Trần Quí Thanh
Kính thưa chú Trần Quí Thanh,
Chúng cháu ở CLB sellers Thành phố Thanh Hoá. Theo dõi blog của chú khá lâu và nhận được nhiều bài học quí giá từ chú. Chúng cháu ơn chú nhiều lắm ạ.
Chúng cháu được biết Tân Hiệp Phát có hệ thống bán hàng trên toàn quốc (và cả quốc tế) rất rộng lớn và vững mạnh. Vậy xin chú cho biết bí quyết để có đội ngũ bán hàng “vừa khôn vừa ngoan”. Rất mong chú hồi âm.
Kính chúc chú vạn an.
Chủ nhiệm CLB.
Lê Minh Hòa (Thanh Hoá): hoa_leminh1980@gmail.com
—–
Lê Minh Hòa mến!
Một doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa sản phẩm tốt, nhưng đó chỉ là một khâu trong chuỗi hoạt động sản xuất và thương mại của doanh nghiệp.
Trước đây, đa số doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, cứ sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao là thành công, nhưng thực tế đã cho câu trả lời khác suy nghĩ của họ. Muốn thành công thì sản phẩm đó phải ra được thị trường và phải được người tiêu dùng lựa chọn, được tiêu thụ mạnh. Sản phẩm tốt mà không ai biết đến, không ra được thị trường thì cũng chỉ để ngắm nhìn và tự khen mình tài mà thôi.
Do đó, doanh nghiệp phải có các hoạt động khác như truyền thông, marketing, bán hàng. Các bộ phận này phải mạnh, xuất sắc, thì sản phẩm mới ra được thị trường.
Đội ngũ bán hàng là lực lượng đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, cho nên phải hình dung họ như là những tiền đạo trên sân cỏ. Các khâu trước đó như sản xuất, truyền thông, marketing là chuyền bóng, còn tiền đạo thì ghi bàn, dứt điểm.
Cho nên, nhân viên bán hàng đòi hỏi các tố chất nhanh nhẹn, khéo léo, xoay xở giỏi, hoạt ngôn, biết làm hài lòng và có sức thuyết phục khách hàng, đối tác. Những tố chất đó gói gọn trong hai chữ “thông minh”, hoặc một chữ thôi, đó là “khôn”.
Tuy nhiên, các CEO rất ngại những nhân viên dày dạn kinh nghiệm và rất “khôn”, vì họ có thể dùng cái “khôn” của mình cho mục đích cá nhân nhiều hơn là cho công việc của doanh nghiệp. CEO có thể tuyển dụng nhân viên bán hàng có kinh nghiệm, thông minh linh lợi, nhưng họ sẽ giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Ai có biểu hiện “khôn mà không ngoan” thì sẽ bị loại ngay.
“Khôn thì rõ rồi, còn “ngoan” là sao?
Đó là làm việc chăm chỉ, trung thực, không lợi dụng vị trí công việc để kiếm chác cho cá nhân.
Đó là hiểu được văn hóa, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và làm việc trên cơ sở đảm bảo các giá trị đó, đặt mục tiêu thành công của doanh nghiệp lên cao nhất.
Đó là luôn nhận thức được rằng, tạo ra doanh số bán hàng tương xứng với thương hiệu của sản phẩm. Trên thực tế, có nhiều sản phẩm bán chạy, doanh nghiệp thu được lợi nhuận, nhưng đội ngũ bán hàng không giỏi. Bởi vì, đúng ra họ phải bán được nhiều sản phẩm hơn dựa trên một thương hiệu mạnh.
Đó là biết phối hợp tốt với các bộ phận khác như truyền thông, marketing để cho hoạt động bán hàng của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.
Đó là làm việc nhóm tốt, sẵn sàng giúp dỡ đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ.
Đó là không ngừng tìm tòi, học hỏi để nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn.
Qua những phân tích đó, chú muốn nói với cháu rằng, tìm người “khôn” dễ, nhưng tìm người “vừa khôn vừa ngoan” khó lắm.
Chúc cháu thành công!
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)