vay kỹ thuật số khi khách hàng có nhu cầu, dựa vào và sử dụng các tùy chọn kỹ thuật số.

Theo xu hướng thay đổi hành vi của người dùng, các doanh nghiệp đang điều chỉnh chiến lược kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu của người dùng mới chuyển sang sử dụng các dịch vụ trực tuyến. 81% nhà bán hàng kỹ thuật số ở Việt Nam có khả năng sẽ tăng cường việc sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trong 1-2 năm tới. 

Đại dịch không chỉ thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang thế giới số, mà còn làm cho nhiều nhà bán hàng tham gia nền kinh tế kỹ thuật số để bán sản phẩm trên các nền tảng khác nhau như thương mại điện tử.

Số hóa đang ngày càng trở thành ưu tiên của các thương hiệu ngành hàng tiêu dùng khi khách hàng tương tác với các thương hiệu trên nhiều kênh trực tuyến và ngoại tuyến. Việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số không chỉ mang lại trải nghiệm đa kênh cho khách hàng mà còn chuyển đổi người mua một lần thành khách hàng lặp lại.

Đối với cách thức mua sắm, rất nhiều nhà bán lẻ đã gia tăng được tối thiểu 30-100% doanh thu so với trước dịch do nhanh chóng và kịp thời phát triển các nền tảng tiếp cận khách hàng online và cung cấp hàng hóa đa kênh e-commerce và mạng xã hội. Ở sân chơi này khách hàng không quan trọng quy mô thương hiệu mà ưu tiên lựa chọn nhà cung cấp chủ động tiếp cận họ sớm nhất với cách thức mua sắm tiện lợi, đơn giản nhất và tiết kiệm chi phí nhất.

Có thể thấy số lượng lớn người tiêu dùng Việt đang tiếp cận kỹ thuật số và thực hiện mua sắm online. Khám phá sản phẩm, mua sắm và thanh toán online đã trở thành một hoạt động tự nhiên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo các chuyên gia, đã đến lúc các thương hiệu tận dụng cơ hội từ sự chuyển đổi hành vi của người tiêu dùng.

Chia sẻ về những diện mạo mới của người tiêu dùng Việt, chuyên gia của McKinsey khẳng định, công dân thế hệ số (thế hệ Z và Y) đang trở thành một động lực ngày càng lớn trong bức tranh tiêu dùng Việt Nam. Sự nổi lên nhanh chóng của đối tượng người tiêu dùng số đã tiếp “nhiên liệu” cho những đổi mới trong hành vi bán lẻ và mua sắm.

Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng cho các hệ sinh thái số. Ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, những gián đoạn liên quan đến Covid-19 đã đẩy nhanh việc chấp nhận kỹ thuật số ở nhiều ngành. Xu hướng tăng tốc này cũng đã thấy rõ tại Việt Nam. Từ các lớp học online đến đặt đồ ăn trực tuyến, người tiêu dùng Việt đã gia tăng tốc độ chấp nhận và sử dụng công nghệ số. Nghiên cứu nhận thấy 41% người tiêu dùng số tại Việt Nam là người mới sử dụng công nghệ số và 91% trong số này có ý định tiếp tục sử dụng các công cụ số sau đại dịch.

Nguồn: https://vneconomy.vn/tieu-dung-so-thanh-toan-so-vao-be-phong.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *