Tĩnh và động biến ảo khôn lường, đòi hỏi người cầm quân sáng suốt

Trần Quí Thanh 

Nguồn hình: Internet

—–

Kính gửi bác Trần Quí Thanh

Chúng cháu là các CEO tí hon trong CLB Khởi nghiệp trẻ của Sài Gòn.  Ba năm qua nhờ chăm chỉ đọc blog của bác mà chúng cháu học hỏi được nhiều kinh nghiệm, chúng cháu lớn khôn hơn nhiều. Thật lòng cảm ơn bác vô cùng.

Nay chúng cháu gởi tới bác câu hỏi này: Người ta hay nói về nghệ thuật lãnh đạo là thông suốt và uyển chuyển giữa tĩnh và động. Chúng cháu chưa thật hiểu về vấn đề có tính triết học này lắm. Mong bác giải thích ạ.

Năm mới chúng cháu kính chúc bác và Đại gia đình Tân Hiệp Phát an khang thịnh vượng, phúc lộc đề huề

CLB Khởi nghiệp trẻ (Sài Gòn): khoinghieptresaigon2017@gmail.com

—–

Các bạn CLB Khởi nghiệp trẻ mến!

Tĩnh và động là hai phạm trù đối lập nhưng tồn tại cùng nhau. Đối với các binh gia cũng như các nhà lãnh đạo, sự thuần thục trong vận dụng tĩnh và động sẽ mang lại sự thành công, nếu không sẽ gặp thất bại.

Thường khi nói đến tĩnh và động, nhiều người chỉ nghĩ đến “lấy tĩnh chế động” như một sách lược cao minh. Nhưng thực ra không phải như vậy, mà biết lúc nào tĩnh, biết lúc nào động, biết lúc nào lấy tĩnh chế động, nhưng cũng có lúc phải lấy động để chế tĩnh.

Người đọc Tam quốc diễn nghĩa còn nhớ khi Lưu Bị dẫn quân chinh phạt Đông Ngô để trả thù cho Trương Phi. Khi thế quân Thục đang mạnh, Lục Tốn là nguyên soái của Đông Ngô không cho đánh, chỉ cho thua, lui binh. Đó là chọn cái tĩnh vào thời điểm mang tính chiến lược, đợi đến khi dụ quân Thục vào sâu, gặp thời tiết khắc nghiệt phải vào rừng đóng quân, lúc đó Lục Tốn dùng hỏa công để tiêu diệt. Lưu Bị một thời oanh liệt đi theo quân sư Khổng Minh đốt thiên hạ, nay bị thiên hạ đốt, chạy về Bạch Đế thành buồn sinh bệnh mà chết.

Nhưng binh pháp cũng dạy xuất kỳ bất ý, tập trung lực lượng tấn công mạnh mẽ để địch trở tay không kịp. Lý Thường Kiệt đánh thành Ung Châu, Quang Trung dụng binh thần tốc là biết tích lũy đủ lực, chọn đúng thời điểm để động binh.

Đối với lãnh đạo doanh nghiệp, gặp khó khăn, khủng hoảng mà tâm không loạn, tĩnh trước hết là tĩnh cho bản thân, cho cá nhân của người lãnh đạo.

Bình tĩnh quan sát, phát hiện những khoảng trống cần phải lấp, chỗ nguy cần phải đề phòng, chỗ xung yếu cần tăng cường nguồn lực. Lúc chưa đủ lực thì cần tĩnh, nếu động thì nắm chắc phần thua.

Nhưng khi tập trung đủ nguồn lực, thấy được thời cơ, thì phải tung ngay toàn lực để dành thế thắng. Ra sản phẩm, quảng cáo, PR, chiếm lĩnh thị trường, bứt phá vượt lên đối thủ cạnh tranh.

Trong binh pháp, hai chữ “thần tốc” luôn được nhắc đến, vấn đề là chọn đúng thời điểm để “tốc chiến tốc thắng”. Cái này nói thiệt là không trường lớp nào dạy được, đó là dự cảm, linh cảm của cá nhân có năng lực và được rèn luyện qua thực tiễn.

Nếu các bạn có bãn lĩnh, tự tin, quyết đoán, thì sẽ nhận ra được lúc nào tĩnh và lúc nào động. Thương trường cũng như chiến trường, binh pháp biến ảo khôn lường, đòi hỏi một vị tướng cầm quân sáng suốt.

Chúc các cháu thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *